Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản). |
Người ta còn nhớ, theo The Economist, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhập khẩu nhiên liệu chiếm 61% trong tổng nhiên liệu sử dụng cho sản xuất năng lượng. Vì vậy, từ năm 1973, Nhật đã đưa năng lượng hạt nhân trở thành một ưu tiên chiến lược quốc gia. Thực tế, tính đến đầu năm 2011, quốc gia này đã có số nhà máy điện hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới, thậm chí chính phủ Nhật khi đó còn lên kế hoạch sản xuất một nửa lượng điện của mình từ các lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030. Tuy nhiên, thảm họa động đất, sóng thần xảy ra hồi tháng 3 năm ngoái đã làm đảo lộn tất cả.
“Đóng cửa" cả 54 lò phản ứng
Theo hãng tin Kyodo, bắt đầu từ ngày 5/5 vừa qua, tất cả 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật đã ngừng hoạt động. Ngoài những lò sẵn bị "tê liệt" từ thảm họa Fukushima, những lò còn lại cũng đã phải ngừng hoạt động, coi như "bảo dưỡng định kỳ" vì bản thân các nhà chức trách nước này cũng không còn chắc chắn về độ an toàn của nhiều lò trong số đó. Có thể nói, việc ngừng hoạt động toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật cũng có nghĩa là từ đây nước này sẽ mất đi nguồn cung năng lượng điện khoảng 50GW, tương đương với mức tiêu thụ điện của cả Tokyo, coi như thủ đô này không có điện, không tàu cao tốc...
Tất nhiên, phần lớn công suất điện bị mất do đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đang được thay thế bằng nhiệt điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc ngưng toàn bộ các lò phản ứng ở Nhật cùng một lúc lại là một quyết định lịch sử. Thứ nhất, theo ước tính của Bộ Thương mại Nhật Bản, nếu toàn bộ lò phản ứng hạt nhân vĩnh viễn không hoạt động trở lại thì Nhật sẽ phải chi thêm khoảng 37,5 tỷ USD/năm để nhập thêm các nhiên liệu hóa thạch trong khi việc sử dụng năng lượng tái chế vẫn còn hạn chế. Thứ hai, việc dỡ bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật sẽ phải mất tới 40 năm với chi phí ước tính còn cao hơn nhiều so với chi phí xây dựng mới. Thứ ba, đa số người dân Nhật vẫn chưa sẵn sàng khởi động lại các lò phản ứng trong khi chính phủ lại đứng trước sức ép về thiếu hụt điện và tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do Nhật Bản buộc phải trở lại dùng năng lượng từ dầu và khí đốt.
Cụ thể, kể từ trận động đất, sóng thần năm ngoái gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima, làm bức xạ rò rỉ vào trong lòng đất, không khí và biển, buộc hơn 80.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Bức xạ cũng xuất hiện trong các mẫu thực phẩm từ thịt bò, gạo và hải sản…, những món ăn chủ lực khiến nhiều người Nhật hoang mang. Vì vậy, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu ý kiến cộng đồng về vấn đề phát triển điện hạt nhân Nhật Bản công bố trên nhật báo Tokyo Shimbun ngày 19/3/2012 cho thấy, 79,6% người được hỏi muốn vĩnh viễn xóa bỏ các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, ngay trong dân chúng cũng có những mâu thuẫn. Chẳng hạn, theo kết quả một cuộc thăm dò khác do hãng tin Kyodo thực hiện gần đây, có tới 26,7% số người được hỏi, những người sống gần các nhà máy điện hạt nhân không bị ảnh hưởng của sóng thần năm ngoái, muốn tái khởi động các lò phản ứng để có việc làm, trợ cấp; 71% nhà sản xuất cho biết thiếu hụt điện sẽ buộc họ phải cắt giảm sản xuất trong khi 96% nói rằng hóa đơn điện cao hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập...
