Sau khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình nhanh chóng củng cố vị trí người đứng đầu Nhà nước, Đảng và quân đội. Hồi đầu nhiệm kỳ, ông tuyên bố sẽ chấn hưng đất nước, thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, khái quát hóa tham vọng lịch sử của Trung Quốc là tìm lại sự vĩ đại quốc gia - vốn gắn với mong ước thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân.
Cần cải tổ kinh tế sâu
Đúng là Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới và đã đưa 500 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo nàn nhưng quốc gia này cũng phải đối mặt với một loạt các vấn đề như sự dư thừa khả năng sản xuất công nghiệp, tình trạng đầu tư quá mức và nợ công của chính quyền các địa phương.
Các khó khăn này trầm trọng hơn do chính sách tiền tệ của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nói một cách tổng quát, sự phát triển kinh tế dựa rất ít vào tiêu thụ nội địa mà phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và đầu tư hạ tầng. Thêm vào đó, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm sút do sự tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á. |
Tháng 11/2013, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua một kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế đầy tham vọng. Mục tiêu của việc tái cấu trúc là chuyển đổi thành một nền kinh tế dịch vụ sáng tạo, dựa nhiều hơn vào tiêu thụ nội địa nhờ việc nâng cao hơn mức lương.
Theo kế hoạch này, ảnh hưởng của kinh tế nhà nước sẽ giảm và vai trò các lực lượng gắn với kinh tế thị trường sẽ tăng. Tiến trình tái cấu trúc hiện vẫn chậm do nạn quan liêu và sự phản kháng của các doanh nghiệp nhà nước. Sự can thiệp của chính phủ nhằm ổn định thị trường chứng khoán mùa hè năm 2015 và việc bất ngờ hạ giá đồng Nhân dân tệ mùa thu năm 2015 cho thấy nhà nước vẫn phải can thiệp vào thị trường.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác là sự chênh lệch thịnh vượng giữa khu vực ven biển và khu vực nằm sâu trong nội địa, giữa thành phố và nông thôn. Nhiều thách thức hình thành từ tiến trình này, như việc 250 triệu người lao động di cư trong nước và sự phân biệt đối xử đối với những người này. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, tình trạng làm việc tồi tệ, sự phản đối việc trưng thu đất đai hoặc phân biệt đối xử từ phía nhà chức trách cho đến nay vẫn còn là những vấn đề mà xã hội Trung Quốc đang phải đương đầu.
Đưa sức mạnh ra bên ngoài
Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, Trung Quốc quyết đoán hơn và “năng nổ” hơn với bên ngoài. Ông Tập đại diện cho một Trung Quốc mạnh hơn và ngay từ đầu nhiệm kỳ đã bỏ sang một bên di sản của những người tiền nhiệm trên lĩnh vực chính sách đối ngoại.
Chính phủ Trung Quốc tiến hành chính sách công du các nước liên tục và khéo léo phô diễn tại các diễn đàn cấp cao đa phương. Trung Quốc đảm nhận nhiều hơn các trách nhiệm ở tầm quốc tế để giành thêm ảnh hưởng, can thiệp nhiều hơn một cách quyết đoán với một số vấn đề toàn cầu. Trên giấy tờ, Bắc Kinh thực thi một chính sách đối ngoại “dựa trên nguyên tắc phát triển hòa bình”. Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, chính quyền không có bất kỳ sự nhân nhượng nào và không ngần ngại chọn lập trường đối đầu.
Bản đồ kế hoạch Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua, UNESCO). |
Điều đó thể hiện rõ không những trong những yêu sách chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông mà cả vấn đề Đài Loan cũng như sự ủng hộ quốc tế đối với chính phủ Tây Tạng lưu vong. Chính sách này có thể làm tăng khả năng xung đột, trước hết là với các nước láng giềng cũng như với Mỹ và làm tổn hại đến những quan hệ kinh tế vốn rất quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là lý do Trung Quốc tìm cách ổn định môi trường chính trị đối ngoại, đặc biệt với khu vực giáp với họ. Trung Quốc sử dụng vai trò thống trị về kinh tế và các phương tiện tài chính quan trọng để thực hiện điều đó.
Trong các chuyến thăm nước ngoài, nhiều hiệp định đầu tư có giá trị lớn đã được ký kết. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế của ASEAN, tại châu Phi, Hàn Quốc, Mông Cổ và Đài Loan. Đó cũng là cách nước này cố gắng thông qua chính sách kinh tế bành trướng và việc tạo dựng sự phụ thuộc về kinh tế để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.
