Toan tính nước lớn
Belarus không lớn, không đông, không giàu (dân số, diện tích, GDP đều xếp thứ tự hơn 80-90/197 nước), nhưng vẫn có một vị trí trong chính sách, chiến lược của Nga, Mỹ và phương Tây.
Belarus là một trong vài nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây còn duy trì quan hệ gần gũi với Nga, phụ thuộc về kinh tế, nguồn cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu từ Nga.
Đã có nhiều nước sát biên giới với Nga, từng là thành viên của Liên Xô, của khối Warsaw trước đây, thay đổi chế độ chính trị, đã hoặc có nguyện vọng gia nhập EU, NATO.
Nga không muốn Belarus đi theo hướng đó, làm mất vùng đệm khu vực biên giới phía Tây của Nga, ngăn chặn ảnh hưởng từ NATO.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko còn dùng quan hệ với Mỹ và phương Tây để mặc cả, đặt điều kiện với Nga. Trong ảnh, ông Lukashenko chào đón người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thủ đô Minsk ngày 30/11/2017. (Nguồn: AFP) |
Mỹ và phương Tây vừa lôi kéo Tổng thống Alexander Lukashenko khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, vừa muốn lật ông để dựng lên một chính quyền ngả hẳn về phương Tây, áp sát Nga từ mọi hướng.
Sau 26 năm tại vị, Tổng thống Alexander Lukashenko đủ trình để nhận ra ý đồ của các nước lớn và muốn tranh thủ cả hai bên, nâng giá trị của mình.
Trước bầu cử không lâu, ông Alexander Lukashenko tố cáo Nga có ý đồ biến Belarus thành chư hầu và can thiệp vào bầu cử, như muốn bắn tín hiệu cho phương Tây về sự rạn nứt trong quan hệ Minsk - Moscow.
Cuối tháng 8/2019, trong cuộc gặp gỡ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Tổng thống Alexander Lukashenko bày tỏ mong muốn mở ra chương mới trong quan hệ hai nước.
Mỹ lập tức có cử chỉ đáp lại. Ngày 17/9/2019, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ David Hale khẳng định Washington chuẩn bị trao đổi đại sứ (dự kiến đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Julie Fisher) sau 12 năm gián đoạn vì sự kiện trục xuất sứ quán năm 2008.
Tháng 2/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo có chuyến thăm Belarus đầu tiên trong 25 năm trở lại đây.
Tin liên quan |
Tình hình Belarus: Ba yếu tố 'mồi lửa' |
Quan hệ Belarus-Mỹ dường như “nồng ấm” trở lại thì quan hệ Belarus-Nga lại có vẻ căng thẳng?
Các nước lớn chơi “ván bài Belarus” nhưng Tổng thống Alexander Lukashenko lại nghĩ mình là người chơi bài!
Quân cờ xung kích
Mỹ và phương Tây thông qua các nước láng giềng, nhất là Ba Lan để hỗ trợ lực lượng đối lập ở Belarus. Ba Lan, thành viên hăng hái ủng hộ EU, NATO Đông tiến; vừa ký thỏa thuận quốc phòng, tăng số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây lên 5.500 người và chi 134,79 triệu USD mỗi năm cho việc duy trì lực lượng này.
Ngoài thực hiện sứ mệnh của NATO, Ba Lan còn có lý do riêng. Trong lịch sử, giữa Ba Lan và Liên Xô đã có nhiều mâu thuẫn, xung đột, từng xảy ra chiến tranh năm 1921. Sau đó, biên giới Ba Lan bị thay đổi, chia cắt một số vùng.
Ba Lan hăng hái muốn lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko, gây bất ổn ở Belarus hòng đòi lại các vùng biên giới của Belarus, vốn là lãnh thổ thuộc Ba Lan từ những năm 1919 đến 1939.
Sâu xa hơn, họ còn lo ngại sự liên kết giữa Tổng thống Alexander Lukashenko với Nga sẽ ảnh hưởng đến Ba Lan.
Ba Lan trở thành quân cờ xung kích chống Nga và Belarus, đứng đầu trong các nước ủng hộ “Belarus tự do”. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố: Warsaw có trách nhiệm với các nước láng giềng gần gũi!
Ông mời bà Svetlana Tikhanovskaya, lãnh đạo phe đối lập Belarus sang thăm, công khai cùng các nước Latvia, Litva hỗ trợ lực lượng đối lập tiến hành “cách mạng màu” ở Belarus.
Con bài phản đối bầu cử
Các nước lớn chơi “ván bài Belarus” nhưng Tổng thống Alexander Lukashenko lại nghĩ mình là người chơi bài! |
Như một nước cờ được lập trình, Mỹ và EU không cử quan sát viên theo dõi bầu cử ở Belarus.
Ngay khi công bố ông Alexander Lukashenko thắng cử, Mỹ và EU lập tức tuyên bố không công nhận kết quả, lên án bầu cử không tự do, công bằng, nhưng cũng không đồng ý kiểm phiếu lại có sự giám sát, sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt Belarus nếu ông Alexander Lukashenko làm Tổng thống.
Và cũng lập tức nổ ra các cuộc biều tình do các nhân vật đối lập tổ chức với nhiều ngàn người phản đối bầu cử, đòi ông Alexander Lukashenko từ chức. Đoàn biểu tình đụng độ với cảnh sát, bao vây các cơ quan chính phủ.