Bản thân Chính phủ dường như cũng muốn tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân khi liên tục đưa ra các cảnh báo về mất điện và tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do Nhật Bản buộc phải trở lại dùng năng lượng từ dầu và khí đốt. Điển hình, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản cảnh báo rằng việc ngưng các lò phản ứng hạt nhân sẽ làm giảm 0,1% GDP năm nay khi các nhà sản xuất phải cắt giảm sản lượng trong khi phải móc thêm tiền trả cho dầu thô. Còn Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì ước tính việc đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân sẽ làm tăng nhu cầu dầu của Nhật Bản lên tới 4,5 triệu thùng/ngày, tức tăng thêm chi phí 100 triệu USD/ngày. Điều này cũng có nghĩa là, theo Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Yukio Edano, chi phí nhập khẩu nhiên liệu dành cho nhiệt điện tăng sẽ buộc người dân phải móc ví nhiều hơn cho các hóa đơn tiền điện. Thậm chí, theo Kyodo, Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng ẩn ý khi nói rằng Nhật Bản vẫn cần điện hạt nhân vì việc phải dùng nhiều nhiên liệu hóa thạch thay thế sẽ vi phạm những cam kết về biến đổi khí hậu của Nhật Bản…
Song tạo hóa vô thường và sức mạnh thiên nhiên không thể lường trước được. Theo Guardian, báo cáo của các nhà khoa học Nhật cho thấy dù nhà máy Fukushima đã được thiết kế chống động đất, sóng thần, nhưng không ai ngờ được trận Tsunami năm ngoái lại làm nước biển dâng tới 38,9m, đặt nhà máy vào tình trạng nguy hiểm. Hơn nữa, báo cáo đánh giá an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cũng cảnh báo 80% nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã hoạt động hơn 20 năm, khoảng thời gian khiến giới chuyên gia về an toàn cảm thấy lo ngại. Vì vậy, việc Chính phủ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vĩnh viễn hay chỉ tạm thời "bảo dưỡng" cũng là một giải pháp an toàn hơn.
Cơ hội cho công nghệ xanh
Rời bỏ điện hạt nhân, Nhật Bản đương nhiên phải đầu tư nguồn năng lượng thay thế. Đây là cơ hội để công nghệ xanh phát triển. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này vẫn có thể giảm 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 nhờ tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh sử dụng năng lượng tái tạo, điều mà người ta hy vọng sẽ chiếm từ 25% đến 35% tổng lượng điện vào năm 2030. Vì thế, Nhật Bản sẽ phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió, mặt trời và đặc biệt là địa nhiệt làm năng lượng.
Nằm ở giao lộ của 4 tầng địa chất và trên "vành đai lửa Thái Bình Dương" hoạt động mạnh mẽ với gần 200 núi lửa và 28.000 suối nước nóng, Nhật Bản là một trong những quốc gia giàu nguồn địa nhiệt nhất thế giới (sau Mỹ và Indonesia), nhưng chỉ đứng thứ 8 về phương diện chuyển hóa thành năng lượng. Theo khảo sát tiền dự án mới đây, Nhật ở trên 20.000MW năng lượng địa nhiệt, tương đương 20 lò phản ứng hạt nhân.
Năng lượng địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng Trái đất. Năng lượng này có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật và từ năng lượng Mặt trời được hấp thụ tại bề mặt Trái đất. Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã biết sử dụng địa nhiệt để nung và tắm. Còn ngày nay, nó được dùng để tạo năng lượng điện. Tuy nhiên, chi phí đầu tư phát triển địa nhiệt khá cao, chủ yếu là chi phí khảo sát địa điểm. Theo Asahi Shimbun, dự án nhà máy địa nhiệt đầu tiên của Nhật ở Vườn Quốc gia Bandai-Asahi (phía Nam Fukushima) tạo ra lượng điện xấp xỉ 1/4 công suất phát điện của một nhà máy điện hạt nhân, sẽ có chi phí đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, song cũng phải chờ 10 năm mới có thể phát điện.
Dù còn trở ngại, nhưng theo các nhà hoạch định chính sách, việc Nhật đầu tư vào công nghệ năng lượng địa nhiệt là dấu hiệu của sự quyết tâm phát triển các nguồn năng lượng trong nước, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia và rời bỏ điện hạt nhân. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cũng tin rằng, "Với nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú và trình độ công nghệ hàng đầu, Nhật có thể trở thành quốc gia hàng đầu về năng lượng tái tạo, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc vào công nghệ hạt nhân nguy hiểm và tốn kém".
Hoàng Minh