TIN LIÊN QUAN | |
Nga cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự trừng phạt của Mỹ | |
Thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra tại Nhà Trắng? |
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho mới đây đã kết thúc chuyến công du đến một số nước từng thuộc khối Xô Viết. Sau các điểm dừng chân ở Bắc Kinh, Baku và Ashgabat, ông đã tới Moscow gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà Sergey Lavrov và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. (Nguồn: Reuters) |
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov đã nhấn mạnh tầm quan trọng mối quan hệ song phương. Về phần mình, Ngoại trưởng Ri đã đánh giá cao vai trò của Moscow trong vấn đề an ninh liên Triều. Cuộc tiếp xúc chính thức giữa quan chức Nga và Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến thăm này chỉ diễn ra ở cấp Bộ trưởng. Tuy ông Ri không gặp được Tổng thống Vladimir Putin nhưng đã thành công trong việc mời người đồng cấp Nga tới Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk đánh giá mục đích chính chuyến thăm Nga của ông Ri Yong-ho là nhằm giải thích cho giới chức Nga quan điểm, chính sách của Bình Nhưỡng trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, những vấn đề quốc tế khác cùng quan tâm như tình hình Trung Đông,... cũng có thể nằm trong nội dung thảo luận.
Trong khi đó, AFP nhận định cuộc gặp của Ngoại trưởng Ri với Ngoại trưởng Lavrov tương đối đặc biệt trong bối cảnh nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un sắp có các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sẽ có cuộc gặp Kim - Putin?
Chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 3 đã làm dấy lên đồn đoán rằng ông Kim có thể cũng đến thăm Nga, bởi gần đây báo chí đã dẫn lời Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats khẳng định Kremlin đã mời ông Kim đến Nga. Tuy nhiên, Oleg Burmistrov - đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Nga nói rằng Bộ Ngoại giao nước này chưa có thông tin gì về chuyến thăm của ông Kim đến Nga. Trang tin tức chuyên về Triều Tiên của Mỹ NK News bình luận rằng ngay cả khi ông Kim không đến thăm Nga sau chuyến thăm Trung Quốc, mối quan hệ đối tác Nga - Trung trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên vẫn bền chặt.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm hội ngộ? (Nguồn: Reuters) |
Về cơ bản, Trung Quốc và Nga tạo thành một "liên minh cảm thông" với Triều Tiên. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ lại tạo nên một khối đi ngược lại trục Bắc Kinh – Moscow – Bình Nhưỡng. Động thái thúc đẩy mối quan hệ đa phương gần đây của Hàn Quốc, đặc biệt là việc Seoul xích lại gần Moscow liên quan cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã làm lằn ranh phân chia không chính thức về hai nhóm nước trên trở nên mong manh hơn.
Những diễn biến trong khu vực thời gian qua ít nhiều phản ánh bước đi truyền thống của họ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thăm Moscow vào tuần trước chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Ri Yong-ho. Cả hai đều khẳng định sẽ thực hiện “một lộ trình” giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Aleksandr Lomanov, học giả tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, khẳng định rằng cái gọi là “lộ trình” Trung – Nga ở trên có thể liên quan đến duy trì giải pháp “đóng băng kép” mà Bắc Kinh và Moscow đề xuất từ năm 2017. Trong khi đó, theo quan điểm của Burmistrov, lộ trình này bao gồm một số bước đi mà đầu tiên là việc cắt giảm các hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Alexander Vorontsov, chuyên gia về Triều Tiên từ Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow nhận định: “Việc Bình Nhưỡng tranh thủ sự ủng hộ, trong đó có Nga, để hậu thuẫn mình trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh là đặc biệt quan trọng”.
Để ngỏ các lựa chọn
Mặc dù chuyến công du của Ngoại trưởng Ri Yong-ho đến Ashgabet, Baku và Moscow có nhiều mục tiêu chính khác nhau, nhưng Bình Nhưỡng đang muốn đảm bảo rằng chính sách đối ngoại của mình vẫn được duy trì ở mức linh động nhất có thể. Động thái vươn tầm với tới Nga giúp duy trì vai trò của Moscow là một bên tích cực trong các cuộc đàm phán đa phương về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, đồng thời giúp nới lỏng tình trạng bị cô lập của quốc gia Đông Bắc Á này.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt liên lạc với các nước xa cách về mặt địa lý và có tiềm lực yếu hơn như Azerbaijan và Turkmenistan là một phần trong chính sách vươn tới các đối tác trên thế giới, để xem liệu các nước này có thể giúp ích được gì cho Triều Tiên giữa lúc phải đối mặt với tình trạng cô lập ngoại giao ngày càng tăng. Rõ ràng, Bình Nhưỡng thấy có giá trị khi tham gia vào các lĩnh vực cho phép nước này hoạt động vượt khỏi phạm vi khu vực Đông Bắc Á.
"Phi hạt nhân" - nút thắt của thượng đỉnh Mỹ - Triều Nhà Trắng đang tích cực chuẩn bị cho việc Tổng thống Donald Trump thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn ... |
Mỹ, Hàn chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên Ngày 10/4, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là nội dung hàng đầu trong chương ... |
Hơn 100.000 người muốn Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên Theo Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 11/4, lời thỉnh cầu trực tuyến đăng trên trang web của Nhà Trắng kêu gọi Mỹ ký ... |