Nổi lên và sụp đổ
Trong suốt thế kỷ 20, danh sách các nước lớn của thế giới vẻn vẹn là Mỹ, Liên Xô, Nhật Bản và Tây Âu. Thế kỷ 21 sẽ khác. Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên với tư cách là những nước có ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị: Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ mạnh hơn 1.000 tỷ USD, khu vực công nghệ cao của Ấn Độ đang phát triển nhảy vọt và cả hai "cường quốc hạt nhân" này đang phát triển hải quân biển khơi. Hội đồng Tình báo Quốc gia, tổ chức tư vấn của Chính phủ Mỹ, dự đoán đến năm 2025, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những nền kinh tế lớn thứ hai và thứ tư của thế giới. Sự phát triển như vậy đang mở đường cho một kỷ nguyên đa cực trong hoạt động chính trị thế giới.
Sự thay đổi về cơ cấu này sẽ gây ra một thách thức đối với các thể chế toàn cầu do Mỹ chi phối từ những năm 1940. Với sự chỉ định của Washington, các cơ chế đa phương này đã thúc đẩy tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường vốn và không phổ biến vũ khí hạt nhân… Nhưng với việc Trung Quốc và Ấn Độ hội nhập vào khuôn khổ đa phương này và những gì Mỹ "trình diễn" trong 6 năm qua, người ta không hy vọng Chính quyền Bush có thể giải quyết được thách thức đó.
Xét cho cùng, những sự thúc đẩy theo xu hướng đơn phương, thể hiện mạnh ở cuộc chiến Iraq, đã trở thành “cột thu lôi” những chỉ trích đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Bush đã và đang phân bổ lại nguồn lực của ngành hành pháp để tập trung vào các cường quốc đang nổi lên. Washington tìm cách tăng cường vai trò của mình trong các diễn đàn từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với các vấn đề như phổ biến vũ khí hạt nhân, các mối quan hệ tiền tệ và môi trường. Trên thực tế, Tổng thống Bush đã làm sống lại lời kêu gọi của George H. W. Bush (Bush cha) về một "trật tự thế giới mới" - bằng việc thiết lập một "trật tự thế giới mới" mới khác.
Nỗ lực này đang gặp phải hai rào cản chính. Thứ nhất, việc trao quyền cho các nước đang nổi lên có nghĩa là không trao quyền cho các nước suy yếu. Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ít sẵn sàng hơn trong việc giảm bớt sự đại diện của mình trong các thể chế đa phương. Thứ hai, nỗ lực nào của Washington nhằm viết lại những quy tắc của trò chơi toàn cầu được coi như nỗ lực khác nhằm thoát khỏi những sự kiềm chế của luật pháp quốc tế. Liên minh những nước hoài nghi như Argentina, Nigeria và Pakistan sẽ làm cho Mỹ khó sắp đặt việc đưa Ấn Độ và Trung Quốc vào buổi hòa nhạc của các nước lớn.
Hơn cả sự thay đổi
Khi LHQ, IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) và NATO được thành lập vào cuối thập niên 1940, Mỹ đã là nước bá quyền không thể tranh chấp. Các tổ chức này được thiết kế để tăng cường quyền lực của Mỹ cùng các đồng minh châu Âu. Pháp và Anh được dành cho ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Giám đốc điều hành của IMF sẽ luôn là một người châu Âu. Và trên thực tế, châu Âu đã được ban cho tiếng nói ngang hàng với Mỹ trong GATT.
Hiện nay, sự phân chia quyền lực trên thế giới rất khác. Theo Goldman Sachs và Ngân hàng Deutsche, đến năm 2010, tăng trưởng hàng năm về thu nhập quốc dân cộng lại từ Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) sẽ lớn hơn so với từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Italy cộng lại; đến năm 2025, nó sẽ gấp hai lần của G7.
Nhiều quốc gia đang nổi lên tin rằng những cơ cấu cai trị toàn cầu đang chống lại họ. Cái được cho là tính cậy quyền của IMF trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990 đã nuôi dưỡng sự oán giận trên Vành đai Thái Bình Dương. New Delhi đã thất vọng bởi Washington phản đối các vụ thử hạt nhân năm 1998 và chán ngán khi bị Washington giám sát chặt chẽ qua lăng kính an ninh Nam Á. Trung Quốc tức giận với các cuộc đàm phán gia nhập WTO bị kéo dài và việc NATO ném bom Kosovo gây rắc rối gấp ba lần cho Bắc Kinh... Bước vào thiên niên kỷ mới, các nền kinh tế tăng tưởng nhanh nhất trên thế giới đang nung nấu sự hận thù đối với Mỹ.
Thỏa thuận mới
Phản ứng của Washington trước cuộc tấn công ngày 11/9 đã kéo theo sự ra đời một loạt cuốn sách đề cập đến việc suy tính lại chiến lược lớn của Mỹ. Chỉ rõ những tình trạng bất ổn ở Iraq và những trở lực trong cuộc chiến chống khủng bố, phần lớn các cuốn sách này lên án sở thích của Chính quyền Bush đối với chủ nghĩa đơn phương hiếu chiến và khẳng định rằng có thể có cách thức tốt hơn.
Nhưng chưa đủ. Nhiều lý do giải thích cho sự vươn xa của Washington tới các cường quốc đang nổi lên và nỗ lực nhằm đổi mới sự cai trị toàn cầu. Nói về thay đổi nhân sự, không hề ngẫu nhiên mà những sự vươn xa này đã diễn ra từ khi C. Rice trở thành Ngoại trưởng và được đẩy nhanh từ khi Henry Paulson lên Bộ trưởng Tài chính. Bên cạnh đó, sự thay đổi đã được áp đặt từ thế giới bên ngoài, như Philip Gordon thuộc Viện Brookings chỉ rõ, thất bại ở Iraq đã làm cho chủ nghĩa tân bảo thủ trở thành chiến lược thiếu bền vững.
Chủ nghĩa đa phương theo phong cách Washington trước hết là công cụ để tăng cường mục tiêu của Mỹ. Chiến lược An ninh Quốc gia 2006 nhiều lần nhắc đến lập trường hai mặt của Washington bằng lập luận rằng sự đồng lòng giữa các nước lớn "phải được hỗ trợ bằng các thể chế thích hợp... Ở đâu các thể chế có thể cải cách để đối phó với những thách thức mới, chúng ta cùng các đối tác phải cải cách. Ở đâu các thể chế thích hợp không tồn tại, chúng ta cùng các đối tác phải tạo ra".
Việc hợp nhất các cường quốc đang nổi lên đồng thời xoa dịu các nước nguyên trạng là một kỳ công. Nó sẽ đem lại lợi ích cho các nước đang nổi lên cũng nhiều như cho Mỹ. Được "ban tặng" sự thừa nhận và tính hợp pháp để tương ứng với quyền lực mới, các nước đang nổi lên sẽ phải chấp nhận một trật tự đa phương được xây dựng dựa trên những nguyên tắc của Mỹ. Giờ đây, khi mà Trung Quốc và Ấn Độ quan tâm đến việc duy trì tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao hiện nay, các nước đang nổi lên chia sẻ một số lợi ích với Mỹ đối với các vấn đề như an ninh năng lượng, ngăn chặn đại dịch toàn cầu.
Nhất Phong (gt)