Ông Lukashenko phải đến dinh tổng thống bằng máy bay trực thăng với khẩu súng trong tay (chuyện này gợi lại hình ảnh Tổng thống Chile Salvador Allende cầm súng chiến đấu chống lại đảo chính của quân đội năm 1973).
Lực lượng cảnh sát chống bạo động (OMON) của Belarus phải sử dụng biện pháp mạnh, tạo cớ cho Mỹ và EU tố cáo ông Alexander Lukashenko đàn áp biểu tình dân chủ! Tình hình Belarus vẫn hết sức căng thẳng, chưa có lối ra.
Những điều đọng lại
Tình hình phức tạp ở Belarus trước hết từ bất ổn bên trong. Ông Alexander Lukashenko giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử ngày 9/8/2020, nhưng chính phủ do ông cầm đầu dần đánh mất sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng.
Lực lượng đối lập rút kinh nghiệm các lần thất bại trước, có điều chỉnh tập hợp lực lượng, chiến lược hành động, khoét sâu khó khăn kinh tế, xã hội, kích động tâm lý muốn thay đổi sau 26 năm cầm quyền của ông Alexander Lukashenko, ngả về phương Tây.
Mỹ và EU hình thành một mặt trận không công nhận kết quả bầu cử tổng thống, phản đối đàn áp biểu tình, áp đặt lệnh cấm vận, gia tăng sức ép buộc Tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức, dựng lên chính quyền đối lập thân phương Tây.
Lực lượng đối lập chất vấn, Tổng thống Alexander Lukashenko cầm quyền lâu rồi, luôn nói hành động vì lợi ích đất nước, nhân dân thì hãy từ chức, chuyển giao chính quyền một cách hòa bình!
Ông Alexander Lukashenko thừa hiểu từ chức sẽ phải sống cuộc đời lưu vong, nếu không muốn bị xử tù như các tổng thống bị lật đổ khác.
Sau nhiều giờ thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, ngày 2/10 tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Alexander Lukashenko cũng muốn xích lại gần Mỹ và phương Tây, theo xu thế đa dạng hóa quan hệ quốc tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Ông còn dùng quan hệ với Mỹ và phương Tây để mặc cả, đặt điều kiện với Nga.
Nhưng trước sức ép chưa từng có từ các cuộc biểu tình bạo loạn của lực lượng đối lập và từ bên ngoài, ông không còn chỗ dựa nào hơn là kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của Nga.
Nhưng ngay cả khi cầu cứu Nga, ông Alexander Lukashenko cũng không quên “nhắc khéo trách nhiệm” của Nga: sau Minsk sẽ đến lượt Moscow!
Một số nhà nghiên cứu quốc tế nhận xét Tổng thống Alexander Lukashenko là người khó đoán định, “bắt cá hai tay”, không làm hài lòng cả Nga và Mỹ.
Các cuộc biểu tình phản đối bầu cử ở Minsk lôi kéo hàng ngàn người tham gia, với danh xưng là “trưng cầu dân ý” trên đường phố, nhưng cũng không thể khẳng định đó là ý chí của nhân dân. Về cơ bản, vẫn là sự đối đầu giữa các lực lượng chính trị.
Trong những ngày tới, Belarus tiếp tục căng thẳng hay tạm dẹp được biểu tình, hay có một thỏa thuận tạm thời, tiến tới một cuộc bầu cử khác theo dàn xếp, “trung gian hòa giải” của các nước lớn?
Tổng thống Alexander Lukashenko có trụ vững như những lần bầu cử trước hay rơi vào tình cảnh phải tự vẫn như Tổng thống Chile Salvador Allende năm 1973, phải chạy sang Nga như Tổng thống Ukraine Yanukovuch bị lật đổ năm 2014 hay phải chiến đấu như Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện nay?
Hiện chưa có câu trả lời chắc chắn.
Dù thế nào thì kết cục cũng không hoàn toàn do Tổng thống Alexander Lukashenko quyết định. Tỷ lệ phiếu bầu cao nhưng sức mạnh từ sự ủng hộ của nhân dân đang bị phân tán.
Tổng thống Alexander Lukasenko khó có con bài nào khác ngoài dựa vào Nga.
Có điều, dựa vào bên ngoài để bảo vệ quyền lực là đánh mất độc lập, tự chủ, không bền vững, thậm chí có thể đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến. Khó cho ông Alexander Lukashenko.
(còn tiếp)
| Tình hình Belarus: Belarus tung đòn trả đũa các lệnh trừng phạt của EU TGVN. Belarus đã công bố các biện pháp trả đũa Liên minh châu Âu (EU) sau khi EU tuyên bố trừng phạt các quan chức ... |
| EU thông qua trừng phạt Minsk, lý do Ukraine triệu quan chức ngoại giao Belarus TGVN. Ngày 2/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt do cuộc khủng hoảng chính ... |
| Tin thế giới 23/9: Mỹ-Trung đối đầu 'không nể nang'; Tổng thống Belarus tuyên thệ giữa 'bão'; Nhật Bản đem vấn đề Biển Đông đến châu Âu TGVN. Mỹ-Trung đối đầu căng thẳng ở LHQ, tình hình Belarus, Biển Đông, 'biến' trên chính trường Malaysia, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc và danh ... |