Không chỉ là chuyện riêng | |
Hàn Quốc quyết ngăn chặn Triều Tiên phát triển ICBM "bằng mọi giá" |
Có thể nói, Hàn Quốc dưới thời nhà cựu luật sư đã lựa chọn cách tiếp cận “có cương có nhu” trong vấn đề Triều Tiên. Một mặt, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã hồi sinh Chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, theo đó chủ trương theo đuổi đàm phán và đối thoại với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Tuy nhiên, Seoul vẫn luôn tỏ ra cứng rắn khi cần thiết, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng liên tục có những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân, bất chấp những răn đe từ phía Mỹ và các đồng minh.
Những nét nổi bật này trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc càng được thể hiện rõ nét khi quốc gia này đang gặp khó trên bán đảo Triều Tiên. Không chỉ vậy, quan hệ của Seoul với Washington, Bắc Kinh và Tokyo - những nhân tố chính trong giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng, đều đang rơi vào thế bế tắc. Nhiệm vụ này đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in cầm tìm hiểu kỹ tình hình hiện tại nhằm đưa ra những nước đi hợp lý.
Ông Moon Jae-in ăn mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc 2017. (Nguồn: Getty) |
Duy trì quan hệ liên Triều
Một trong những ưu tiên của chính quyền Seoul hiện nay là xem xét lại cách tiếp cận với Triều Tiên. Việc theo đuổi Chính sách Ánh Dương cam kết xoa dịu căng thẳng và khôi phục bàn đám phán 6 bên gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và hai miền Triều Tiên, cho thấy sự thay đổi tư duy đáng kể của nhà lãnh đạo Nhà Xanh so với chủ nghĩa bảo thủ và những người tiền nhiệm.
Đầu tiên, ông đã khôi phục viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng phê chuẩn yêu cầu của tổ chức nhân đạo Korean Sharing Movement, cho phép tổ chức này liên hệ với Bình Nhưỡng để thảo luận cách thức đối phó với bệnh sốt rét.
Không dừng lại ở đó, ông Moon cũng đưa ra những đề xuất về “bản đồ kinh tế mới của Bán đảo Triều Tiên” và tầm nhìn mới về hợp tác kinh tế giữa hai miền, cũng như mở rộng Tổ hợp công nghiệp Kaesong thêm 66 km2, so với 3,3 km2 như hiện tại. Ông cũng nhắc đến dự án du lịch núi Kumgang, dự án vốn bị trì hoãn vào năm 2008 sau khi một khách du lịch Hàn Quốc bị bắn chết bởi cảnh vệ Triều Tiên.
Tuy thể hiện thái độ tích cực và thiện chí, Tổng thống Moon cũng thể hiện sự cứng rắn khi cần thiết. Ngay sau khi Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản vào ngày 28/8 vừa qua, Hàn Quốc đã triển khai ngay 4 máy bay chiến đấu F-15k áp sát biên giới liên Triều và ném 8 quả bom đa dụng MK-84 trong một đợt diễn tập để thị uy.
Đáp trả vụ thử bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng ngày 3/9, Seoul cũng đã tiến hành tập trận, đồng thời “gật đầu” cho phía Mỹ tiếp tục hoàn thiện THAAD nhằm răn đe chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un. Đây được cho là những cảnh báo mạnh mẽ tới Triều Tiên rằng, Hàn Quốc sẵn sàng có những phản ứng quân sự khi cần nhiết nhằm đáp trả những khiêu khích tên lửa ngày càng liều lĩnh của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra đầu đạn hạt nhân, được cho là có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. (Nguồn: AP) |
Các vụ thử tên lửa mới rõ ràng đã tăng sức ép lên vị Tổng thống Hàn Quốc trong quá trình theo đuổi chiến lược ngoại giao kép của mình. Điều mà chính quyền Seoul có thể làm ở thời điểm hiện tại là hướng tới các thỏa thuận ngắn hạn trong các vấn đề ít nhạy cảm hơn như tổ chức các buổi gặp gỡ cho các gia đình ly tán, tham dự chung trong các sự kiện thể thao như Olympics Mùa Đông Pyeongchang sắp tới, hay xa hơn là tái thiết lập đường dây nóng quân sự. Đó sẽ là cơ sở để thúc đẩy hợp tác dài hơn trong tương lai giữa hai miền.
