TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành rất kịp thời. |
Không lấy gì làm vẻ vang với thứ hạng “văn minh Internet” của bộ phận người Việt. Mới đây, Microsoft đã xếp Việt Nam vào top 5 nước kém văn minh internet nhất thế giới.
Đồng tình hay không, phản biện lại Microsoft chắc rất khó khăn. Bởi vì mọi hành vi trên internet đều để lại dấu vết.
“Trăm năm bia đá thì mòn - Ngàn năm bia mạng vẫn còn trơ trơ”. Microsoft chắc chắn có đầy đủ chứng cứ và số liệu khách quan cho việc xếp hạng của mình. Vậy thay vì tìm cách phản bác lại Microsoft, tốt hơn là nên cải thiện văn hóa mạng của chúng ta.
Trong bối cảnh như vậy, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ TT&TT ban hành rất kịp thời. Đây là lần đầu tiên một Bộ quy tắc như vậy được ban hành. Nó hết sức ngắn gọn và mạch lạc.
Ngoài những quy tắc ứng xử chung, chuẩn mực được đề ra cho 4 nhóm đối tượng (các tổ chức, cá nhân thuộc xã hội dân sự; cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan Nhà nước; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội).
Quy tắc ứng xử chung là tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm.
Đối với tổ chức, cá nhân thuộc xã hội dân sự, một trong những quy tắc đáng được lưu ý là sử dụng họ, tên thật của cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức. Họ tên thật, tên hiệu thật gắn với trách nhiệm thật.
Chính chế độ trách nhiệm (trách nhiệm dân sự, hình sự và đạo đức) sẽ là yếu tố điều chỉnh hành vi hết sức quan trọng. Trước khi chửi bới, thóa mạ người khác, ai cũng sẽ phải cân nhắc xem hậu quả sẽ như thế nào.
Xuất hiện trên mạng với nickname để tung tin giả cũng giống như “ném đá giấu tay”. Sở dĩ anh cả gan “ném đá”, vì anh có thể “giấu tay”!
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, quy tắc đáng lưu ý là ‘thông báo tới cơ quan chủ quản khi có ý kiến, thông tin trái chiều”. Trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến, thông tin trái chiều được đăng tải tràn lan trên mạng, thế nhưng những cơ quan công quyền có liên quan gần như không có phản ứng gì. Điều này làm cho việc lan truyền những ý kiến, thông tin như vậy càng trở nên tràn lan hơn.
Có thể, nhiều thành viên của các cơ quan này đều đọc được những ý kiến, thông tin như vậy. Vấn đề là họ không cảm thấy có trách nhiệm phải báo cáo lại cho cơ quan mình được biết. Với Bộ quy tắc này, tình trạng đó sẽ được cải thiện.
Đối với các cơ quan Nhà nước, quy tắc đáng lưu ý là “phản hồi ý kiến trên mạng xã hội liên quan đến cơ quan, tổ chức”. Đây là một quy tắc quan trọng, giúp cho các cơ quan Nhà nước có ý thức và chính thức tổ chức lực lượng để tiến hành công việc này.
Quả thực, nhiều khi ý kiến trên mạng xã hội phản ánh một vấn đề mà cơ quan Nhà nước có liên quan đang tìm cách giải quyết. Nhưng do thiếu thông tin, nhiều người đã chia sẻ ý kiến đó và bình luận theo hướng phê phán một cách không công bằng.
Việc phản hồi trong trường hợp này rõ ràng rất cần thiết. Và chiến lược truyền thông mạng phải là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành rõ ràng không phải là một văn bản quy phạm pháp luật. Sẽ không có các chế tài của Nhà nước cho việc vi phạm các quy tắc này.
Tuy nhiên, đây là các chuẩn mực hành vi không thể thiếu để người Việt Nam chúng ta có được một “cuộc sống mạng” lành mạnh, văn minh và an toàn. Điều này cũng góp phần cải thiện thứ hạng văn minh internet của người Việt Nam trên thế giới.
Nhà nước không áp dụng chế tài đối với việc vi phạm các quy tắc ứng xử trên mạng, nhưng xã hội hoàn toàn có thể áp dụng các chế tài của mình. Phê bình, tẩy chay là một số trong những chế tài như vậy.