Ba đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh của Đức ký kết thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với chủ đề 'Táo bạo tiến bộ hơn nữa' vào ngày 7/12. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Mỹ chuẩn bị Thượng đỉnh, phong thanh tin đồn trừng phạt
Chỉ còn vài tiếng nữa, vào lúc 22h (giờ Hà Nội), sẽ diễn ra Thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
Trước thềm Thượng đỉnh, một số kênh truyền thông Mỹ đưa tin, chính quyền ông Biden đang xem xét khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Theo Bloomberg, Mỹ và các đồng minh châu Âu đang xem xét khả năng áp trừng phạt một số tổ chức tín dụng lớn và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga trong bối cảnh có những quan ngại Nga chuẩn bị "tấn công Ukraine", động thái mà Moscow luôn bác bỏ.
Bloomberg nêu rõ: "Họ cho rằng, các biện pháp cứng rắn nhất sẽ là ngắt kết nối khỏi SWIFT (hệ thống chuyển dữ liệu và thanh toán quốc tế), tuy nhiên điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào người dân Nga. Bởi vậy, các quan chức sẽ ngăn chặn khả năng chuyển đổi đồng Ruble sang đồng USD, Euro và bảng Anh”.
Trong khi đó, CNN cho biết thêm, lệnh trừng phạt mới cũng có thể nhắm đến các cộng sự thân cận của Tổng thống Nga.
Tuy nhiên, mới đây, khi được hỏi về việc liệu các tin tức trên có ảnh hưởng tiêu cực đến hội đàm sắp diễn ra giữa hai tổng thống hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng: "Đây không phải là tin tức, mà vẫn tiếp tục là sự cuồng loạn của truyền thông trong thời gian gần đây".
Ông Peskov cho biết thêm, Nga không nhận thấy có sự "xác nhận gián tiếp" nào từ Nhà Trắng về các lệnh trừng phạt (nếu có) này. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Moscow không hy vọng 'đột phá', chờ đề xuất của Washington về Ukraine |
'Drama' tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022
Sáng 7/12 (giờ Việt Nam), Nhà Trắng thông báo quyết định "không cử bất kỳ đại diện ngoại giao hoặc chính thức nào" đến Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022, song, các vận động viên trong các đội tuyển của Mỹ vẫn được quyền tham dự.
Theo bà Psaki, Nhà Trắng đã thông báo cho các đồng minh về quyết định này.
Vài giờ sau thông tin trên, Nhật Bản tuyên bố sẽ “xem xét toàn diện nhiều yếu tố và đưa ra quyết định về phản ứng của chính phủ đối với Thế vận hội Bắc Kinh vào một thời điểm thích hợp”.
Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab cho biết, ông sẽ không đến Trung Quốc tham dự sự kiện này và sẽ cân nhắc có tẩy chay ngoại giao Thế vận hội này hay không vào thời điểm thích hợp.
New Zealand cùng ngày tái khẳng định, nước này "sẽ không cử đại diện cấp bộ tới đó do một loạt yếu tố, nhưng chủ yếu là phải đối phó với Covid-19 và hậu cần du lịch... liên quan Covid-19 không cho phép thực hiện một chuyến thăm như vậy".
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ Italy cho biết, nước này không có kế hoạch tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022.
Trong một phản ứng về quyết định của Mỹ, cùng ngày, Nga bày tỏ sự chỉ trích Washington, đồng thời nhấn mạnh quan điểm "Thế vận hội không nên có yếu tố chính trị”.
Về phía Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), AFP dẫn lời một người phát ngôn của cơ quan này cho hay, IOC hiểu rõ quyết định của Mỹ, đồng thời khẳng định: “Sự hiện diện của các quan chức chính phủ và các nhà ngoại giao là quyết định hoàn toàn chính trị của mỗi chính phủ, mà IOC, với tư cách trung lập về chính trị, hoàn toàn tôn trọng”.
Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng gay gắt với động thái của Mỹ, tuyên bố, Bắc Kinh phản đối hành động tẩy chay của Washington và sẽ đưa ra "những biện pháp đáp trả kiên quyết". (Reuters, AFP, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Thế vận hội Bắc Kinh 2022: Trung Quốc nổi giận vì Mỹ, New Zealand nêu lý do nói 'không', Nhật Bản cân nhắc |
Tình hình Myanmar: Dư luận quốc tế quanh bản án của bà Aung San Suu Kyi
Ngày 6/12, bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi, bị tòa án Myanmar tuyên án 4 năm tù giam vì tội kích động và vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Sau đó, các lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã giảm án cho bà xuống còn 2 năm.
Trước quyết định trên, hàng loạt nước và Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) đã bày tỏ phản đối.
Cao ủy nhân quyền LHQ Michelle Bachelet bày tỏ thất vọng, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà ngay lập tức.
Trong một tuyên bố, bà Bachelet cho rằng việc kết tội bà Suu Kyi “đã đóng lại một cánh cửa nữa tới đối thoại chính trị” tại Myanmar và “sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự phản đối cuộc đảo chính”.
Anh cho rằng, việc kết án 4 năm tù giam đối với nhà lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi là một “nỗ lực kinh hoàng”, cảnh báo việc giam giữ tùy tiện các chính trị gia dân cử "chỉ mang lại nguy cơ gây thêm bất ổn”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: "Chúng tôi hối thúc chế độ này phóng thích bà Aung San Suu Kyi và tất cả những người bị giam giữ, trong đó có những quan chức được bầu một cách dân chủ".
Ấn Độ cho biết, nước này quan ngại sâu sắc về việc Myanmar tuyên án tù giam bà Aung San Suu Kyi.
Trước những phản ứng từ quốc tế, ngày 7/12, một quan chức cấp cao trong chính quyền quân sự Myanmar cho rằng, việc kết án tù đối với nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi cho thấy "không có ai đứng trên luật pháp" và bà Suu Kyi đã được giảm án trên “cơ sở nhân đạo”.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng Thông tin Myanmar Maung Maung Ohn cho biết, hệ thống tư pháp của nước này rất công bằng và bản án dành cho nhà cựu lãnh đạo đồng thời là chủ nhân giải Nobel Hòa bình là đúng quy định của pháp luật. (Reuters, AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Tòa Myanmar ra phán quyết với bà Aung San Suu Kyi |
Tình hình Venezuela: Chính quyền Tổng thống Maduro đón tin vui
Ngày 6/12, Đại sứ Venezuela tại LHQ Samuel Moncada thông báo, Đại hội đồng LHQ đã thông qua việc công nhận chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro là đại diện hợp pháp của nước Cộng hòa Bolivar Venezuela.
Ông Moncada cho biết, chỉ có 16 trong tổng số 193 quốc gia thành viên của LHQ từ chối công nhận Tổng thống Maduro và đây là một chiến thắng của nhân dân Venezuela, luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của một dân tộc trước "những chiến dịch tấn công của Mỹ".
Sau khi Tổng thống Maduro tái đắc cử năm 2018, khoảng 60 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số đồng minh ở Mỹ Latinh không công nhận chính quyền hợp hiến của Tổng thống Maduro và bày tỏ sự ủng hộ đối với thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, nhân vật tự xưng là “Tổng thống lâm thời”. (Twitter, Akhbar 24 news)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Venezuela: Tổng thống Maduro yêu cầu quan sát viên EU tôn trọng chủ quyền |
Chính trường Đức: SPD, FDP và đảng Xanh ký thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ
Hai tháng rưỡi sau cuộc tổng tuyển cử tại Đức, sáng 7/12 tại Berlin, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã ký kết thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ mới với chủ đề "Táo bạo tiến bộ hơn nữa", dài 177 trang.
Với động thái này, các đảng chính thức hoàn tất tiến trình đàm phán thành lập liên minh "Đèn giao thông" đỏ-vàng-xanh cầm quyền.
