Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Biden nhằm dập tắt đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế được xây dựng tỉ mỉ và toàn diện, với các mục tiêu và ưu tiên rõ ràng những vẫn chờ đợi nhiều thách thức. (Nguồn: Getty Images) |
Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, Tổng thống Mỹ Joe Biden chắc chắn sẽ tránh vấp phải những sai lầm của người tiền nhiệm, đặc biệt là ông sẽ lưu ý đến lời khuyên của các chuyên gia khoa học.
Tuy nhiên, trừ khi ông Biden cũng có đủ chuyên môn về quản lý, vận hành và hậu cần, nếu không thậm chí những kế hoạch tốt nhất của ông cũng có thể sẽ thất bại.
Đại dịch đã gây ra ảnh hưởng sâu rộng. Tháng 10/2020, hai nhà kinh tế học Lawrence H.Summers và David M.Cutler đã ước tính rằng phí tổn tài chính lũy kế (gồm cả phần sản lượng bị mất và suy giảm sức khỏe) ở Mỹ vượt 16.000 tỷ USD - khoảng 90% GDP hàng năm.
Đối với một gia đình 4 thành viên, thiệt hại ước tính lên đến gần 200.000 USD - gồm cả thu nhập và chi phí cho cuộc sống kém lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, những chi phí đó không được chia đều. Nhóm 50% những người ở tầng dưới cùng của phân phối thu nhập và của cải phải chịu nhiều thiệt hại nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế vốn dĩ đã ở mức cao.
Hơn nữa, đại dịch đã gây ra một cú sốc đối với nền giáo dục, nhất là với thanh thiếu niên. Vẫn chưa đánh giá được hậu quả dài hạn của việc đóng cửa trường học và phương pháp học từ xa đối với nhận thức và sự phát triển về mặt xã hội của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn rằng sự gián đoạn này càng kéo dài, thì tình trạng này càng nghiêm trọng.
| Ngoại giao vaccine Covid-19: Trung Quốc 'đối đầu' Nga ở châu Phi |
Khoản đầu tư để phục hồi kinh tế
Điều may mắn là kế hoạch của ông Biden đã nhận thấy tất cả các vấn đề này, và cách duy nhất để phục hồi kinh tế toàn diện (và cả việc đưa học sinh trở lại trường học) là nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19.
Các lĩnh vực chịu tổn thất nhiều nhất do nhu cầu giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng Covid-19 - gồm du lịch, khách sạn, thể thao, bảo tàng và các hoạt động giải trí - là những ngành sử dụng nhiều lao động.
Chừng nào các ngành nào còn gặp khó khăn, thì tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi được. Và các ngành này chỉ có thể thoát khỏi khó khăn khi các biện pháp y tế công cộng được rút lại một cách an toàn.
Tin tốt là, theo kinh nghiệm của các nền kinh tế châu Á - nơi đã kiểm soát được dịch bệnh, một khi các hoạt động kinh tế được khôi phục lại đầy đủ, sự phục hồi sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Như kế hoạch của ông Biden cũng nhận ra, các chương trình tài khóa xác định đúng mục tiêu giúp hạn chế thiệt hại tài chính phát sinh thêm cho hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ càng củng cố kết quả này.
Nếu người ta coi việc kiểm soát và hạn chế dịch bệnh Covid-19 như một khoản đầu tư để phục hồi kinh tế, thì tỉ suất lợi nhuận là rất lớn. Dữ liệu thống kê liên tục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, ở Mỹ, việc phục hồi đã bị đình trệ ở mức gần 8-10% GDP, tương đương 1.900 tỷ USD/năm.
Nhưng việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 nhanh chóng (trong vòng 6-9 tháng) sẽ mang lại lợi ích kinh tế trị giá ít nhất 1.000 tỷ USD. Nói cách khác, một chương trình vaccine hiệu quả vốn chỉ tiêu tốn của chính phủ liên bang 500 tỷ USD sẽ có tỷ lệ hoàn vốn hàng năm là 100% (chưa tính đến số người được cứu sống và các lợi ích khác).
Hơn thế nữa, việc triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng là cách duy nhất để Mỹ có thể hi vọng ngăn chặn được dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đã trở nên rõ ràng trong năm vừa qua, khi đại đa số các quốc gia (trừ một vài nước châu Á) đều thất bại trong việc kiểm soát dịch Covid-19 bằng các biện pháp khác.
Chính phủ Mỹ cần đưa ra một chương trình phân phối vaccine Covid-19 trên diện rộng. (Nguồn: UNI) |
Thách thức và những điều cần làm
Liệu kế hoạch tiêm chủng vaccine của ông Biden có khả thi? Mặc dù kế hoạch này được vạch ra bởi các chuyên gia khoa học, song quá trình triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 gặp phải những thách thức to lớn.
