Một số nhà quan sát phương Tây kỳ vọng Trung Quốc, nhà tiêu thụ “khổng lồ” dầu và khí của Iran, như một chìa khóa để phá thế bế tắc ngoại giao hiện nay với Iran. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh có chương trình nghị sự riêng với Iran và Trung Đông. Bởi thế, Bắc Kinh xem rằng nếu tỏ thái độ “dè dặt” với Tehran có thể làm tổn thương các mối quan hệ chiến lược của nước này với Iran và làm nguy hiểm thêm các lợi ích kinh tế và năng lượng cốt yếu.
Trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Iran Ahmadinejad ở Bắc Kinh hồi tháng 9, hai bên đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc tôn trọng quyền của Iran sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình và kêu gọi tăng cường các biện pháp ngoại giao: “Trung Quốc cam kết đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hòa bình và sẽ tiếp tục đóng một vai trò xây dựng trong khi giải quyết vấn đề này”.
Kết bạn bằng... vũ khí
Kể từ khi nhà lãnh đạo Shah – người cai trị Iran bằng bàn tay sắt - bị lật đổ vào năm 1979 trong Cách mạng Hồi giáo, Bắc Kinh đã xem CH Hồi giáo Iran như là một đồng minh chính trị tiềm tàng và tìm cách nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác chiến lược với Tehran. Ngoài việc là một nguồn cung năng lượng chính, Iran là một cường quốc khu vực quan trọng, có khả năng đóng vai trò trung tâm trong sự cân bằng ngoại giao ở khu vực vùng Vịnh và Trung Đông. Rõ ràng rằng Trung Quốc và Iran cùng “gặp nhau” trong câu tục ngữ của cả Ảrập cũ và Trung Quốc - “kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn ta” và hợp tác “bắt tay” để làm đối trọng với sự bá quyền của Mỹ ở khu vực.
Một công cụ mà Trung Quốc đã sử dụng hoàn hảo là bán vũ khí và chuyển giao công nghệ vũ khí, công cụ “kết bạn” một cách hiệu quả, nhanh chóng giành được ảnh hưởng trong khi kiếm được hàng tỷ USD. Bắc Kinh đã đưa ra công thức có tên gọi “vũ khí đổi lấy dầu”, cung cấp vũ khí nhằm đổi lấy dầu từ Iran và Sudan.
Buôn bán vũ khí của Trung Quốc đối với Iran mở rộng từ thập niên 1980. Nhờ có vũ khí Trung Quốc, quân đội Iran được tăng cường sức mạnh và năng lực sản xuất vũ khí của nước này phát triển đáng kể. Bởi thế, trong con mắt của nhiều nước phương Tây, Iran là một mối đe dọa to lớn đối với các quốc gia Ảrập và Israel, cũng như Mỹ (Gulf Daily News, 16/8).
Vũ khí thông thường công nghệ cao của Trung Quốc xuất sang Iran tạo nên mối đe dọa rộng lớn đối với hải quân và bộ binh Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Vào mùa Thu 1987, Iran đã bắn hai tàu chở dầu của Mỹ ở vùng Vịnh bằng tên lửa hành trình Silkworms do Trung Quốc sản xuất. Vào thập niên 1980, Poly Group, một công ty vũ khí Trung Quốc, đã bán cho Iran các Silkworm trị giá hơn 1 tỷ USD. Năm 1996, Iran mua tàu tuần tra nhanh Houdong của Trung Quốc được trang bị tên lửa C-802. Vào cuối thập niên1990, hai tàu tuần tra Houdong của Iran thực hiện các cuộc tấn công đồng thời tốc độ cao vào hàng không mẫu hạm Mỹ Kitty Hawk và tàu tuần dương Cowpens. Những sự khiêu khích tương tự diễn ra liên tiếp trong những tháng gần đây.
Quả thực, có những lo lắng ở vùng Vịnh và những nơi khác rằng Iran có thể gây ra một thảm họa kinh tế toàn cầu nếu nước này thực hiện những mối đe dọa lặp đi lặp lại đối với khu vực gần Eo biển Hormuz. Đường thủy hình móng ngựa này kéo dài từ Iran tới cực Bắc của Oman, eo Hormuz là con đường duy nhất cho tàu thủy vào ra Vịnh Ba Tư. Theo The Gulf, tờ tuần báo thương mại của Bahrain, mỗi ngày có khoảng 50 tàu chở dầu chuyên chở khoảng 14-17 triệu thùng dầu và các sản phẩm từ dầu thông qua eo biển dài 180km này.
Iran có một lượng lớn tên lửa bắn tàu thủy C-801 và C-802 do Trung Quốc sản xuất được triển khai dọc bờ biển. Những thứ vũ khí này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất cứ nỗ lực nào kiểm soát hay phong tỏa đường thủy này.
Lợi cả đôi đường
Trong khi các công ty của châu Âu, trước sức ép của Mỹ, đã cắt giảm thương mại với Iran hoặc rút vốn đầu tư thì các công ty sở hữu nhà nước Trung Quốc ngay lập tức nhảy vào lấp chỗ trống. Cuối năm 2007, Iran và tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã chính thức ký hợp đồng trị giá 2 tỷ USD khai thác một mỏ dầu Yadavaran ngoài khơi miền Nam Iran. Vào ngày 28/7, Công ty dầu khí Par của Iran và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đạt được thỏa thuận khai thác giếng dầu North Pas.
Trung Quốc là thị trường dầu hàng đầu của Iran và Iran là nhà cung cấp dầu lớn thứ ba của Trung Quốc, chỉ sau Angola và Saudi Arabia. Tập đoàn dầu khổng lồ của Trung Quốc là Sinopec đang dự định mua 250 tỷ tấn khí tự nhiên trong vòng 30 năm của Iran và sẽ giúp Iran phát triển giếng dầu khổng lồ Yadaravana nhằm đổi lại cam kết của Iran xuất khẩu 150.000 thùng dầu mỗi ngày cho Trung Quốc trong vòng 25 năm theo giá thị trường.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc cũng hợp tác sâu rộng với Iran trong lĩnh vực kinh tế. Hơn 100 công ty nhà nước của Trung Quốc đang làm việc ở Iran nhằm giúp xây các dự án cơ sở hạ tầng. Thương mại song phương giữa hai quốc gia có thể đạt tới 12 tỷ USD vào năm 2008, vượt qua mức 9,5 tỷ năm 2007. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Iran, chỉ sau UAE.
Mặc dù Bắc Kinh và Washington hiện tại không đối đầu công khai ở Trung Đông, nhưng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ về Iran và về các vấn đề năng lượng khó có thể tránh khỏi. Bởi thế, không mấy ngạc nhiên khi có quan ngại ở Trung Đông cho rằng một khi xảy ra xung đột quân sự Iran -Israel thì điều đó có thể dẫn đến cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thảo Nguyên(Tổng hợp)