Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đến an ninh môi trường toàn cầu và Việt Nam.
Bảo vệ môi trường được xem là trách nhiệm chung của toàn xã hội, toàn dân và đòi hỏi có sự chung tay của các quốc gia, các địa phương, các giai tầng xã hội, trong đó có đồng bào và các tổ chức tôn giáo.
Tăng, ni, phật tử chùa Bồ Ðề Lan (quận 6, TP. Hồ Chí Minh) tham gia dọn vệ sinh môi trường, làm sạch đường phố tại khu vực phường 8. (Nguồn: tuyengiao.vn) |
Bảo vệ môi trường cũng là quyền và nghĩa vụ của các tôn giáo
Theo các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, GDP bình quân cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP.
Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, vừa bảo vệ môi trường hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Cho nên, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam luôn nhất quán mô hình tăng trưởng xanh và hướng tới người dân: bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; mở rộng khả năng tiếp cận bình đẳng cho Nhân dân về thành quả phát triển của quá trình chuyển đổi xanh.
Thời gian qua, để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thì sự tham gia của đồng bào tôn giáo trở nên rất quan trọng.
Giáo lý các tôn giáo đều có điểm tương đồng, trước hết là những điều răn dạy con người giảm bớt sự ích kỷ, thương yêu nhau, sống từ bi, bác ái, hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, khi mà trách nhiệm bảo vệ môi trường cần sự chung tay của tất cả mọi tổ chức, cá nhân.
Cùng với số lượng đồng bào tôn giáo ngày càng tăng, sự tham gia của các tổ chức tôn giáo vào nhiều lĩnh vực đời sống xã hội là điều kiện thuận lợi để phát huy, động viên các tín đồ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường. Có thể nói, các cơ sở tôn giáo, thờ tự (đình, chùa, đền, nhà thờ, miếu mạo...) thường có kiến trúc tôn nghiêm, độc đáo và được toạ lạc trong những khu vườn cây bao quanh xanh, sạch, đẹp.
Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở nơi thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền địa phương tổ chức.
Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo. Đồng thời, tại các buổi sinh hoạt giáo lý, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cũng thường xuyên tuyên truyền tới tín đồ về vai trò và ý nghĩa của môi trường đối với tín ngưỡng tôn giáo và sức khỏe con người.
Một sự kiện quan trọng là từ năm 2015, tại hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, đại diện lãnh đạo của 16 tôn giáo tại Việt Nam cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2020 (Chương trình phối hợp) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp.
Chương trình phối hợp tiếp tục được thực hiện qua gần 10 năm, đã tạo được những chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản nhận thức của các lãnh đạo và tổ chức tôn giáo. Ở mỗi địa phương, các nội dung của Chương trình phối hợp được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”…
Hiện nay, các tổ chức trên đang chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2026, 100% chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo biết và tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình phối hợp này. Điều này sẽ góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2050.
Đại diện giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Đại diện Công giáo và Tin lành ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2026. (Nguồn: TTXVN) |
Đóng góp của tôn giáo trong bảo vệ môi trường
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong Chương trình phối hợp nói trên. Qua đó, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nổi bật như các phong trào: Giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”; cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần; giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa,…
Đến nay, cả nước có hơn 2.000 mô hình điểm của các tôn giáo về bảo vệ môi trường được triển khai. Ở nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: thành phố Cần Thơ có mô hình “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt...
Những phong trào trên đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực, quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc chặn đà suy giảm, dần cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Nhiều thông điệp của các tổ chức tôn giáo được đưa ra mang ý nghĩa sâu sắc. Phật giáo đưa ra thông điệp: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường, cũng là bảo vệ chính mình…”. Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của Trái Đất này trước khi quá muộn,…”. Phật giáo Hòa Hảo đưa ra thông điệp: “Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải bảo vệ môi trường tốt đẹp, an toàn và bền vững cho cuộc sống”…
Điều 4, Khoản 1 Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2020, nêu rõ: “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân”. |
Để phát huy sự tham gia của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo cần thống nhất nhận thức và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng, tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền.
Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
Hai là, các tôn giáo cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Đồng thời, cần tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường.
Ba là, Nhà nước cần sớm ban hành bộ tài liệu về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có kế hoạch triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong sinh hoạt tôn giáo phù hợp đối với mỗi tôn giáo. Mặt khác, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo để người có đạo và không có đạo có thể tham gia thực hiện.
Bốn là, tăng cường vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương cần bố trí kinh phí để hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư tôn giáo gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Năm là, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.
Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhà nước cần sớm ban hành bộ tài liệu về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có kế hoạch triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong sinh hoạt tôn giáo phù hợp đối với mỗi tôn giáo. Mặt khác, cần xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo để người có đạo và không có đạo có thể tham gia thực hiện. |
(*) Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.