Tổng thư ký NATO đương nhiệm Jens Stoltenberg (trái) và người kế nhiệm Mark Rutte. (Nguồn: AP) |
Châu Âu
* Ukraine bác kế hoạch do cố vấn của ông Donald Trump đề xuất: Cố vấn Mikhail Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không đồng ý với kế hoạch giải quyết xung đột do các cố vấn của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.
Ông Podolyak cho rằng việc ngừng bắn dựa trên cơ sở đường ranh giới hiện tại là "kỳ lạ", đồng thời khẳng định, Kiev chỉ thúc đẩy “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky.
Trước đó, ngày 25/6, hai cố vấn chủ chốt đã đệ trình bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine trong trường hợp ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán với Moscow ngược lại sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nếu Nga từ chối đàm phán.
Theo các cố vấn, Nga có thể bị thuyết phục ngồi vào bàn đàm phán nếu được đảm bảo rằng Ukraine sẽ sớm từ bỏ việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoài ra, các cố vấn của ông Trump cũng gợi ý rằng, hiệp ước hòa bình Nga - Ukraine nên duy trì một chế độ ngừng bắn dựa trên đường ranh giới hiện tại. (Reuters)
Tin liên quan |
Hé lộ thông tin về thỏa thuận an ninh EU-Ukraine, Liên minh châu Âu sẽ hứa hẹn gì với Kiev? |
* NATO chính thức có Tổng thư ký mới: Ngày 26/6, các nước thành viên NATO đã chọn Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte làm Tổng thư ký tiếp theo của tổ chức này, thay thế ông Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.
Ông Rutte, 57 tuổi, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu (EU) trong 14 năm qua, nhận được sự ủng hộ của các thành viên quan trọng trong NATO như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông được đánh giá cao nhờ lập trường linh hoạt trong tìm kiếm đồng thuận và có quan điểm ủng hộ Ukraine. Nhiệm kỳ sắp tới của ông được dự báo sẽ không dễ dàng.
Người đứng đầu NATO sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine và khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng tới các quyết sách của NATO. (Reuters)
* Nga khôi phục tuyến đường sắt chở khách tới Triều Tiên vào tháng 7 tới, sau 4 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Theo người đứng đầu vùng Primorsky Krai ở Viễn Đông Nga, giáp giới với Triều Tiên, ông Oleg Kozhemyako, các tàu sẽ chạy từ thành phố Vladivostok tới cảng Rason của Triều Tiên. (Interfax)
* Italy dự định khôi phục việc khai thác năng lượng hạt nhân đến năm 2030, kế hoạch năng lượng và khí hậu mới (PNIEC) sẽ bao gồm 10-11% năng lượng hạt nhân, theo lời Bộ trưởng An ninh, môi trường và năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin.
Chính phủ Italy đang hoàn tất những bước cuối cùng của kế hoạch và sẽ đệ trình lên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng 6 tới.
Italy đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng sau căng thẳng ở Ukraine và có triển vọng phát triển tiềm năng công nghệ hạt nhân sạch hơn. (ANSA)
* BRICS tạm dừng kết nạp thành viên mới, theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalya Kochanova.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng chuẩn bị sắp xếp thứ hạng các nước đối tác trước khi họ trở thành thành viên đầy đủ của khối.
BRICS ban đầu bao gồm Nga, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hiện nay đã kết nạp Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. (TASS)
* Ukraine-Nga trao đổi 180 tù binh chiến tranh, số lượng lớn nhất trong gần 5 tháng, dưới sự trung gian của UAE. Mỗi bên nhận về 90 người. (Sky News)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Ukraine có cuộc trao đổi lớn trong gần nửa năm, Kiev nói gì về kế hoạch hòa bình của ông Trump? |
Châu Á-Thái Bình Dương
* Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào sáng 26/6 ra vùng biển phía Đông. Quân đội Hàn Quốc đang tiến hành nghiên cứu.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, dường như vụ phóng thất bại và vật thể của Triều Tiên đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách bờ biển nước này khoảng 370 km và không gây bất cứ thiệt hại nào.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lên tiếng phản đối vụ việc. (Yonhap)
* Hàn Quốc nối lại tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên các đảo biên giới với Triều Tiên vào ngày 26/6, lần đầu tiên sau 7 năm.
Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều loại pháo khác nhau, diễn ra tại các khu vực đảo Yeonpyeong và Baengnyeong ở Hoàng Hải, ngay sát phía Nam của Đường giới hạn phía Bắc (NLL).
Lực lượng thủy quân lục chiến đã bắn hơn 290 quả đạn pháo ra các vùng biển ngoài khơi, bao gồm pháo K9, hệ thống phóng tên lửa đa nòng Chunmoo và tên lửa chống tăng Spike. (Yonhap)
* Hàn Quốc chưa cân nhắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân vào lúc này vì Mỹ đã đồng ý sử dụng loại vũ khí này để bảo vệ đồng minh, theo lời Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 26/6.
Phát biểu với báo giới tại tòa nhà chính phủ, Thủ tướng Han Duck-soo nêu rõ, Seoul và Washington đang trong quá trình thực hiện Tuyên bố Washington được Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng người đồng cấp Mỹ Joe Biden thông qua vào năm ngoái.
Theo ông, hiện tại Seoul nên tập trung thực hiện đầy đủ thỏa thuận đạt được giữa Hàn Quốc và Mỹ và "lựa chọn tốt hơn" sẽ là bảo vệ đất nước mà không sử dụng vũ khí hạt nhân vì làm như vậy sẽ làm suy yếu cơ sở để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Thủ tướng Han nhấn mạnh ông không nghĩ rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình là cách duy nhất. Theo đó, Hàn Quốc cần tiếp tục xây dựng khả năng răn đe thông qua hợp tác với các đồng minh hoặc cộng đồng quốc tế. (Yonhap)
* Ấn Độ-Trung Quốc nêu bật “lợi ích chung” về “ổn định và tiến bộ”, bất chấp căng thẳng biên giới, theo lời Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar trong cuộc gặp Đại sứ Trung Quốc tại New Delhi Từ Phi Hồng.
Sau cuộc gặp Ngoại trưởng Jaishankar, Đại sứ Từ Phi Hồng cho biết, ông mong muốn được hợp tác với phía Ấn Độ để thúc đẩy sự phát triển quan hệ Bắc Kinh-New Delhi theo “đúng hướng”. (Times of India)
* Ấn Độ có lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện sau 10 năm: Ngày 25/6, đối thủ chính của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, ông Rahul Gandhi của đảng Quốc đại, đã được bầu làm lãnh đạo phe đối lập tại Hạ viện khóa XVIII - vị trí quan trọng đã bị bỏ trống trong một thập kỷ.
Quyết định này rất có ý nghĩa vì trong 2 khóa hạ viện vừa qua, đảng Quốc đại hùng mạnh một thời của dòng họ Gandhi đã không hội đủ số ghế cần thiết (hơn 55 ghế) trong cơ quan lập pháp để cho phép ông đảm nhiệm chức vụ này. (Times of India)
* Australia-Solomon thảo luận về hợp tác an ninh và phát triển trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Quần đảo Solomon Jeremiah Manele và người đồng cấp Australia Anthony Albanese tại Canberra.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Albanese cho biết Australia và các quốc gia Thái Bình Dương có vị thế tốt để đáp ứng nhu cầu an ninh của khu vực, nhấn mạnh: "Chúng tôi coi an ninh là nhiệm vụ của gia đình Thái Bình Dương".
Về phần mình, Thủ tướng Manele khẳng định: "Chúng tôi thừa nhận các đối tác an ninh của chúng tôi, Trung Quốc và Australia, cũng có những lợi ích chiến lược về an ninh... Về phần mình, chúng tôi nhìn nhận vấn đề an ninh thông qua góc nhìn phát triển". (SBS News)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên phóng tên lửa: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc triệp tập họp khẩn, Mỹ-Nhật-Hàn phản ứng |
Trung Đông-châu Phi
* Nguy cơ leo thang khủng hoảng ở Gaza và Bờ Tây: Trong một cuộc họp mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Gaza và Bờ Tây.
Mô tả về cuộc khủng hoảng nhân đạo "thảm khốc và kinh hoàng" ở Gaza, nơi dân thường phải chịu đựng tác động của hành động thù địch và trật tự dân sự gần như bị phá vỡ hoàn toàn, ông Wennesland đồng thời nhắc lại lời cảnh báo của Tổng thư ký LHQ rằng, leo thang hơn nữa “sẽ chỉ thêm đau khổ và hậu quả thảm khốc cho khu vực”.
Quan chức LHQ nhấn mạnh: "Tất cả thủ phạm bạo lực phải chịu trách nhiệm và nhanh chóng bị đưa ra trước công lý".
Bên cạnh đó, ông Wennesland cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang quân sự giữa Israel và Hezbollah dọc Đường Xanh, ranh giới ngăn cách các lực lượng vũ trang Lebanon và Israel. (THX)
* Mỹ tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah bằng con đường ngoại giao và đang khẩn trương hướng tới một thỏa thuận ngoại giao cho phép dân thường sống ở biên giới hai nước Trung Đông được trở về nhà của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin nhấn mạnh: "Cho đến nay, ngoại giao là cách tốt nhất để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa". (Reuters)
* Nga ủng hộ yêu cầu rút quân đội nước ngoài khỏi Syria, chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền của nước này, cũng như các cuộc tấn công thường xuyên của không quân Israel, để có thể đạt được sự thống nhất bền vững ở Syria, theo lời Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vasily Nebenzya.
