Nga tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự ở Ukraine khi tuyên bố tiếp tục sử dụng các loại vũ khí chính xác tầm xa để tấn công những cơ sở công nghiệp quốc phòng của nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin nổi bật trong ngày:
Xung đột Nga-Ukraine
* Ngày 7/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, quân đội nước này đã xóa sổ 2.396 cơ sở quân sự của Ukraine kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô cũ.
Trong số các cơ sở này, có 82 trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc, 119 hệ thống phòng không S-300, Buk-M1 và Osa và 76 trạm radar.
Các lực lượng vũ trang Nga cũng phá hủy 827 xe tăng và các phương tiện bọc thép chiến đấu khác của Ukraine, 84 bệ phóng tên lửa, 304 pháo dã chiến và súng cối, 603 xe quân sự đặc biệt và 78 máy bay không người lái.
Ông Konashenkov cũng thông báo, quân đội nước này sẽ sử dụng các loại vũ khí chính xác tầm xa để tấn công những cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine và yêu cầu các nhân viên làm việc tại những nơi này nên sơ tán.(TASS)
* Quân đội Nga sẽ tạm ngừng bắn và mở 6 hành lang nhân đạo xung quanh các thành phố ở Ukraine để tạo điều kiện cho người dân sơ tán khỏi các khu vực xung đột, trong đó có các thành phố Kharkov, Mariupol và Sumy.
Thông tin chi tiết về các hành lang nhân đạo đã được thông báo trước cho phía Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine cho biết, những cuộc đàm phán với Nga về việc thiết lập các hành lang nhân đạo vẫn đang được tiến hành, song nhiều khả năng sẽ không thể thiết lập được những hành lang này trong khi các lực lượng Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch quân sự. (Reuters)
* Ngoại trưởng Nga, Ukraine nhất trí gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo, hai người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Ukraine Dmytro Kuleba nhất trí gặp nhau tại một diễn đàn về ngoại giao tại tỉnh Antalya - địa phương ven biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Cavusoglu xác nhận ông sẽ tham dự cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 10/3 tới. (Reuters)
* Mỹ tuyên bố điều thêm quân tới Lithuania: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ điều thêm 400 quân từ nhóm tác chiến của Lữ đoàn Thiết giáp số 1 tới Lithuania trong những ngày tới.
Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Điều 5 Hiến chương Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đó, nếu xảy ra hành động quân sự nhằm vào các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này, Washington cùng các đồng minh và đối tác sẽ bảo vệ “từng tấc đất lãnh thổ NATO”.
Nhận định về tình hình ở Ukraine, quan chức hàng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng có sự chênh lệch rất lớn về số lượng binh sĩ của Nga và Ukraine. (Sputnik)
* Nguy cơ Thế chiến III: Ngày 7/3, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cảnh báo, thất bại trong nỗ lực ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả là một "cuộc xung đột toàn cầu".
Theo nhà lãnh đạo, Tổng thống Nga Vladimir Putin “sẽ không dừng lại ở Ukraine” và khẳng định thế giới có nghĩa vụ phải giúp người dân Ukraine “bằng mọi biện pháp có thể… nếu chúng ta muốn tránh kịch bản nổ ra Thế chiến III".
Về quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cùng ngày nhận định “không ai có thể loại trừ bất kỳ kịch bản nào”. (Reuters)
* Nhật Bản khuyến cáo công dân không nên đến Nga: Ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nâng cấp độ cảnh báo đi lại đến Nga lên cấp độ 3 (khuyến cáo không đi du lịch), bên cạnh cấp độ 4 (cấp cao nhất-khuyến cáo di dời) đã được tuyên bố trước đó đối với khu vực biên giới Nga-Ukraine.
Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo công dân nước này tại Nga cân nhắc việc rời khỏi nước này trên các chuyến bay thương mại, trước khả năng bị hạn chế trong thời gian tới.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đã cấm máy bay Nga đi vào không phận của mình và Moscow cũng đã đáp trả bằng việc cấm nhiều máy bay nước khác đi vào không phận của nước này, khiến nhiều chuyến bay đã bị tạm dừng vận chuyển hành khách. (Kyodo)
* Anh cấp thêm hơn 132 triệu USD viện trợ cho Ukraine: Ngày 6/3, Thủ tướng Boris Johnson thông báo Anh sẽ cung cấp thêm 100 triệu Bảng (khoảng 132,37 triệu USD) viện trợ cho Ukraine, đồng thời cam kết tiếp tục nỗ lực tập hợp dư luận quốc tế chống lại cuộc chiến của Nga.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, khoản viện trợ mới bổ sung sẽ được cung cấp thông qua Ngân hàng thế giới nhằm hỗ trợ bộ máy nhà nước của Ukraine, bên cạnh gói viện trợ chung trị giá 220 triệu Bảng (290 triệu USD) cho nước này.
Trong ngày 7-8/3, Thủ tướng Anh sẽ tiếp các nhà lãnh đạo Canada, Hà Lan và nhóm 4 nước Visegrad gồm Hungary, Ba Lan, Czech và Slovakia - một phần trong kế hoạch 6 điểm được Văn phòng Thủ tướng Anh công bố hôm 5/3 nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. (AFP)
* Ukraine sẵn sàng thảo luận “các mô hình phi NATO”: Thành viên đoàn đàm phán của Ukraine David Arakhamia mới đây cho biết, Kiev không chấp nhận nhượng bộ về toàn vẹn lãnh thổ trong các cuộc thảo luận với Nga, nhưng sẵn sàng bàn bạc trong một cơ chế đa phương về “các mô hình phi NATO” cho tương lai của mình.
