📞

(Trực tuyến) Khai mạc Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019

09:41 | 09/09/2019
TGVN. Sáng ngày 9/9, Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 đã chính thức khai mạc tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội. Sự kiện nhằm triển khai Đề án Phát triển quan hệ Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025, duy trì và phát huy đà hợp tác với khu vực.

Hội nghị nhằm chủ động thiết lập và củng cố kênh liên lạc thường xuyên và hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam với các Đại sứ quán khu vực Trung Đông - châu Phi, nhất là các Đại sứ quán kiêm nhiệm Việt Nam. Tranh thủ tốt hơn vai trò của các Đại sứ quán các nước khu vực Trung Đông - châu Phi trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, nhất là về kinh tế.

Sự kiện có sự tham dự của 44 đại diện, đại biện các quốc gia Trung Đông – châu Phi, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn (Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, JICA…); nhiều Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp hai bên.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường gửi lời cảm ơn tới các vị đại biểu cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên đến tham dự buổi Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019”.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường đánh giá, vượt qua sự xa cách về địa lý, sự khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ, Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông – châu Phi luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Đó chính là sự ủng hộ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi. Sau này, hai bên thể hiện sự quyết tâm cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và phát triển thông qua sự hợp tác về kinh tế, thương mại, đã tạo nên thành quả tích cực.

Thời gian qua có hơn 200 văn kiện giữa hai bên được kí kết, tạo khung pháp lý thuận lợi cho sự hợp tác nhiều mặt. Về thương mại, từ năm 2010 đến nay kim ngạch trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi đã tăng 3,5 lần, từ 5 tỷ USD lên 18 tỷ USD.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong thời gian vừa qua, hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp hai bên cũng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đạt trên 5,5 tỷ USD. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nêu bật các điểm sáng hợp tác như: các dự án đầu tư viễn thông từ Việt Nam sang châu Phi giúp người dân nơi đây tiếp cận các dịch vụ viễn thông và mở rộng cơ hội kết nối số toàn cầu. Hợp tác nông nghiệp, năng lượng, giao thông, lao động và trao đổi chuyên gia cũng là điểm sáng giữa Việt Nam và các nước khu vực. Những kết quả đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Thông báo với các đại biểu đến từ Trung Đông - châu Phi, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, sau hơn 30 năm kiên trì đổi mới, Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có dân số trên 100 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả thời kỳ đạt gần 7% mỗi năm, cao hơn mức trung bình khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả thời kì đạt gần 7% mỗi năm, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu được duy trì liên tục ở mức 2 con số và đạt mức kỉ lục 480 tỷ USD vào năm 2018.

Nêu bật những thành tựu kinh tế của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, Việt Nam đã thu hút được 340 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) cam kết từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng được triển khai sâu rộng với mạng lưới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới quan trọng, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)
Khai mạc hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019.

Khẳng định, Việt Nam là một người bạn chung thuỷ và một đối tác có trách nhiệm trong hợp tác kinh tế, và chính trị với nhiều đối tác trong khu vực Trung Đông – châu Phi. "Chúng tôi đều có những quan hệ chính trị tốt đẹp, tuy nhiên những kết quả của hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế - quan hệ chính trị tốt đẹp và mong muốn của người dân", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, tỉ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng lớn gồm 70 quốc gia với 1.6 tỉ dân trải dài trên 36 triệu km vuông hiện chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỉ USD xuất khẩu hàng hoá Việt Nam trong năm 2018. “Con số này khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế và dân số của cả hai bên, cho thấy chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa,” Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường khẳng định.


Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Nam cập nhật thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ về những thành tựu chính trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam (đổi mới), ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, cải cách cơ bản được gọi là “Đổi Mới” trong 1986 đã biến đổi Việt Nam từ nền kinh tế khép kín thành một quốc gia có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, kinh tế Việt Nam đã có những bước vươn lên đáng kể, tăng năng suất tổng hợp của nền kinh tế. Năm 2018, sự đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP đạt 43,50%, trung bình 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của 33,58% trong giai đoạn 2011-2015. Đây là những chuyển biến tích cực về chất lượng tăng trưởng Việt Nam.