Kết nối Trump – Moon
Một trong những chuyển hướng chính sách của Hàn Quốc với Mỹ là việc chính quyền Moon Jae-in muốn được chuyển giao quyền kiểm soát các hoạt động chiến tranh từ Mỹ. Đây không phải là chủ trương mới khi nó đã được nhất trí từ hai đời Tổng thống trước, nhưng chưa được triển khai. Lần này thì khác: Tổng thống Moon đã quyết tâm hoàn tất việc chuyển giao quyền kiểm soát trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình khi trực tiếp đề cập trong chương trình nghị sự chính sách 5 năm tới.
Hàn Quốc cũng có nhu cầu xây dựng năng lực phản ứng lại các đe doạ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, hạn chế lệ thuộc vào Mỹ. Tổng thống Moon từng tuyên bố “nên học cách nói không với Mỹ” và cam kết cách tiếp cận “Lợi ích quốc gia trước tiên” trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 1. Tuy nhiên, việc Seoul và Washington có quan điểm khác nhau về vấn đề Triều Tiên cũng đang trở thành vật cản trong việc hợp tác cùng đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ở thời điểm hiện tại, những đề xuất mang tính hòa hoãn của Tổng thống Moon Jae-in như mở lại khu công nghiệp Kaesong vẫn đang đi ngược lại quan điểm từ phía Mỹ, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc do chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy. Với việc Mỹ đóng một vai trò tối quan trọng trong bảo đảm an ninh của Hàn Quốc trước tên lửa Triều Tiên, có lẽ chính quyền của ông Moon nên cân nhắc việc ngồi lại với Washington để hóa giải những bất đồng còn tồn tại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: cdn) |
Phá băng Trung – Hàn
Năm 2015, giới quan sát đã từng chứng kiến mức độ quan hệ nồng ấm chưa từng thấy giữa hai nhà lãnh đạo Park Geun-hye và Tập Cận Bình. Trong suốt chuyến thăm của Tổng thống Park nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật tại Trung Quốc, người ta thấy bà Park và ông Tập luôn kề cận nhau khi theo dõi lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn.
Tuy nhiên, sau khi chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in quyết định triển khai THAAD, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được miêu tả như trong trạng thái tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Điển hình là trong ngày kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hôm 24/8, hai nước đã không cùng nhau tổ chức như thường lệ mà tổ chức riêng, quyết định này dĩ nhiên đến từ phía Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc chỉ cử Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tới dự buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Hàn Quốc, thì Hàn Quốc đã cử phái đoàn đại diện cấp cao bao gồm Người Phát ngôn Quốc hội, Cố vấn an ninh cao cấp của Tổng thống và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tới buổi lễ kỷ niệm tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Moon hiểu rõ vị thế kinh tế và vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Do đó, ông đã nhanh chóng cử một đặc phái viên có sức nặng tới Trung Quốc nhằm truyền tải mong muốn tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, rõ ràng ông Moon đang ở trong thế khó, khi vấn đề không đơn thuần là THAAD, mà còn nằm ở cạnh tranh ảnh hưởng Trung - Mỹ, vấn đề muôn thuở mà các Tổng thống Hàn Quốc đều ít nhiều phải đối mặt.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Nguồn: Reuters) |
Gỡ nút thắt Nhật – Hàn
Ngày 18/5, chỉ một tuần sau lễ nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử một đặc phái viên sang gặp Thủ tướng Shinzo Abe, trước cả khi cử đặc phái viên sang Trung Quốc. Động thái này của ông chủ Nhà Xanh khác hẳn với người tiền nhiệm, khi bà Park Geun-hye chưa bao giờ tới thăm Nhật Bản trong suốt nhiệm kỳ của mình. Dưới thời bà Park, hai bên vẫn tiếp tục bất đồng xung quanh vấn đề bồi thường cho phụ nữ Hàn bị ép làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật trong chiến tranh. Cái mà người Hàn Quốc muốn không chỉ là những bù đắp về mặt tài chính, mà còn là một lời xin lỗi chính thức từ phía Tokyo.
