TIN LIÊN QUAN | |
Diplomatic Affairs: 50 năm tinh hoa ngoại giao Việt Nam | |
YouGov: Việt Nam 'ẵm' ngôi vương về mức tín nhiệm truyền thông khi đưa tin về Covid-19 |
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội và từng bước mở cửa lại đất nước sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19. |
Kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên vào hồi đầu tháng 1, Việt Nam chỉ mới ghi nhận 326 ca nhiễm bệnh và đặc biệt là không có trường hợp nào tử vong. Với thành công ban đầu, Việt Nam được đánh giá cao về hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19. Tới nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội và từng bước mở cửa lại đất nước.
ĐƯỜNG ĐẾN THÀNH CÔNG
Trong khi một số chuyên gia đánh giá thành công mà Việt Nam gặt hái được là nhờ kinh nghiệm từ cuộc chiến với đại dịch SARS, nhiều ý kiến khác lại cho rằng đây là kết quả từ những nỗ lực lâu dài nhằm cải thiện năng lực điều hành và khả năng ứng phó ở các cấp cơ sở. Việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ không hề vô thức; mà đúng hơn, nó đòi hỏi tính chặt chẽ, nhất quán, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) - những dự án phối hợp giữa Việt Nam, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hệ thống chăm sóc sức khỏe, khả năng tiếp cận thông tin và kiểm soát tham nhũng của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt và mang tính ổn định cao.
Tin liên quan |
Báo Australia: Việt Nam thầm lặng dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 |
Hiện nay, 90% người dân Việt Nam đều được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Cùng với đó, chất lượng các bệnh viện đã được cải thiện liên tục. Cùng với chính sách cách ly tập trung và điều trị miễn phí, người dân Việt Nam không phải lo lắng về chi phí xét nghiệm Covid-19, tiền viện phí cũng như chi phí kèm theo. Các yếu tố này đã thúc đẩy mọi người dân sẵn sàng tuân thủ mọi quy định và các biện pháp cách ly nghiêm ngặt.
Dữ liệu khảo sát cũng nhấn mạnh đến sự minh bạch của Chính phủ và chính quyền địa phương. Bộ Y tế đã đăng tải công khai tất cả các ca nhiễm bệnh mới được ghi nhận, cho phép tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và cập nhật tình hình.
Bên cạnh đó, công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ người dân trong nước cũng như dư luận quốc tế. Chiến dịch này diễn ra đồng thời với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Lấy thí dụ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cùng đồng phạm gần đây đã bị truy tố về hành vi thông đồng với doanh nghiệp nhằm trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
KINH NGHIỆM TỪ HÀ NỘI
Thủ đô của Việt Nam với Sân bay quốc tế Nội Bài, nơi dừng chân đầu tiên của các du khách nước ngoài, đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trên cả nước. Trong bối cảnh đó, Hà Nội phải đối mặt với một cuộc chiến chống sự bùng nổ dịch Covid-19. Thành công bước đầu trong công tác khống chế dịch của Hà Nội chính nhờ dựa vào việc tăng cường phối hợp giữa các cấp và việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung, trong đó có lực lượng quân đội và các đơn vị y tế chuyên biệt.
Đợt bùng dịch đầu tiên vào hồi đầu tháng 3 đã buộc thành phố phải phong tỏa một số khu vực dân cư. Vài ngày trước đó, một người nhiễm bệnh, được biết đến là “bệnh nhân 17”, đã trở về Việt Nam từ Vương quốc Anh sau khi tới thăm Milan, Italy - nơi mà ở thời điểm bấy giờ đang được coi tâm dịch.
Việt Nam nhanh chóng và quyết liệt thực hiện các biện pháp cách lý nhằm phòng chống dịch Covid-19. (Nguồn: KT&ĐT) |
Lãnh đạo Hà Nội đã lập tức tổ chức buổi họp khẩn ngay trong đêm, công bố tin tức và bắt đầu một chiến dịch công khai để tìm kiếm và thông báo cho các hành khách khác đi cùng chuyến bay. Đồng thời, cảnh sát dựng rào chắn cách ly các tuyến phố, thành lập các trạm gác xung quanh khu vực cách ly, còn lực lượng chức năng cũng tiến hành theo dõi nhân khẩu hằng ngày, phun thuốc khử trùng và cấp phát thực phẩm miễn phí cho người dân tại khu vực cách ly.
Vào cuối tháng 3, Hà Nội phải đối mặt với một ổ dịch lớn tại Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn nhất tại thành phố. Ngay lập tức, chính quyền thành phố đã triển khai xét nghiệm cho hơn 30.000 bệnh nhân, nhân viên y tế và những người từng đến đó; đồng thời Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cử người và phương tiện đến khử trùng bệnh viện.
