TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Ấn Độ sẽ thăm Trung Quốc | |
Ấn Độ kêu gọi bảo vệ quyền tự do hàng hải |
Đoàn tháp tùng Tổng thống gồm 1 Bộ trưởng, 4 thành viên Quốc hội, nhiều quan chức, doanh nghiệp và nhà báo. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Ấn Độ tới Ghana và Cote d’Ivoire. Còn đối với Namibia, đây là chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên của Ấn Độ trong hơn hai thập niên qua.
Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á này sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp và dự kiến một loạt thỏa thuận sẽ được ký kết trong chuyến công du này. Trọng tâm kinh tế và sự quan tâm đến cộng đồng Ấn kiều thể hiện qua việc Tổng thống Mukherjee sẽ tham dự các Diễn đàn Doanh nghiệp chung và tiếp xúc với cộng đồng Ấn kiều tại các nước này.
Trong chặng dừng chân đầu tiên ở Ghana, Tổng thống Mukherjee sẽ hội đàm với Tổng thống John Dramani Mahama, phát biểu tại Đại học Ghana, thăm Trung tâm ICT Excellence Kofi Anna (Ấn Độ hỗ trợ 2,86 triệu USD) và khai trương tượng Mahatma Gandhi – món quà từ Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ. Trong số các thỏa thuận được ký kết có thỏa thuận xây dựng Ủy ban chung giữa Ấn Độ và Ghana và làm mới chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee. (Nguồn: TOI) |
Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Cote d'Ivoire đã tăng từ 344,99 triệu USD trong năm 2010-2011 lên đến 841,85 triệu USD trong năm 2014-2015. Trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam, Ấn Độ đã mở rộng dòng tín dụng trị giá 156,3 triệu USD cho chính phủ Ghana trong các dự án phát triển như giao thông công cộng, điện khí hóa nông thôn, đảm bảo đủ gạo, chế biến hạt điều, dầu thực vật, sợi dừa, cá… và Công viên Công nghệ sinh học và thông tin Mahatma Gandhi.
Ấn Độ mở Đại sứ quán ở Abidjan vào năm 1979 và Cote d’Ivoire khai trương cơ quan ngoại giao vào tháng 9/2004. Trong thời gian ở thăm quốc gia Tây Phi này, Tổng thống Mukherjee sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Alassane Ouattara trước khi hội đàm. Tại đây, nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ được trao tặng Huân chương Quốc gia – Huân chương cao quý nhất của Cote d’Ivoire.
Trong số các thỏa thuận đáng chú ý được ký kết nhân dịp này có thỏa thuận về việc Ngân hàng EXIM mở văn phòng đại diện khu vực Abijan. Tại Thủ đô Windhoek (Namibia), ngoài việc thúc đẩy các trọng tâm về hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại…, theo Economic Times, Tổng thống Mukherjee sẽ có “sứ mệnh thuyết phục Namibia phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân giữa hai nước từ năm 2009”.
Theo thỏa thuận này, Namibia – nhà sản xuất uranium lớn thứ 4 thế giới đồng ý bán nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ. Tuy nhiên, nước này lại “mắc kẹt” trong Hiệp ước Pelindaba mà Liên minh châu Phi đã ký kết, trong đó không cho phép cung cấp uranium cho các quốc gia chưa tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Nỗ lực tăng cường hợp tác hạt nhân với Namibia cũng nằm trong tham vọng toàn cầu của Ấn Độ, trong đó có kế hoạch gia nhập Tổ chức các nước cung cấp hạt nhân (NSG) - điều này dự kiến sẽ được quyết định tại phiên họp chung của tổ chức này vào ngày 24/6 tới ở Seoul (Hàn Quốc).