Theo tác giả, phán quyết của Tòa trọng tài là một thắng lợi không những đối với bên đã nỗ lực thưa kiện là Philippines, mà còn đối với cả 5 vị thẩm phán của Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết đúng đắn. Những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí đều làm cho các nước Đông Nam Á và Đông Á bị o ép. Tại Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Hàn Quốc, Nhật Bản, mọi người đều hài lòng về phán quyết của Tòa.
Phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7 đã tạo ra những thay đổi nhất định cho vấn đề Biển Đông hiện nay. (Nguồn: GB Times) |
Một số nước cảm thấy được hậu thuẫn mạnh mẽ hơn sau quyết định của Tòa án tại The Hague (Hà Lan), nhưng phản ứng của những nước này cho thấy cũng không có lý do để có thể sớm vui mừng. Bởi vì những lý lẽ rõ ràng trong phán quyết của Tòa cũng không làm cho tình hình ở Biển Đông thay đổi.
Đó là do ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối không tham gia và không chấp nhận phán quyết của Tòa. Bên cạnh đó, những đòn trả đũa có thể tính đến ví dụ như ngừng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, nhưng điều này ngay cả đối với Philippines là điều không thể tính đến.
Philippines cũng như các nước khác trong khu vực phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Họ đều hiểu Trung Quốc sẽ không rút khỏi các đảo nhân tạo hoặc tháo dỡ các hệ thống rada mà họ đã xây dựng. Hơn thế, Trung Quốc sẽ cảm thấy bị khiêu khích và sẽ tiếp tục chiến lược của mình và tiến hành các hoạt động khác như mở rộng thêm các đảo nhân tạo, xây đèn biển và đưa khách du lịch ra các đảo.
Đó cũng là cách hành xử của Trung Quốc và trong những năm gần đây điều này càng ngày càng rõ: đối với họ các quy định quốc tế mà Trung Quốc không tham gia tạo nên thì cũng không có ý nghĩa gì vì Trung Quốc.
Bắc Kinh buộc phải tính toán lại chiến lược của mình ở Biển Đông. (Nguồn: The Washington Times) |
Bên cạnh đó, còn một điều may mắn sẽ không thay đổi sau phán quyết, đó là Trung Quốc và các nước trong khu vực đều không muốn căng thẳng, leo thang về mặt quân sự. Đối với Trung Quốc, con đường hàng hải qua Biển Đông có ý nghĩa sống còn. Trong nhận thức, Bắc Kinh cũng dè chừng việc gây thêm căng thẳng vì Philippines có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ.
Giá trị phán quyết của Tòa là ở chỗ Trung Quốc không có quyền hiển nhiên khai thác trong "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc coi là “vùng biển lịch sử”. Các thẩm phán đã coi trọng vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia tham gia vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 hơn là các đòi hỏi mang tính chất lịch sử nhưng không hề đả động đến vấn đề chủ quyền mang tính lịch sử, điều này hoàn toàn phù hợp với quyền hạn của Tòa.
Khi mà hành động của một cường quốc như Trung Quốc bị một tòa án quốc tế tuyên là vi phạm luật pháp, thì tất cả các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc đều ủng hộ. Trong trường hợp tốt nhất, khối ASEAN sẽ thành lập một nhóm có sự đồng thuận về phán quyết của Tòa trọng tài. Về trung hạn, nhóm sẽ là đối trọng với Trung Quốc và sẽ buộc Bắc Kinh phải đàm phán nghiêm túc. Con đường đến đó chắc sẽ còn dài.