Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ dẫn đến biểu tình phản đối nổ ra trên toàn quốc. (Nguồn: Reuters) |
Theo trang mạng chính thức của Bộ Tài chính Mỹ, Washington đã liệt 2 doanh nghiệp là Xí nghiệp Gỗ Myanmar và Xí nghiệp Ngọc trai Myanmar vào danh sách đen
Trong khi đó, liên quan Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta, Indonesia trong ngày 24/4 tới, theo Reuters, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cũng sẽ bay tới Jakarta trong ngày 22/4 để gặp các quan chức cấp cao các nước Đông Nam Á.
Hãng tin Reuters của Anh dẫn các nguồn thạo tin cho biết, bà Burgener sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh mà sẽ có các cuộc gặp bên lề với các nhà lãnh đạo ASEAN và thảo luận về tình hình tại Myanmar.
Trước đó, ngày 17/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat cho biết Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar - sẽ tham dự hội nghị cấp cao ASEAN. Các nước láng giềng của Myanmar đã nỗ lực khuyến khích việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa các bên ở Myanmar nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.
Kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN nói trên đã được nước chủ nhà Indonesia và Ngoại trưởng Retno Marsudi thúc đẩy trong vài tuần qua với sự ủng hộ của nhiều nước thành viên.
Đầu tháng này, Brunei - nước đang giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021 - đã lên tiếng ủng hộ tổ chức hội nghị trên nhằm thảo luận về các diễn biến tại Myanmar và cho biết đã yêu cầu các quan chức chuẩn bị cho cuộc họp này tại Jakarta.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ được tổ chức theo thể thức Arria về tình hình Myanmar, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho tất cả mọi người và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội.
Đại sứ kêu gọi các bên liên quan ở Myanmar kiềm chế các hành vi bạo lực, tiến hành đối thoại và hòa giải theo ý chí và nguyện vọng của người dân, vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đại diện Việt Nam cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đối thoại và hòa giải, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar, ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và kêu gọi các bên tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến công tác của Đặc phái viên tới Myanmar.
Đại sứ khẳng định 55 triệu người dân Myanmar đều là thành viên của Đại gia đình ASEAN và ASEAN luôn sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách xây dựng, hòa bình thông qua các cơ chế liên quan.
Các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã và đang cùng các bên liên quan ở Myanmar thúc đẩy đối thoại, tạo thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho vấn đề này.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN, mong muốn các cuộc thảo luận ở LHQ về các vấn đề quan trọng liên quan cần có sự tham vấn đầy đủ với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực.