Ảnh minh họa |
Tranh cãi bắt đầu nổ ra từ tháng 11 năm ngoái sau khi Tổng thống Dmitry Medvedev đích thân đến quần đảo trong chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Nga tới Kuril. Theo phía Nga, hành động này mang tính biểu tượng, có ý nghĩa xác nhận chủ quyền của Nga. Từ ngoại giao đã sang đến chính trị và quân sự, và động thái mới nhất cho thấy sự cấp bách trong hành động của Mátxcơva.
Thoạt nhìn, quyết định này của Kremlin không phù hợp với nỗ lực mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Medvedev là thành lập "liên minh hiện đại hóa" với phương Tây và Nhật Bản, thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài cho công cuộc cải cách và hiện đại hóa nước Nga. Nhiều người cho rằng, có vẻ như Nga đang cố tình "bé xé ra to", còn những gì Nga thực sự quan tâm là phát triển khu vực Viễn Đông và kéo theo củng cố lực lượng quốc phòng, và lẽ ra mọi chuyện êm đẹp nếu ông Medvedev cử một quan chức cấp thấp hơn tới Kuril thay vì chính mình đi đến nơi này. Có người còn nói rằng, có thể là Mátxcơva đã mệt mỏi với cuộc xung đột và chỉ đơn giản là "thúc đẩy tiến trình" trong khi Nhật Bản không có quyết tâm giải quyết nhanh chóng cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, không đơn giản như vậy. Ông Medvedev đã mang theo cả Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến Kuril, đồng thời đề cập nhiều lần đến việc tăng cường có mặt quân sự trên quần đảo này.
Sự cứng rắn trong lập trường của Nga cũng thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/2 rằng Nhật Bản nên chấp nhận thực tế (bốn quần đảo Iturup, Kunashir, Shikotan and Habomai bị Liên Xô sáp nhập sau Thế chiến thứ hai). "Giảm căng thẳng liên quan đến hòn đảo sẽ tạo không khí bình tĩnh và xây dựng cho đối thoại Nga-Nhật", tuyên bố nhấn mạnh.
Trên thực tế, các nhà dân tộc cánh hữu ở Nhật vẫn đóng vai trò lớn trong việc từ chối đối thoại với Nga. Đồng thời, như các nhà phân tích nhận định, Nội các yếu và tồn tại trong thời gian ngắn khiến Nhật khó mà linh hoạt hay đưa ra kế sách lâu dài hướng tới thỏa thuận với Nga. Đồng thời, tập trung vào Kuril, Nhật còn có thể tách sự chú ý của công chúng ra khỏi các khó khăn trong nước và hướng vào đối thủ bên ngoài.
Dù vậy, chắc chắn người Nga có sự tính toán của mình. Kuril có một vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ vào Thái Bình Dương cho hạm đội của Nga. Nếu quần đảo bị rơi vào tay Nhật và được sử dụng làm lá chắn tự nhiên, hạm đội của Nga sẽ bị đẩy khỏi Thái Bình Dương. Cuối tháng 2, Mátxcơva cũng đã công bố kế hoạch tái vũ trang trị giá 650 tỷ USD đến năm 2020, với việc bổ sung 20 tàu ngầm, trong đó có 8 tàu ngầm hạt nhân và 600 máy bay chiến đấu, 100 tàu chiến và 1.000 máy bay trực thăng. Rõ ràng chiến lược mới có mục tiêu lấy lại tiềm lực hải quân từ thời Liên Xô. Ngoài ra, 2011-2012 là thời điểm bầu cử quốc hội và tổng thống của Nga, là thời gian để chứng tỏ sự cứng rắn và sức mạnh hơn là sự linh hoạt và thiện chí đạt được thỏa hiệp.
Trong bối cảnh năng lực của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương đi xuống còn các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường tiềm lực quân sự, cộng thêm chính sách hướng Đông của NATO và nỗ lực kiềm chế Nga của Mỹ cũng khiến Mátxcơva không có sự lựa chọn khác. Mới đây, Nga đã có tính toán khôn ngoan trong đề xuất hợp tác với Trung Quốc về Kuril. Chính sách "tái khởi động" quan hệ với Mỹ của Tổng thống Medvedev và giải quyết khúc mắc quanh hệ thống phòng vệ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đã giúp Nga có thời gian "nghỉ ngơi" và chuyển sự chú ý sang khu vực khác. Tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng các động thái của Nga, từ chuyến đi của ông Medvedev cho tới việc tái vũ trang đã cho thấy mục tiêu lâu dài của nước này là xây dựng vị thế chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương. "Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng an ninh của các nước láng giềng, và thậm chí sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á", Global Times nhận định.
Bảo Trâm