Đáng chú ý, Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa mạnh mẽ quân đội. Từ nhiều năm nay, chi tiêu quốc phòng thường tăng theo mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn một quân đội mạnh, sẵn sàng can thiệp ở mọi thời điểm, đủ khả năng để đảm bảo an ninh bên trong và bên ngoài đất nước. Quân đội Trung Quốc đã chuyển từ một quân đội có tính phòng thủ, chủ yếu trên bộ, ít cơ động sang một quân đội năng động có khả năng triển khai hoạt động ở những nơi xa. Tiến trình này sẽ còn tiếp tục trong 30 năm tới.
Dù vẫn đang trong quá trình cải tổ, quân đội Trung Quốc được coi như một công cụ hiệu quả hơn trong chính sách siêu cường của nước này. Hiện tại, họ đã triển khai nhiều biện pháp quân sự để đánh dấu những lợi ích khu vực. Trong bối cảnh đó, các lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc có vai trò ngày càng quan trọng hơn so với các lực lượng lục quân vẫn chiếm ưu thế trong nhiều năm qua.
Vai trò lãnh đạo mới ở châu Á
Trong nhiều thế kỷ, Đế chế Trung Hoa nằm ở trung tâm khu vực. Các nước và các dân tộc xung quanh, dù xa hay gần, định kỳ phải cống nạp cho hoàng đế Trung Quốc để được nhận những lợi ích kinh tế và những hứa hẹn sẽ được bảo vệ phần nào.
Hệ thống cống nạp và tư tưởng “Trung Quốc là tâm điểm” kết thúc sau cuộc xâm lược của các cường quốc phương Tây và Nhật Bản trong nửa sau của thế kỷ XIX. Sử sách Trung Quốc coi giai đoạn này cho đến hết Thế chiến thứ II như một “thế kỷ nhục nhã” cho quốc gia. Giai đoạn này đã tác động sâu sắc đến ý thức cộng đồng và bản sắc Trung Quốc. Do ký ức lịch sử này, điều đương nhiên là nhìn từ quan điểm Trung Quốc, tương lai của Trung Quốc là trung tâm của châu Á. Tư duy đó được thể hiện trong khẩu hiệu về “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sự phát triển của Trung Quốc về tổng thể được cộng đồng quốc tế chấp thuận nếu như nằm trong khuôn khổ các chuẩn mực và quy định quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, khi phát triển với tầm toàn cầu, có rất nhiều điểm Trung Quốc bảo vệ những chuẩn mực và giá trị khác với phương Tây.
Trong tương lai, các khác biệt đó sẽ lớn hơn vì Trung Quốc ngày càng thể hiện quyết tâm sử dụng những sức mạnh mới đạt được để tạo ra những chuẩn mực quốc tế mới, làm thay đổi trật tự chính trị và kinh tế thế giới hiện nay. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc lập các viện và các quỹ mới cũng như các dự án kinh tế trải rộng nhiều nơi.
Qua sáng kiến Con đường Tơ lụa mới, Trung Quốc lập kế hoạch trở thành trung tâm, địa chỉ then chốt của một chuỗi liên kết các khu vực trải dài từ Trung Quốc đến Đông Nam Á, Trung Á và vươn tới châu Âu, châu Phi qua lục địa và biển khơi. Sáng kiến này là nhân tố cơ bản của chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện nay mà theo các diễn văn chính thức nó chỉ nhằm củng cố giao thương và hợp tác khu vực.
Trên thực tế, những khoản đầu tư khổng lồ đã được bỏ ra để có thể tạo nên một cấu trúc kinh tế khu vực mới, làm cho những nước xung quanh nằm trong mối quan hệ ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Cho dù sáng kiến này bao trùm lên 50 nước, nó chỉ dựa trên các thỏa thuận song phương chứ không phải đa phương.
Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) như để bổ sung cho các định chế Bretton Woods đang tồn tại là một dấu hiệu của một nước Trung Quốc mới đã trở nên mạnh hơn. AIIB tập trung ưu tiên các nhu cầu đầu tư về hạ tầng chưa được đáp ứng tại châu Á. Là nước sáng lập, Trung Quốc cung cấp cho AIIB những phương tiện tài chính quan trọng nhất, phù hợp với quy định và hiện chỉ hưởng phần thiểu số phủ định đối với những quyết định quan trọng. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ sử dụng ngân hàng này để “hạ nhiệt” những căng thẳng trong khu vực từ việc họ trở thành siêu cường nhờ chính sách ngoại giao kinh tế.