Để giải quyết các khó khăn này đòi hỏi Tổng thống Biden xử lý đại dịch giống như một cuộc chiến. Trong thời chiến, các nhà lãnh đạo dân sự sẽ đặt ra các mục tiêu quân sự, xác định những gì là cần thiết (về vấn đề trang thiết bị, sản xuất và hậu cần) để đạt được các mục tiêu này.
Sau đó, các nguồn lực kinh tế được tái triển khai cho phù hợp, ngay cả khi điều đó có thể gây ra tình trạng gián đoạn hoặc thiếu hụt trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Việc phân bổ sẽ được thực hiện với các biện pháp kiểm soát giá cả nhằm đảm bảo rằng các hạn chế về nguồn cung sẽ không thúc đẩy lạm phát.
Tin liên quan |
Mỹ ca ngợi 'ngoại giao vaccine' của Ấn Độ đang tiếp sức cho nỗ lực toàn cầu chống lại Covid-19 |
Nhìn chung, Mỹ đang trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng những hệ thống hiện hành của cả Nhà nước và tư nhân để cung cấp những gì cần thiết nhằm giành được chiến thắng lại yếu kém, bị phân tán và đặc biệt là không có sự phối hợp để cùng hành động.
Chính quyền ông Biden đã thừa hưởng một bối cảnh hỗn độn và không có trọng tâm. Họ sẽ phải dựa vào chính quyền cấp liên bang, vốn được hỗ trợ bởi nguồn tài chính công, để khắc phục những thiếu sót này. Đây có lẽ là khởi đầu tốt đẹp. Tuy nhiên, kết quả sẽ phụ thuộc vào cách thức thực hiện của chính quyền liên bang.
Để bắt đầu, ông Biden phải tranh thủ sự trợ giúp của những nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm về việc triển khai công việc, hậu cần và cung cấp dịch vụ, và cả những người có thể làm việc với các đối tác khu vực tư nhân để tạo ra những động lực phù hợp. Đây không phải là thế mạnh của chính phủ. Tuy nhiên, quân đội rất thông thạo lĩnh vực này nên cần tận dụng chuyên môn của họ.
Với sự trợ giúp của các chuyên gia như vậy, chính quyền liên bang phải đảm bảo nguồn cung đầy đủ để thực hiện được các mục tiêu tiêm chủng đầy tham vọng. Chính quyền liên bang cũng cần thiết lập các kênh phân phối mới nhằm bổ sung cho các kênh hiện có.
Đồng thời, chính quyền liên bang phải quyết định cách thức ưu tiên tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và đảm bảo rằng hệ thống này sẽ nhất quán ở mọi tầng lớp. Nếu không, các bang, các chính quyền tự trị và các trung tâm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục hành động độc lập, với những hệ lụy xấu về mặt kinh tế (và cả đạo đức).
Ví dụ, nhiều chính sách xung đột lẫn nhau giữa các cấp chính quyền đã dẫn đến tình trạng nhiều liều thuốc không được sử dụng bị vứt bỏ, trong khi những nơi khác phải chật vật để có thể đáp ứng được nhu cầu.
Thêm vào đó, các chương trình ưu tiên khác nhau đã ảnh hưởng xấu tới nhận thức về sự công bằng và dẫn đến tình trạng lộn xộn tranh giành nhau để được tiêm chủng sớm hơn.
"Du lịch vaccine" (đi du lịch để được tiêm vaccine) được cho là đang phát triển mạnh mẽ. Điều mà một nước Mỹ bị chia rẽ và bất bình đẳng sâu sắc lo ngại nhất chính là việc các thị trường thứ cấp nổi lên, cho phép mọi người mua hàng theo cách của họ.
Trên thực tế, chính quyền ông Biden nên đảm bảo tất cả các liều vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp miễn phí. Chiến lược của tân Tổng thống Mỹ phải giải quyết được ảnh hưởng của tình trạng thiếu bảo hiểm y tế toàn dân, cũng như các yêu cầu về quyền cư trú, đối với khả năng được tiêm vaccine của người dân.
Cuối cùng, Chính phủ phải đảm bảo rằng hệ thống quản lý vaccine là đáng tin cậy, cho dù số lượng người cần được tiêm chủng có lớn đến đâu. Chúng ta không thể tiếp tục phạm phải sai sót mùa Xuân năm ngoái, khi nhiều hệ thống phụ trách vấn đề thất nghiệp của nhiều bang không thể xử lý được số lượng đơn xin việc tăng đột biến.
Các cuộc khủng hoảng mà ông Biden phải đối mặt ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình không phải do ông tạo ra, ông chỉ có thể cam kết sẽ tránh đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm, bắt đầu xây dựng chiến lược đẩy lùi đại dịch dựa trên kiến thức khoa học, và khôi phục vai trò trung tâm của Chính phủ liên bang.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ cần đưa ra một chương trình phân phối vaccine Covid-19 trên diện rộng, tận dụng các kiến thức chuyên môn về quản lý và vận hành. Nếu không làm được điều đó, ngay cả những kế hoạch tốt nhất của ông Biden cũng có thể bị thất bại.