“Nếu như ông Tập Cận Bình từng là một nông dân thì ông Modi từng là một người bán chè. Đó là một trong nhiều điểm chung có thể kết nối hai nhà lãnh đạo khi họ gặp nhau ở Tây An”, một nhà ngoại giao Ấn Độ nói.
Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc là quê hương của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây cũng là nơi ông Tập trải qua bảy năm làm nông dân và trải nghiệm quãng thời gian có ý nghĩa quyết định trong cuộc đời mình.
Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok Kantha phát biểu trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Modi rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị kỹ lưỡng để chào đón ông Modi với mong muốn thắt chặt quan hệ kinh tế hơn với New Delhi.
Như vậy, kinh tế sẽ là điểm nhấn trong câu chuyện của lãnh đạo hai cường quốc châu Á. “Với nhiều thỏa thuận lên tới vài tỷ USD, chúng tôi mong muốn cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo sẽ tạo ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương”, ông Kantha nói.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia về chiến lược và từng là Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Ấn Độ Mao Siwei, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Modi sẽ mở ra một phiên bản quan hệ mới là “Ấn Độ-Trung Quốc 2.0”, tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư.
Về vấn đề biên giới, ông Kantha cho biết cả hai bên đều mong muốn sớm đạt được một giải pháp toàn diện bởi việc đảm bảo hòa bình, ổn định là cần thiết và là điều kiện tiên quyết cũng như nền tảng để xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa hai nước láng giềng.
Trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhấn mạnh vấn đề biên giới là một rào cản quan hệ song phương. Vì vậy, giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt là “trách nhiệm lịch sử” của cả hai chính phủ, cũng đại diện cho nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Rõ ràng, đã đến lúc cả Ấn Độ và Trung Quốc phải “mặn mà” với nhau hơn trong hành trình cùng trỗi dậy của mình. Tuy nhiên, về phía Ấn Độ, vấn đề mà giới lãnh đạo của New Delhi phải đau đầu là sức mạnh quốc gia toàn diện của Bắc Kinh. Kinh tế Trung Quốc hiện lớn gấp năm lần Ấn Độ, và đang thách thức Mỹ để vươn lên vị trí số một thế giới.
Về phần mình, chính quyền của ông Tập cũng đang có nhiều nỗi quan ngại về người hàng xóm. Cụ thể, Ấn Độ mặc dù có những hạn chế, nhưng nền kinh tế đã thể hiện được khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Hơn nữa, với chính sách ngoại giao linh hoạt, New Delhi đã cho phép họ mở rộng những lựa chọn địa chính trị. Thái độ ngày càng quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước láng giềng đang làm cho nhiều nước châu Á thấy dễ chịu hơn trong quan hệ với Ấn Độ.
Như vậy, cả hai nước đều cạnh tranh nhau song giải quyết nỗi lo của mỗi bên không phải bằng đối đầu mà là hợp tác. Đường lối của cả ông Tập Cận Bình và ông Modi càng khiến mọi người tin vào quan điểm của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình rằng thế kỷ XXI không thể là thế kỷ của châu Á nếu Trung Quốc và Ấn Độ không hợp tác với nhau.
Hằng Phạm