Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. |
Trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, ngày 7/5/1968, ông Hà Văn Lâu, phó đoàn Đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã đến sân bay Orly, Paris để chuẩn bị cho đoàn chính thức. Đi cùng có ông Nguyễn Minh Vỹ, lúc đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin được cử làm cố vấn cho đoàn (sau này ông Vỹ được phân công làm phó đoàn). Ngày 9 tháng 5 năm 1968, đoàn chính thức do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu đến sân bay Bourget, Paris. Trong những ngày đầu, đoàn ở tại khách sạn Lutétia nằm trên Đại lộ Raspail, trung tâm Paris. Sau đó nhờ có sự giúp đỡ của Lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, đoàn đã chuyển đến ở tại Trường đào tạo cán bộ Đảng của Trung ương Đảng cộng sản Pháp hay còn gọi là Trường Đảng Maurice Thorez, ở thị trấn Choisy-le-roi, ngoại ô Paris cho đến khi kết thúc cuộc đàm phán.
Hai giai đoạn của cuộc đàm phán
Cuộc đàm phán Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 16 ngày là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam với 202 phiên họp công khai diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber từ ngày 13/5/1968 đến ngày 27/1/1973 và 36 phiên gặp riêng cấp cao tại nhiều địa điểm khác nhau ở Paris. Cuộc đàm phán được chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất từ ngày 13/5/1968 đến hết tháng 10/1968 gồm 28 phiên họp công khai là cuộc đàm phán hai bên giữa đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn và đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị làm Cố vấn đặc biệt và đoàn đám phán Chính phủ Hoa Kỳ do Đại sứ Harriman làm trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có 12 cuộc gặp riêng cấp cao và nhiều cuộc tiếp xúc hoặc gặp riêng ở các cấp khác. Giai đoạn này chủ yếu bàn về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện miền Bắc.
Giai đoạn thứ hai từ ngày 25/1/1969 đến ngày 27/1/1973 là cuộc đàm phán 4 bên. Phiên khai mạc diễn ra ngày 25/1/1969 gồm các đoàn đàm phán Chính phủ VNDCCH do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm làm Trưởng đoàn, đoàn Chính phủ Hoa Kỳ do Đại sứ Cabot Lodge làm Trưởng đoàn và đoàn Chính quyền Sài Gòn do Đại sứ Phạm Đăng Lâm làm Trưởng đoàn. Đến ngày 10/6/1969, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chuyển thành đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình làm Trưởng đoàn. Giai đoạn này có 174 phiên họp công khai và 24 đợt đàm phán bí mật cấp cao do hai cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger trực tiếp thương thuyết.
Đợt đàm phán có ý nghĩa quyết định nhất trong giai đoạn hai diễn ra trong tháng 10 năm 1972 khi đoàn VNDCCH đưa ra Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”. Sau 12 ngày đàm phán, ngày 20/10/1972, hai bên đã hoàn thành cơ bản dự thảo văn bản Hiệp định và nhất trí sẽ ký chính thức vào ngày 31/10/1972. Tuy nhiên, sau đó Chính quyền Nixon đã lật lọng, ngừng đàm phán, triển khai chiến dịch Linebacker II dùng B52 tấn công Hà Nội và nhiều thành phố lớn tại miền Bắc Việt Nam, dùng thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. Sau thất bại của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc, hai bên đã quay trở lại đàm phán và đợt gặp riêng cuối cùng diễn ra từ ngày 6 đến 13/1/1973. Ngày 13/1/1973 các bên thông qua lần cuối dự thảo văn bản hiệp định và các nghị định thư. Ngày 23/1/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đại diện VNDCCH và Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger, đã ký tắt Hiệp định.
Ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh, đại diện cho VNDCCH, Nguyễn Thị Bình, đại diện cho CMLTCHMNVN, Williams Rogers, đại diện cho Hoa Kỳ và Trần Văn Lắm, đại diện cho VNCH đã chính thức ký Hiệp định Paris và các Nghị định thư liên quan.
Hiệp định Paris là một tổng thể bao gồm Hiệp định, 4 Nghị định thư, 8 bản Hiểu biết (Understanding), Định ước quốc tế, Tuyên bố chung và các văn thư trao đổi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Ý nghĩa của Hiệp định
Theo ông Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn chuyên viên tại Hội nghị Paris về Việt Nam
“Hiệp định Paris 1973 có ý nghĩa rất to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Việc thực hiện Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam tháng Tư 1975 và công cuộc thống nhất đất nước.
Hiệp định Paris đã:
-Ghi nhận cam kết của Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
-Quy định việc Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam và Đông Dương trong khi quân đội của miền Bắc Việt Nam tiếp tục ở lại miền Nam Việt Nam.
-Công nhận ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, có hai lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát hai vùng lãnh thổ khác nhau ở miền Nam Việt Nam.
Việc thi hành Hiệp định Paris 1973 làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam Việt Nam có lợi cho cách mạng, củng cố lực lượng của cách mạng, làm cho chính quyền thân Mỹ ở miền Nam mất chỗ dựa, suy yếu về chính trị vì trên thực tế, Mỹ không còn công nhận ngụy quyền là chính quyền duy nhất đại diện cho Nam Việt Nam”.
Bộ Ngoại giao, Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia -2004 tr 398-399.
Con số 13 là con số người châu Âu thường kiêng kỵ nhưng nó lại có những dấu ấn đặc biệt đối với Hội nghị Paris: - Chính Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa III) tháng Giêng năm 1967 đã đề ra kế sách “vừa đánh vừa đàm” - Hội nghị khai mạc ngày 13/5/1968 - Dự thảo Hiệp định được hoàn tất ngày 13/1/1973 |