TIN LIÊN QUAN | |
Châu Phi - điểm sáng trong di sản đối ngoại của ông Obama | |
Pháp trải thảm đỏ chào đón hàng nghìn doanh nghiệp châu Phi |
Đó là nhận định của hai chuyên gia nghiên cứu quốc tế cao cấp Mỹ Porter Morgan và Jason Nicholson trong bài viết đăng tải trên The Diplomat vừa qua.
Các quốc gia châu Phi - trước đây ủng hộ hăng hái nhất đề xuất "Đồng thuận Bắc Kinh" của Trung Quốc, vốn được định nghĩa là một cách thức khả thi để phát triển kinh tế, xã hội mà không cần quá trình dân chủ hóa - hiện đều đang bị sa lầy trong các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng phức tạp.
Một số quốc gia châu Phi có nền chính trị bất ổn đang đứng trước sự thay đổi trong tương lai gần và điều này chắc chắn ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu lục này.
Trường hợp thứ nhất là Zimbabwe với các cuộc biểu tình lớn và kéo dài đã và đang bùng phát mạnh. Chính quyền của Tổng thống Robert Mugabe đã sử dụng lực lượng an ninh, quân đội để đàn áp dã man các cuộc biểu tình. Mặc dù, Trung Quốc đã cố chứng minh rằng họ cần thời gian để thẩm định lại những chính sách tại khu vực nhạy cảm này và tìm kiếm giải pháp thích hợp cho tình hình ở "lục địa đen" hiện nay, nhưng cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Zimbabwe đã gióng hồi chuông cảnh báo đối với Bắc Kinh.
Một cuộc biểu tình tại Zimbabwe năm 2016. (Nguồn: Reuters) |
Với khoản đầu tư trực tiếp ở Zimbabwe ước tính lên tới hơn 600 triệu USD từ các doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc đang hứng chịu những thiệt hại to lớn về kinh tế, tài chính tại quốc gia ở phía Nam châu Phi này.
Trường hợp thứ hai là Tanzania. Mặc dù là một điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài và các chương trình viện trợ lớn do có nền chính trị tương đối ổn định, nhưng gần đây Tanzania cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị do các cuộc nổi dậy chống chính phủ không được lòng dân.
Tổng thống Tanzania John Magafuli đang thực hiện một loạt biện pháp cứng rắn đồng thời tiến hành đàn áp các đảng phái đối lập. Không giống như Zimbabwe, nơi thường xảy ra căng thẳng sắc tộc sâu sắc tồn tại từ trước khi giành được độc lập, tình trạng bất ổn tại Tanzania có nguồn gốc chính trị liên quan đến sự trỗi dậy của đảng đối lập Chadema (hay còn gọi là Đảng Dân chủ và Tiến bộ) ngày càng có khả năng thay thế đảng cầm quyền (đảng Cách mạng) hay còn gọi là đảng Chama Cha Mapinduzi (CCM). Trên thực tế, CCM là đảng chính trị cầm quyền lâu nhất của quốc gia Tây Phi này. Tuy nhiên, chính sự bảo thủ, chia rẽ nội bộ và tranh giành quyền lực đang làm cho đảng này suy yếu và mất đoàn kết nghiêm trọng.
Với kim ngạch thương mại khoảng 4 tỷ USD/năm, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở Tanzania.
Trung Quốc được coi là chủ nợ lớn của châu Phi. (Nguồn: Reuters) |
Trong tình hình bất ổn hiện nay, sự hiện diện của Trung Quốc cũng có thể trở thành tâm điểm cho sự tức giận của người dân ở đây. Bên cạnh đó, tình trạng hiện nay dấy lên một câu hỏi rằng liệu Bắc Kinh có tuân thủ các nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại trong suốt 60 năm qua là "không can thiệp" hay không nếu một trong các quốc gia đối tác quan trọng của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ sụp đổ chế độ? Hay liệu Trung Quốc có phản ứng bằng việc can thiệp để “giữ thể diện” hay không?
Có thể nói rằng, Trung Quốc phải quan tâm đến "sân sau" của mình vì đầu tư trong nước của Trung Quốc không phải lúc nào cũng tốt và hiệu quả như đầu tư ở nước ngoài, nhất là khu vực châu Phi. Hiện đang có rất nhiều cuộc tranh cãi rằng Bắc Kinh nên hỗ trợ cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp và thương mại trong nước thay vì mang hàng tỷ USD ra nước ngoài đầu tư.
Đối với Bắc Kinh, những sự kiện chính trị tại châu Phi hiện nay chỉ là "vấn đề lưu ý" nhưng không quá quan trọng. Trung Quốc đang là một cường quốc và muốn có được lợi ích trên toàn cầu. Tuy nhiên, giống như tất cả các cường quốc khác, Trung Quốc muốn giữ nguyên hiện trạng để không xảy ra bất kỳ sự thay đổi hay biến động lớn và hỗn loạn chính trị.
Nếu "cơn lốc" chống chính phủ, chống độc tài bắt đầu quét qua một số nước châu Phi, chẳng hạn như "Mùa Xuân Ả rập" ở Trung Đông vừa qua, thì "lục địa đen", trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Do vậy, điều quan trọng nhất hiện tại là Trung Quốc cần phải trả lời cho câu hỏi sẽ làm gì với các đối tác quan trọng tại châu Phi như Zimbabwe, Tanzania, Ethiopia, Nam Sudan... vốn đang có khả năng rơi vào khủng hoảng chính trị, nhất là những quốc gia đang theo đuổi "mô hình Trung Quốc"? Điều chắc chắn là chính phủ cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc đều bám sát các sự kiện đang và sẽ diễn ra ở châu Phi để có đối sách phù hợp.
Châu Phi - “đấu trường” mới giữa Trung - Nhật Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD-6) diễn ra cuối tuần trước không chỉ gây chú ý bởi ... |
Mỹ và châu Phi họp bàn về an ninh khu vực Đêm 21/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Nairobi của Kenya để thảo luận với lãnh đạo quốc gia Đông Phi này ... |
Châu Phi: IMF dự báo kinh tế suy giảm tại Nam Sahara Nguyên nhân xuất phát từ suy giảm chỉ số kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực này dưới ... |