Nhìn bề ngoài, có vẻ như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đạt được những sự đồng thuận cần thiết như việc gia tăng kim ngạch thương mại hai nước (trong 20 năm qua tăng từ 200 triệu USD lên 52 tỉ USD), trao đổi các chuyến thăm cấp cao trong khuôn khổ nhóm BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) hay bộ ba Nga - Ấn - Trung… Tại Thái Lan, hôm 24/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chung lập trường về thay đổi khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen tháng 12 tới. Thậm chí Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Trương Viêm mới đây nói rằng “xu thế quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và New Delhi là không thể đảo ngược”.
Tuy nhiên, đó dường như chỉ là những “cái bắt tay hờ hững” trong bầu không khí ngoại giao có thể sẽ còn nóng hơn với nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong khi báo chí Ấn Độ cho sự “hờ hững” giữa hai bên là “không thể hóa giải”, thậm chí sẽ đưa đến một cuộc xung đột trong tương lai, thì phía Trung Quốc nói về tham vọng trở thành siêu cường của Ấn Độ với sự “coi thường và ngạo mạn” của họ đối với các nước láng giềng. Căng thẳng thương mại gia tăng khi hàng Trung Quốc thâm nhập ồ ạt vào thị trường Ấn Độ và New Delhi đáp trả bằng các hành động chống bán phá giá cũng như tạm cấm đồ chơi từ Trung Quốc với lý do an toàn. Trung Quốc nghi ngờ Hiệp ước hợp tác hạt nhân Ấn Độ ký với Mỹ năm ngoái trong khi nhiều người Ấn Độ xem việc Trung Quốc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng tại các quốc gia xung quanh Ấn Độ như một chiến lược kiềm chế New Delhi…
Trên thực tế, vấn đề thực sự nằm ở đường biên giới giữa hai nước. Ở phía Tây, Ấn Độ cho rằng Aksai Chin, một cao nguyên do Trung Quốc kiểm soát, là một phần của Kashmir thuộc chủ quyền của mình. Còn ở phía Đông, Trung Quốc cho rằng một phần tiểu bang Arunachal Pradesh thuộc chủ quyền của họ mà họ gọi là “Nam Tây Tạng”. Với chính sách “láng giềng tốt”, Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết mọi cuộc xung đột biên giới nhưng lại bỏ qua khu vực này. Năm 2005, thỏa thuận suýt đạt được khi hai bên thống nhất về cách tiếp cận để tiến tới ký thỏa thuận và vẽ lại đường biên giới. Nhưng triển vọng này đã tiêu tan khi đầu năm nay, binh sĩ Trung Quốc vượt qua đường biên giới tại miền Tây. Trung Quốc còn cản trở một dự án nước tại bang Arunachal Pradesh do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Hồi tháng 10, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ chuyến thăm của Thủ tướng Manmohan Singh tới tiểu bang này…
Mặc dù vậy, sau những bất ổn tại Tây Tạng, Tân Cương, có lẽ Bắc Kinh cảm thấy đã đến lúc nên giải quyết các vấn đề biên giới. Thực tế, Ấn Độ hiện là quốc gia tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trung Quốc cũng "yên tâm" hơn khi Mỹ đang muốn làm hài lòng Bắc Kinh hơn là nỗ lực hậu thuẫn New Delhi. Về phần mình, trước thực tế hiển nhiên Trung Quốc là một thế lực quốc tế, Ấn Độ không nên tự dồn mình vào góc tường bằng cách tách khỏi thỏa thuận với Bắc Kinh, trong khi cả hai đang được xem là trụ cột địa chính trị tại khu vực. Do vậy, cả Ấn Độ và Trung Quốc hiện rất cần những cái đầu lạnh và những trái tim nóng. Liệu Ấn Độ và Trung Quốc có thể giảng hòa về biên giới hay không phụ thuộc vào việc hai bên có sẵn sàng rũ bỏ những bất đồng đã bám rễ từ lâu.
N.C.Kiên