Theo ông, NATO chưa sẵn sàng cho việc thảo luận kết nạp Ukraine, cả trong vòng 5 hoặc 10 năm tới, vì vậy, có thể "có những đảm bảo trực tiếp của các nước khác như Mỹ, Trung Quốc, Anh, có thể là Đức và Pháp”.
Tuy nhiên, Kiev muốn các cuộc thảo luận về vấn đề này phải được diễn ra tại một diễn đàn rộng hơn, chứ không chỉ là thảo luận song phương với Nga. (Reuters)
* Mỹ-Anh cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga: Ngày 7/3, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Anh James Cleverly cho biết, London sẽ cân nhắc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiết lộ, Washington và châu Âu cũng đang xem xét vấn đề tương tự.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, cơ quan này đang "xem xét" luật cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga vào Mỹ, hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus và thực hiện bước đầu tiên để ngăn Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng ngày, công ty khí đốt tự nhiên nhà nước Nga Gazprom khẳng định đang tiếp tục cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Ukraine với khối lượng tương đương một ngày trước đó là 109,5 triệu m3/ngày. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tương lai bất định của những người di cư Ukraine |
Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh khuyên Washington thay thế 3 nguyên tắc
Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc Mỹ đưa chính sách Trung Quốc trở lại đúng hướng dựa trên lý trí và chủ nghĩa thực dụng, đồng thời đưa quan hệ song phương trở lại con đường phát triển lành mạnh và ổn định.
Theo đó, Bắc Kinh và Washington phải thay thế bộ ba “cạnh tranh-hợp tác-đối đầu” bằng 3 nguyên tắc gồm: tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Ông Vương Nghị cho rằng, cạnh tranh giữa các nước lớn không phải là xu hướng và “trò chơi tổng số bằng 0” không phải là lựa chọn đúng đắn.
Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, làm thế nào để hai quốc gia tìm ra con đường đúng đắn hướng về phía trước và cách thức để hòa hợp là một câu hỏi mới đối với nhân loại và là một công thức mà Trung Quốc và Mỹ phải cùng nhau tìm ra. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc |
Bán đảo Triều Tiên:
* Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến triệu tập một phiên họp trong tuần này về vụ phóng vật thể bay mới nhất của Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc họp thứ hai của cơ quan quyền lực của Liên hợp quốc trong khoảng một tuần liên quan đến động thái mới của chính quyền Bình Nhưỡng.
Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành một "cuộc thử nghiệm quan trọng" để phát triển vệ tinh do thám, một ngày sau khi có tin Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa đạn đạo thứ hai chỉ trong một tuần. (Yonhap)
* Trung Quốc nói quan ngại Triều Tiên chưa được giải quyết: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, mối quan ngại an ninh “chính đáng” của Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên tùy thuộc vào Mỹ.
Theo ông, dù Washington tuyên bố rằng họ không có “thái độ thù địch”, song điểm mấu chốt của vấn đề là liệu Mỹ có triển khai hành động cụ thể để giải quyết vấn đề hay không, hay tiếp tục tìm cách lợi dụng vấn đề hạt nhân làm “lá bài chiến lược địa chính trị”.
Đề cập đến quan hệ Hàn-Trung, Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay, là “hai nước láng giềng hữu nghị” có chung lịch sử lâu đời, hai bên cần hợp tác một cách toàn diện. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ Triều Tiên thử tên lửa: Hàn Quốc, Nga điện đàm, nhấn mạnh vai trò của Moscow |
Đàm phán hạt nhân Iran: Điều kiện đạt thỏa thuận và các yếu tố ảnh hưởng
Ngày 7/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, có thể đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân trong “thời gian sớm nhất” nếu Mỹ chấp nhận các kiến nghị do Tehran đưa ra trong những cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna (Áo).
Theo ông Khatibzadeh, tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và các cường quốc phương Tây không nên bị ảnh hưởng bởi bất kỳ gói trừng phạt nào giống như các lệnh trừng phạt áp đặt nhằm vào Nga.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga do chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine không liên quan gì đến việc đàm phán đi đến một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Cùng ngày, quan chức an ninh hàng đầu của Iran Ali Shamkhani cho biết, các nhà đàm phán đang đánh giá các yếu tố mới ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ở Vienna và Tehran đang theo đuổi các sáng kiến để thúc đẩy đạt được một thỏa thuận trong đàm phán. (Reuters)
| Xung đột Nga-Ukraine: Bị thúc giục lên tiếng, Trung Quốc khẳng định quan hệ vững chắc với Nga Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, tình hữu nghị giữa nước này với Nga rất vững chắc, bất chấp làn sóng ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (28/2-6/3): Xung đột Nga-Ukraine, Mỹ điều quân đến Đông Âu, tranh cãi vụ cháy nhà máy điện hạt nhân, đổ lỗi nhau về lệnh ngừng bắn Xung đột Nga-Ukraine ngày càng leo thang, kéo theo hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hai phụ nữ phía sau Tổng thống ... |