Bên cạnh đó, về cơ cấu, kinh tế Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng hiện đại, dựa theo chỉ số ICOR cho thấy, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Chỉ số ICOR giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, trong khi mức trung bình của tỷ lệ ICOR 2016-2018 là 6,17, thấp hơn 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Ngoài chuyển dịch về ngành, còn có chuyển dịch về cơ cấu lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, đạt khoảng 40% tổng nguồn lao động của xã hội. Các ngành dịch vụ, công nghiệp, chế tạo cũng đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế chung của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định, hội nhập kinh tế là một trong những điểm sáng của Việt Nam trong thời gian qua, với 30 năm chứng kiến chặng đường hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng về nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức và theo các nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.

Trong tiến trình đó, tăng trưởng xuất khẩu tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tương đối mạnh mẽ trong năm 2018, mặc dù phải đối mặt với sự không chắc chắn bởi thương mại toàn cầu. Tổng khối lượng giao dịch của Việt Nam đạt 482 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu ấn tượng trong một số lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, giáo dục, phổ cập Internet, y tế... Đặc biệt, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự phát triển vượt bậc về phát triển con người.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Nam, từ đó, Việt Nam có thể rút ra một số bài học trên chặng đường hội nhập, đó là: Đổi mới mạnh mẽ mang tính tư duy phát triển của nền kinh tế; Tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với chất lượng, cân bằng, môi trường; Đặt con người vào vị trí trung tâm và luôn cố gắng đạt sự phát triển cân bằng, hài hòa.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam chú trọng thực hiện hai mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Về lĩnh vực kinh tế, Việt Nam hướng tới GDP tăng trưởng 6,5-7% hàng năm, GDP bình quân đầu người đạt 3.200-3.500 USD/năm. Trong đó, tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 85%, đầu tư xã hội chiếm 32-34% và năng suất yếu tố tổng hợp đạt 30-35%. Về mục tiêu phát triển xã hội, từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%, hoàn thiện hệ thống cơ sở - vật chất y tế và chăm sóc sức khoẻ trên khắp cả nước.


Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Vũ Duy Thành phát biểu về một số định hướng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Vũ Duy Thành. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nói về một số định hướng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại Vũ Duy Thành cho rằng, chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung quan trọng trong đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ. Trong tiến trình hội nhập này, Việt Nam đặt ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, tranh thủ vốn, kinh nghiệm quản lý và khoa học công nghệ tiên tiên cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục phát triển, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ từ các nước láng giềng lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc; 16 đối tác chiến lược là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Pháp, Italy, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Australia; 14 đối tác toàn diện bao gồm Argentina, Brazil, Brunei, Canada, Chile, Đan Mạch, Hà Lan, Hungary, Myanmar, New Zealand, Nam Phi, Mỹ và Venezuele; Đặc biệt, khu vực Trung Đông - châu Phi là đối tác truyền thống của Việt Nam.

Đối với khu vực Trung Đông – châu Phi, hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 69/70 nước trong khu vực. Tuy nhiên, mạng lưới Cơ quan Đại diện Việt Nam tại khu vực cũng như các nước khu vực tại Việt Nam còn mỏng (Việt Nam có Đại sứ quán tại 15 nước, trong khi đó, 17 nước khu vực có Đại sứ quán thường trú, 5 nước có Lãnh sự danh dự tại Việt Nam). Theo ông Vũ Duy Thành, Đại sứ quán là kênh liên lạc chính thức quan trọng, góp phần thúc đẩy đáng kể hợp tác nhiều mặt giữa hai bên, nhất là về kinh tế.

Nói về sự ưu tiên và định hướng chính sách đối ngoại giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông – châu Phi, ông Vũ Duy Thành nhấn mạnh, Việt Nam cần phải làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước láng giếng, các cường quốc và bạn bè truyền thống ở Trung Đông – châu Phi; chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy ngoại giao quốc gia, đặc biệt là trong năm chủ nhà ASEAN 2020 và tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong giai đoạn 2020 – 2021 và đóng góp nhiều hơn để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.


Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Kiên thông tin về tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi thời gian qua và phương hướng thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Kiên. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, quan hệ hợp tác, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi được hình thành trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày nay, hai bên tiếp tục không ngừng hợp tác phát triển, thông qua trao đổi đoàn các cấp. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 100 đoàn các cấp sang thăm khu vực Trung Đông – châu Phi.

Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi hiện đang tăng cường hợp tác trên các cơ chế như: cơ chế ủy ban hỗn hợp, tham vấn chính trị giữa các Bộ Ngoại giao.

Về hợp tác an ninh quốc phòng, Việt Nam đã kí kết thỏa thuận đối với một số đối tác quan trọng về vấn đề hợp tác chống tội phạm như Iran, Mozambique, Angola, Nam Phi...

Việt Nam và châu Phi cũng có truyền thống ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng sôi động. Để có được kết quả đó, hai bên đã liên tục tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp nhằm trao đổi kinh nghiệm, hợp tác và phát triển.

Về thương mại, Việt Nam có nhu cầu lớn từ các nước khu vực Trung Đông – châu Phi như nguyên liệu khoáng sản, dầu, lương thực, gỗ. Đối với các quốc gia Trung Đông – châu Phi, Việt Nam xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, linh kiện điện tử, công cụ phục vụ cho nông nghiệp.

Về hợp tác lao động, hiện nay Việt Nam có khoảng 40.000 lao động đang hoạt động tại các quốc gia Trung Đông – châu Phi, chủ yếu tập trung ở thị trường có nhu cầu lao động lớn. Theo đó, hợp tác lao động giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi rất đông đảo, cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc lâu dài tại các quốc gia này có truyền thống, đoàn kết, thúc đẩy hợp tác hữu nghị. Ngược lại, cộng đồng người Trung Đông – châu Phi hiện diện tại Việt Nam đến nay có khoảng hơn 1.000 người. Đặc biệt, hai bên có lực lượng lớn học sinh, sinh viên trao đổi, Việt Nam có khoảng hơn 100 sinh viên đang theo học tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nam Phi...

Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Kiên nhận định, tiềm năng trao đổi, hợp tác mọi mặt của hai bên còn rất lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các nước khu vực Trung Đông – châu Phi ở các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Cụ thể như, tại các diễn đàn đa phương năm 2020-2021, Việt Nam nhận nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sự tham vấn của các quốc gia Trung Đông – châu Phi trong thời gian này là hết sức cần thiết, cần tăng cường hơn nữa về cơ chế đối thoại.

Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn phối hợp với các nước Trung Đông – châu Phi trong các cơ chế khu vực. Với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong sẽ là cầu nối giữa khu vực ASEAN với các nước Trung Đông – châu Phi. Các cơ quan đại diện là thành tố quan trọng, để sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi có hiệu quả, vì vậy, Việt Nam mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện để cộng đồng doanh nghiệp và cư dân Việt Nam tại các nước này có thêm thông tin kịp thời về chính sách, pháp luật tại khu vực và ngược lại.


Phiên trao đổi và hỏi đáp giữa các diễn giả và các vị khách đến từ Trung Đông – châu Phi.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong bối cảnh Việt Nam mới chỉ có quan hệ kinh tế - thương mại với 8/55 nước ở khu vực Trung Đông – châu Phi, bà Akua Sekyiwa Ahenkora, Cao uỷ của Ghana cho rằng, đây là một con số khá khiêm tốn. Cao uỷ Akua Sekyiwa Ahenkora nhấn mạnh, khu vực Trung Đông – châu Phi rất sẵn sàng phối hợp với Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống và tốt đẹp giữa hai bên.

Bà Akua Sekyiwa Ahenkora, Cao uỷ của Ghana phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Ghana trong vai trò làm cầu nối giữa Việt Nam với khu vực, bà Akua Sekyiwa Ahenkora cũng kêu gọi hai bên tích cực đẩy nhanh hợp tác và thực hiện những mục tiêu này càng sớm càng tốt. “Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam để xem xét xuất khẩu các mặt hàng đến thị trường châu Phi,” Cao uỷ của Ghana cho biết thêm.