Theo ông Nebenzya, tình hình khu vực Trung Đông đang rất hỗn loạn khi các hoạt động quân sự trong khu vực liên quan xung đột Israel-Palestine vẫn đang diễn ra và nhiều nguy cơ các nước láng giềng sẽ can dự vào cuộc xung đột này. Trong khi đó, những lo ngại về tình hình nhân đạo ở Syria ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, tại những khu vực mà chính quyền Syria không kiểm soát như điểm nóng khủng bố ở Idlib, vùng bên kia sông Euphrates và những khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các hoạt động quân sự, tình hình căng thẳng vẫn ở mức cao. (TASS)
* Khủng hoảng ở Kenya do biểu tình phản đối tăng thuế, nổ ra từ ngày 18/6, hiện đã biến thành bạo lực đẫm máu, khiến quốc gia châu Phi này phải huy động lực lượng quân đội can thiệp.
Ngày 25/6, Tổng thư ký LHQ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước tình trạng bạo lực đẫm máu làm rung chuyển Keny, khiến hàng trăm người thương vong.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cũng nhấn mạnh "mối quan ngại sâu sắc" sau khi các cuộc biểu tình nói trên ở Kenya trở nên nghiêm trọng, đồng thời hối thúc nước này "bình tĩnh và kiềm chế bạo lực". (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Khủng hoảng Kenya: Biểu tình thành đụng độ đẫm máu, tình hình vượt kiểm soát, quân đội vào cuộc |
Châu Mỹ
* Mỹ trừng phạt gần 50 thực thể và cá nhân bị cáo buộc “rửa” hàng tỷ USD cho quân đội Iran.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các thực thể và cá nhân bị trừng phạt đã hình thành một “mạng lưới ngân hàng ngầm” được Bộ Quốc phòng và hậu cần vũ trang Iran (MODAFL) cùng Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sử dụng.
Mạng lưới này giúp MODAFL và IRGC có được quyền tiếp cập với hệ thống tài chính quốc tế và xử lý hàng tỷ USD kể từ năm 2020. (Reuters)
* Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange chính thức nhận tội trong phiên tòa ngày 26/6 tại đảo Saipan, đảo chính của quần đảo Bắc Mariana - vùng lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Chánh án tòa án quận của Mỹ Ramona V. Manglona đã chấp nhận việc ông Julian Assange nhận tội và trả tự do cho nhà sáng lập WikiLeaks do ông này đã mãn hạn tù sau thời gian giam giữ tại Anh từ năm 2019.
Sau khi kết thúc phiên tòa kéo dài 3 giờ đồng hồ, ông Julian Assange rời Saipan trên một chiếc máy bay riêng có Đại sứ Australia tại Mỹ và Anh đi cùng và trở về quê nhà Australia. (Reuters)
* Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Mỹ điện đàm: Ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm theo khởi xướng từ phía Washington, thảo luận về tình hình xung quanh Ukraine.
Ông Belousov nhấn mạnh nguy cơ leo thang hơn nữa do Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine. Các bên cũng thảo luận về các vấn đề khác. (TAS)
* LHQ triển khai 4 chuyên gia đến giám sát cuộc bầu cử tổng thống Venezuela, dự kiến diễn ra ngày 28/7, theo lời mời của Hội đồng bầu cử của quốc gia Caribbean này.
Tuy nhiên, báo cáo “độc lập và nội bộ” về diễn biến của quy trình bầu cử sẽ là “bí mật”. Nhóm chuyên gia bầu cử nêu trên sẽ trình bày báo cáo trước Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào. (UN News)
* Interpol có Tổng thư ký mới là người Brazil: Ngày 25/6, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã bầu chọn ông Valdecy Urquiza - người đứng đầu cơ quan hợp tác quốc tế của Cảnh sát liên bang Brazil - làm Tổng thư ký trong 5 năm tới.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một sĩ quan cảnh sát từ một quốc gia đang phát triển trở thành quan chức điều hành Interpol. Trong 100 năm hoạt động, tổ chức này được điều hành bởi các quan chức đến từ 5 nước phương Tây, bao gồm Mỹ và 4 nước ở châu Âu. (Reuters)
| Tin thế giới 25/6: Tổng thống Pháp hứng 'bão' chỉ trích trong nước, khoảnh khắc lịch sử của Ukraine, Iran lấp lỗ hổng mang tên 'phương Tây' ra sao? EU bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga, tình ... |
| Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga vào tháng 7 Hãng thông tấn RIA dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể tới thăm Nga vào tháng ... |
| Nga-Ukraine có cuộc trao đổi lớn trong gần nửa năm, Kiev nói gì về kế hoạch hòa bình của ông Trump? Ngày 26/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, nước này và Nga đã trao đổi tổng cộng 180 tù nhân bị bắt trong xung ... |
| Nga-Mỹ bất ngờ liên lạc cấp Bộ trưởng Quốc phòng Ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bất ngờ có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Andrei Belousov, trong đó thảo ... |
| 'Vật báu' trong chiến thuật của Nga và Ukraine, vừa rẻ vừa 'vô đối' Chỉ phải bỏ ra chưa đến 500 USD, Nga và Ukraine đã có thể sở hữu một thứ vũ khí lợi hại có thể 'làm ... |