Ngoài các vấn đề lịch sử, hai nhà lãnh đạo hai nước còn có những khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên. Trong khi Nhật Bản có khá ủng hộ với việc trừng phạt Triều Tiên, Hàn Quốc lại có cách tiếp cận kép, kết hợp giữa cứng và mềm. Tuy nhiên, sau vụ phóng tên lửa hôm 28/8 và vụ thử hạt nhân ngày 3/9, lãnh đạo hai nước đã có cuộc điện đàm và nhất trí sẽ cùng cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề Triều Tiên.
Trong thời gian tới, nhiều khả năng chính phủ hai nước sẽ có xu hướng xích lại gần nhau hơn. Trong quá khứ, Tổng thống Roh Moo-hyun và Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã nhất trí thiết lập nên cơ chế gặp gỡ hàng năm và đối thoại giữa hai nước. Giờ đây, có vẻ như Tổng thống Moon đang tái khởi động cơ chế này, với bước đi đầu tiên là triển khai ngoại giao con thoi.
Cố Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichirou Koizumi từng có quan hệ thân thiết. |
Vượt qua thách thức
Những phân tích trên đây đã chỉ ra các thuận lợi cũng như khó khăn đối ngoại mà chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải đối mặt trong thời gian tới. Thực trạng này sẽ đòi hỏi Seoul cần tỉnh táo, nhận định rõ tình hình để đưa ra đối sách hợp lý.
Với chính quyền Triều Tiên, ông Moon có thể sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi Chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Roh Moo-hyun, nhưng phức tạp và thực dụng hơn, phù hợp với tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay. Cụ thể, song song với việc tiếp tục các bước can dự nhỏ nhằm hướng tới các bước hợp tác lâu dài, Seoul vẫn cứng rắn và thể hiện sức mạnh quân sự khi cần thiết. Hàn Quốc cần sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất, song vẫn kiên trì gửi đến Bình Nhưỡng thông điệp hoà bình, nhằm hướng tới một sự ổn định khu vực chung.
Về phần Mỹ, nhiều khả năng ông Moon Jae-in sẽ có những bước tiến nhỏ trong mối quan hệ với chính quyền Trump nhằm tránh lệ thuộc vào quốc gia này, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang có những suy tính về việc đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do FTA với Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Seoul phải đứng vững trên đôi chân của mình trước áp lực từ Bình Nhưỡng và trong hoàn cảnh hiện tại, điều này rất khó trở thành hiện thực. Về lâu dài, Hàn Quốc vẫn cần duy trì quan hệ quân sự và chính trị với Mỹ, do đó một cuộc hội đàm nhằm giải quyết những bất đồng đang tồn tại giữa lãnh đạo hai bên là cần thiết.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Moon sẽ bằng mọi cách khôi phục quan hệ với chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, bởi Bắc Kinh không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, mà còn là đối tác quan trọng của Seoul. Ổn định quan hệ láng giềng là tiền đề để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế, nhằm thoả mãn các mục tiêu kinh tế của nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
Đối với Nhật Bản, sẽ là cực kỳ thông minh nếu ông Moon Jae-in có thể tận dụng vấn đề Triều Tiên để thắt chặt mối quan hệ và tạm gác lại những trở ngại trong quá khứ. Do đó, nhiều khả năng Seoul sẽ tranh thủ sự cảm thông của dư luận trong nước đối với những đe doạ từ Bình Nhưỡng để đạt được quan hệ cùng có lợi trong mối quan hệ với Tokyo. Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Động thái này không chỉ giữ được quan hệ với Nhật Bản, mà còn tạo đà để đàm phán hiệp định về đền bù cho phụ nữ mua vui trong tương lai giữa hai nước.
Tuy nhiên, thực hiện những chính sách phức tạp này sẽ đòi hỏi Chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in phải dành nhiều rất thời gian và công sức bởi ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đang ở điểm trũng trong hầu hết các mối quan hệ. Do đó, không sai nếu nhận định rằng chặng đường phía trước còn dài và không dễ dàng cho chính quyền của ông Moon Jae-in.
Tổng thống Hàn Quốc đề xuất mở rộng hợp tác kinh tế với Nga Ngày 7/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị mở rộng hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Nga trong một loạt ... |
Mỹ triển khai thêm 4 bệ phóng của hệ thống THAAD tại Hàn Quốc Thông tin trên được hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngày 7/9. |
Giới chức Mỹ lạc quan về tái đàm phán FTA với Hàn Quốc Ngày 5/9, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bày tỏ lạc quan về tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ... |