Đại sứ Botswana tại Việt Nam Mothudi Bruce Rabasha Palai đánh giá cuộc gặp này sẽ mang lại nhiều tiềm năng to lớn để củng cố hợp tác ba bên giữa Trung Đông, châu Phi và Việt Nam. Đây sẽ không phải là hợp tác hai chiều, mà sẽ diễn ra dưới hình thức ba bên, ở đây là Trung Đông, châu Phi với Việt Nam.

Ông Mothusi B.R. Palai, Đại sứ Botswana tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là, làm thế nào để mô hình “hợp tác tam giác” này trở nên hiệu quả. Theo đó, Đại sứ Botswana đề xuất hình thức tự do hoá nguồn lực tài chính và tìm ra giải pháp tài chính của Trung Đông, sử dụng nguồn chuyên gia và công nghệ của Việt Nam của để xử lý những thách thức phát triển ở châu Phi.

Ngoài ra, Đại sứ Botswana cũng đề xuất Việt Nam cùng với khu vực Trung Đông – châu Phi nỗ lực tìm được mẫu số chung trong hợp tác, đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, trong đó chú trọng vào nguyên tắc tham gia bình đẳng và cùng thắng.

Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Uganda Dorothy Samali Hyuha bày tỏ mong muốn học hỏi một số kinh nghiệm của Việt Nam. Mặc dù châu Phi được coi là châu lục có nguồn lực dồi dào trong khai khoáng, nước, nông nghiệp,… song sự phát triển của châu Phi chủ yếu được tài trợ bởi các thể chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), cùng một số nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản trong vấn đề về cơ sở hạ tầng, điện.

Cho rằng châu Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn thực phẩm, lãnh sự danh dự Uganda Dorothy Samali Hyuha hy vọng, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Uganda nói riêng và châu Phi nói chung, trong việc duy trì chất lượng cà phê, quy mô sản xuất gạo và quy trình quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Uganda cũng đề xuất, Việt Nam và châu Phi hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và giáo dục – đào tạo.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường và đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thay mặt Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Đại sứ Nam Phi Mpetjane Kgaogelo Lekgor cảm ơn Bộ Ngoại giao nói chung và vụ Trung Đông - châu Phi nói riêng vì đã tổ chức diễn đàn gặp gỡ cho các Đại sứ khu vực này ngày hôm nay.

Đánh giá cao mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Phi, Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgor nhận định, đây là một trong những hợp tác tiềm năng trên thế giới. Mặc dù hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm hạt điều, cà phê, gạo… giữa Việt Nam và châu Phi được coi là phát triển, song Đại sứ Nam Phi khẳng định: “Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển cũng như giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, tôi hy vọng hai bên sẽ nỗ lực tìm kiếm các phương thức mới đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nhân lực trong tương lai.”


Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 9 - 10/9. Dự kiến, trong ngày làm việc đầu tiên, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính về chính trị - ngoại giao, thương mại, nông nghiệp và viễn thông, cụ thể như: Tình hình kinh tế - xã hội, một số định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới, nhất là những ưu tiên của Việt Nam khi ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; Tình hình hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi, bao gồm cả hợp tác giữa các Bộ, ngành Việt Nam với các Cơ quan đại diện ngoại giao các quốc gia khu vực, thời gian qua và phương hướng thời gian tới.

Hội nghị cũng là cơ hội để các bên nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu, đề xuất hợp tác từ các quốc gia Trung Đông - châu Phi; Thông tin về thị trường khu vực, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa của ta vào khu vực. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá một số mô hình phát triển nông nghiệp, trao đổi khả năng tìm kiếm phương thức hợp tác mới về nông nghiệp giữa Việt Nam với khu vực bổ trợ cho mô hình hợp tác ba bên truyền thống hiện đang gặp khó khăn; Giới thiệu sự phát triển của công nghiệp viễn thông Việt Nam, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác viễn thông với khu vực trong lĩnh vực này.

Trong chương trình hoạt động vào ngày thứ hai, 10/9, các đại biểu cũng sẽ có những buổi thảo luận và tham quan thực địa ý nghĩa tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị đầu ngành về khoa học nông nghiệp và thủy sản, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với châu Phi và Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - doanh nghiệp đang góp phần tạo ra những sự phát triển đầy ấn tượng về viễn thông tại một số quốc gia châu Phi.