Dự kiến ngày 8/12, Quốc hội liên bang sẽ bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng và sau đó Nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức, kết thúc kỷ nguyên 16 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo kỳ cựu Angela Merkel - người đã tuyên bố rút khỏi chính trường và không tham gia cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ngày 26/9 vừa qua. (TRT World)
TIN LIÊN QUAN | |
Ba điểm đáng chú ý từ kết quả bầu cử Đức |
Thượng đỉnh Nga-Ấn Độ: Hiệu quả cao và thực chất
Ngày 6/12, Bí thư Đối ngoại Bộ Ngoại giao Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho hay, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ tuy ngắn nhưng đạt hiệu quả cao và mang tính thực chất, với việc ký kết 28 thỏa thuận/biên bản ghi nhớ, gồm 9 thỏa thuận liên chính phủ và 18 thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.
Bí thư Đối ngoại Ấn Độ cho biết, Tổng thống Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định duy trì tham vấn và phối hợp chặt chẽ song phương về vấn đề Afghanistan.
Hai bên nhấn mạnh đến sự cần thiết của cuộc chiến chống khủng bố qua biên giới, khẳng định không được sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm nơi trú ẩn, huấn luyện hoặc lên kế hoạch cho bất kỳ hành động khủng bố nào. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận chi tiết về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng chiến lược.
Tuyên bố chung sau hội đàm nhấn mạnh, việc hoàn thành 50 Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác năm 1971 và 20 năm Tuyên bố về đối tác chiến lược là biểu tượng cho mối quan hệ Ấn-Nga lâu đời và được thử thách qua thời gian, có đặc trưng dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích quốc gia cốt lõi của nhau và sự tương đồng về lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Bên cạnh đó, hai bên tái khẳng định cam kết đối với mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt đặc quyền giữa Ấn Độ và Nga, nhấn mạnh với tư cách là các cường quốc có trách nhiệm chung, mối quan hệ quan trọng này tiếp tục là mỏ neo của hòa bình và ổn định toàn cầu.
Tại hội đàm, các bên tích cực đánh giá mối quan hệ đa phương diện giữa Ấn Độ và Nga, trải dài trên nhiều lĩnh vực hợp tác gồm hợp tác về chính trị và chiến lược, kinh tế, năng lượng, quân sự và an ninh, khoa học và công nghệ, văn hóa và nhân đạo. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thượng đỉnh Nga-Ấn Độ: Tổng thống Putin gọi Ấn Độ là cường quốc, 'khai sinh' hàng chục thỏa thuận |
Một số tin quốc tế nổi bật khác trong ngày:
Tổng thống Ukraine 'lên gân' với Nga: Ngày 6/12, trong ngày quân đội quốc gia Ukraine với lễ trình diễn xe bọc thép và tàu tuần tra của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, lực lượng vũ trang nước này đủ khả năng chống trả mọi cuộc tấn công từ Nga. (Reuters)
Cảng chính Syria rung chuyển vì bị Israel nã tên lửa: Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, Israel đã không kích cảng Latakia của Syria vào sáng 7/12, gây hỏa hoạn tại cơ sở quan trọng này. (AFP)
LHQ thông qua nghị quyết về an ninh mạng do Nga-Mỹ đề xuất: Đại hội đồng LHQ đã thông qua mà không cần biểu quyết nghị quyết, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải ngăn chặn tình trạng sử dụng các nguồn thông tin và công nghệ cho các mục đích tội phạm và khủng bố. (Sputnik)
| Thỏa thuận hạt nhân Iran: Ngày về còn xa Đã gần một năm kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền tại Mỹ, song triển vọng về nối lại thỏa thuận hạt ... |
| Tin thế giới 6/12: Nga hé lộ Thượng đỉnh Biden-Putin, nói 'đáng tiếc'? Mỹ ra tuyên bố về NATO, Ukraine; Trung Quốc cảnh cáo Mỹ Căng thẳng Nga-Ukraine, Nga-Mỹ, Quốc hội Nhật Bản họp bất thường, Thượng đỉnh Nga-Ấn Độ, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, tình hình Belarus, đàm phán hạt ... |