Mỹ, EU cùng một số nước bắt đầu công bố các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tình hình ở Ukraine. (Nguồn: 112 UA) |
Ông Biden tuyên bố trong phát biểu từ Nhà Trắng rằng, chính quyền của ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai tổ chức tài chính của Nga, gồm Ngân hàng VEB và Ngân hàng quân sự của nước này.
Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nợ công của Nga và 3 cá nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Mỹ giải thích, biện pháp này đồng nghĩa với việc "ngăn chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính của phương Tây. Moscow sẽ không thể huy động tiền từ phương Tây và cũng không thể giao dịch khoản nợ mới của mình trên thị trường Mỹ hoặc thị trường châu Âu".
Trong khi đó, ngày 23/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì các hành động của Moscow ở Ukraine.
Một trong số các biện pháp trừng phạt là cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật Bản và đóng băng tài sản của một số cá nhân người Nga.
Thủ tướng Kishida cho biết, ông không nhận thấy tác động đáng kể đối với nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn từ tình hình hiện tại và nhấn mạnh Tokyo sẽ xem xét thực hiện các bước tiếp theo nếu tình hình xấu đi.
Trước đó, Anh cũng thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt với 5 ngân hàng Rossiayaz Bank, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank.
Bên cạnh đó, các "cá nhân có giá trị ròng rất cao" của Nga có tên Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg, cũng nằm trong danh sách trừng phạt, sẽ bị đóng băng tài sản ở Anh và chịu lệnh cấm di chuyển tới Anh.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào 351 nghị sĩ tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cùng 27 cá nhân và pháp nhân.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tiến hành cuộc điện đàm với ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khác và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU.
Tuyên bố của Đức - nước đang giữ chức Chủ tịch G7 - cho biết, tại cuộc điện đàm, các ngoại trưởng lên án mạnh mẽ việc Nga công nhận các khu vực Donetsk và Luhansk cũng như việc Nga quyết định đưa quân đội vào các khu vực này.
Trước tình hình này và dựa trên cuộc gặp ngày 19/2 tại Munich (Đức), các ngoại trưởng G7 đã chuẩn bị cho các bước tiếp theo, trong đó có mở rộng các biện pháp hạn chế nhằm đáp trả hành động của Nga.
Các ngoại trưởng G7 nhất trí phối hợp chặt chẽ trong vấn đề trên.
Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao hàng đầu G7 cũng tái khẳng định sự ủng hộ kiên định và cam kết của nhóm đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới được quốc tế công nhận.
G7 bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với chính phủ và người dân Ukraine.
| Căng thẳng Nga-Ukraine: EU hành động Ngày 22/2, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga ... |
| Tình hình Ukraine: Tổng thư ký LHQ lên tiếng, Syria tuyên bố ủng hộ Nga, NATO nói gì? Báo Thế giới & Việt Nam tiếp tục thông tin về phản ứng quốc tế sau khi Nga công nhận nền độc lập của hai ... |