Ngoài việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thăm khám tại nhà, Hà Nội còn khuyến khích các đơn vị hành chính địa phương và người dân báo cáo các trường hợp sai phạm trong quá trình thực hiện cách ly tại nhà thông qua ứng dụng di động Hanoi Smart City. Ứng dụng này không chỉ cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày về các trường hợp nhiễm Covid-19, tự báo cáo tình trạng sức khỏe bản thân, mà còn lập bản đồ di chuyển của các ca nhiễm bệnh.
Cùng với đó, Việt Nam áp dụng các biện pháp bắt buộc như hành khách từ quốc tế được yêu cầu kê khai sức khỏe, những người đến từ các vùng dịch được xét nghiệm chặt chẽ và đưa vào các khu cách ly tập trung tại các đơn vị quân đội.
Những hành động nhanh chóng này đã củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền, nhất là tại thời điểm này khi mà vẫn còn rất nhiều ẩn số về virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
MỞ CỬA LẠI NỀN KINH TẾ
Các yếu tố như tính minh bạch, chống tham nhũng và nâng cao năng lực phản ứng của chính phủ cũng góp phần quan trọng vào việc giúp các doanh nghiệp phục hồi hậu phong tỏa.
Vào ngày 22/4, Việt Nam tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội, ngoại trừ ở một số khu vực được coi là có nguy cơ rủi ro cao, trong đó có Hà Nội. Khi khẩu hiệu chuyển từ “chống dịch như chống giặc” thành “chung sống ‘hòa bình’ cùng với đại dịch”, thì một câu hỏi được đặt ra: Đâu là triển vọng cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam?
Đầu tiên phải hiểu rõ được sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo PCI 2019, 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng, 35% về vấn đề tín dụng, 34% về tuyển dụng, 28% về tìm kiếm đối tác kinh doanh và 27% đang trên đà suy thoái. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tất cả những vấn đề này.
Một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, trong khi 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm.
Để thúc đẩy nền kinh tế nội địa, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt biện pháp cứu trợ, bao gồm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng, cung cấp các khoản vay nóng để trả lương và tăng phúc lợi xã hội cho người lao động. Luật Tiếp cận Thông tin sẽ giúp công dân và doanh nghiệp giám sát việc thực hiện các biện pháp này.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã đưa ra một kế hoạch cụ thể, trong đó tập trung phối hợp với các tỉnh thành khác để thúc đẩy kết nối tại thị trường trong nước trên các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp và khai thác hải sản. Song song với đó, chính quyền Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp phục hồi kinh tế phải được cân bằng với việc đảm bảo các mục tiêu y tế trong cộng đồng như giảm thời gian làm việc, hạn chế tụ tập đông người, duy trì giãn cách xã hội. Các biện pháp này góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào chính quyền.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam, với 80% số đó có ít hơn 10 nhân viên, đang phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu và linh kiện. Do đó, Chính phủ ủng hộ việc thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất, công nghệ và dệt may.
Chính phủ ủng hộ việc thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành sản xuất, công nghệ và dệt may sau dịch Covid-19. (Nguồn: Thanh niên) |
Chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã cam kết áp dụng những ưu đãi kinh tế như gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất hay cung cấp các khoản vay ưu đãi. Chính PAPI đã nhấn mạnh, việc cải thiện các biện pháp minh bạch đối với chính sách đất đai và môi trường sẽ là chìa khóa trong việc duy trì hỗ trợ công cộng.
Bất chấp những thách thức phải đối mặt, việc trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phản ứng nhanh đối với dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng kinh tế của thế giới. Ngân hàng Thế giới dự báo rằng Việt Nam sẽ là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020. Tính riêng quý I/2020, Việt Nam đã thu hút được 8,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Khi nhiều nước còn đang tìm cách rút ra bài học từ những nỗ lực toàn cầu để chống lại đại dịch, Việt Nam đang là một câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống đại dịch.
Tạp chí Politico: Việt Nam đứng đầu thế giới về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng trong chống dịch Covid-19 TGVN. Theo bảng xếp hạng tác động toàn cầu của đại dịch Covid-19 đối với 30 quốc gia đi đầu về hiệu quả kinh tế ... |
Truyền hình Nhật Bản: Chống dịch Covid-19 theo cách riêng, Việt Nam khiến cả thế giới phải 'ngả mũ' TGVN. Bản tin thời sự 19 giờ của Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đã khen ngợi sự hiệu quả trong công tác phòng chống dịch ... |
Báo Bulgaria: Việt Nam - 'Đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh' quyết không lùi bước trước đại dịch Covid-19 TGVN. Trong bài viết đăng trên báo điện tử baricada.org, nữ nhà báo nổi tiếng Bungari Kadrinka Kadrinova đã chia sẻ những bí quyết của ... |