Đó là quan điểm của nhà báo Nikola Mikovic, chuyên gia phân tích chính trị ở Serbia, trong bài báo đăng mới đây trên kênh tin tức tiếng Anh CGTN (Trung Quốc). Theo ông, trong bối cảnh bất ổn chiến lược toàn cầu, các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đặc biệt là các quốc gia Trung Á, đặt mục tiêu thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn và tăng cường hợp tác trong khối. Vào thời điểm xung đột và các mối đe dọa an ninh đang gia tăng, các nhà lãnh đạo khu vực được kỳ vọng sẽ nỗ lực đảm bảo hòa bình và phát triển ổn định ở khu vực Á-Âu.
Ngoại trưởng các nước thành viên SCO chụp ảnh trước cuộc họp ở Astana, Kazakhstan, ngày 21/5/2024. (Nguồn: CFP) |
Kinh tế và năng lượng
SCO không phải là một liên minh quân sự. Chuyên gia Nikola Mikovic khẳng định, khối này tìm cách duy trì sự ổn định trong khu vực và bảo vệ an ninh chung ở Á-Âu. Hội nghị thượng đỉnh Astana vào ngày 3-4/7 tới cũng sẽ là cơ hội để thảo luận về các vấn đề kinh tế và năng lượng.
Trên thực tế, kinh tế và năng lượng là những động lực chính trong chính sách đối ngoại của các nước Trung Á. Những chủ đề chính trong Tuần lễ Năng lượng Baku tại Azerbaijan vào đầu tháng Sáu là kết nối và “chính sách đường ống” (pipeline policy). Đối với Trung Á và Nam Caucasus, việc phát triển hơn nữa Middle Corridor - tuyến thương mại bắt đầu từ Đông Nam Á và Trung Quốc chạy qua Kazakhstan, Biển Caspian, Azerbaijan và Georgia – dường như là ưu tiên hàng đầu.
Gần đây nhất, ba thành viên của SCO là Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký thỏa thuận xây dựng hành lang đường sắt quan trọng. Nằm trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), động thái này nhằm tạo ra sự kết nối tốt hơn trong khu vực.
Bên cạnh kết nối giao thông, các quốc gia Trung Á đang nỗ lực tăng cường quan hệ năng lượng và đảm bảo quản lý bền vững tài nguyên nước ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Nội dung này cũng nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Quy trình xử lý nước Dushanbe (Dushanbe Water Process) ở Tajikistan từ ngày 10-13/6.
Hội nghị thượng đỉnh SCO sắp tới Astana, Kazakhstan dự kiến có sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước thành viên gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan và Iran. Ngoại trưởng S Jaishankar sẽ đại diện Ấn Độ tại Hội nghị. Ngoài ra, lãnh đạo các nước Belarus, Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, cũng như Tổng thư ký SCO và Giám đốc điều hành Hội đồng cơ cấu chống khủng bố của SCO tham dự Hội nghị. Tổng thư ký Liên hợp quốc và người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hội nghị về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) và Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo (IOFS) được mời tham dự sự kiện. |
Bình đẳng, đa phương và rộng mở
Các nhà lãnh đạo có thể sẽ tận dụng Hội nghị thượng đỉnh SCO sắp tới để thảo luận sâu hơn về những vấn đề này cũng như những diễn biến địa chính trị quan trọng. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự chia rẽ địa chính trị giữa Đông và Tây. Điều này chứng minh thực tế rằng SCO là một tổ chức phi phương Tây nhưng không phải là một nền tảng chống phương Tây.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực coi SCO là một khuôn khổ trong đó “sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng và hợp tác cùng có lợi” sẽ chiếm ưu thế hơn so với đối đầu và cạnh tranh. Theo Tổng thống Tokayev, SCO nên đấu tranh chống lại "ba thế lực xấu xa" là khủng bố, ly khai và cực đoan, trong khi đối với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, việc thông qua kế hoạch hợp tác kinh tế đến năm 2030 sẽ là nhiệm vụ chính của cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Điểm chung của tất cả các quốc gia thành viên là tham vọng tăng cường chủ nghĩa đa phương như một thành tố chính trong cấu trúc của SCO. Kazakhstan, nước giữ chức chủ tịch luân phiên SCO, đã đề xuất biến khối này thành một “cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả”.
Việc Belarus dự kiến gia nhập SCO tại Hội nghị thượng đỉnh Astana cho thấy rằng SCO - hiện chiếm hơn 60% diện tích lục địa Á-Âu và gần 50% dân số toàn cầu - đã mở rộng sang Đông Âu. Không loại trừ khả năng khối này sẽ tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, dù một số quốc gia châu Phi có nguyện vọng tham gia, song SCO hiện tại rất có thể sẽ vẫn tập trung vào không gian Á-Âu. Trong khi Afghanistan có tư cách quan sát viên tại SCO, Taliban cũng đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của khối này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Kazakhstan Marat Kozhayev cho biết, Sở cảnh sát Astana sẽ tăng cường các biện pháp an ninh trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh SCO - sự kiện chính trị rất quan trọng xét từ quan điểm địa chính trị. Khoảng 6.000 đến 8.000 cảnh sát sẽ được triển khai ở thành phố này. |
Kể từ khi được thành lập tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 15/6/2001, SCO trong những năm qua đã phát triển thành một chủ thể khu vực quan trọng ở khu vực Á-Âu. Theo nhà báo Nikola Mikovic, khối tích cực thúc đẩy hòa bình và đoàn kết thế giới, cũng như số hóa, bao gồm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử, hải quan điện tử, hậu cần điện tử và hành lang vận tải kỹ thuật số. Đồng thời, các Hội nghị thượng đỉnh SCO tạo không gian cho các nhà lãnh đạo tổ chức các cuộc tham vấn song phương.
Vì vậy, không chỉ có ý nghĩa đối với các cường quốc như Trung Quốc và Nga, Hội nghị thượng đỉnh SCO có tầm quan trọng không kém đối với cả các quốc gia Trung Á vốn đang tìm cách củng cố nền kinh tế và cải thiện vị thế địa chính trị. Chuyên gia Nikola Mikovic nhận định, để nâng cao vai trò của SCO trên trường toàn cầu, các quốc gia thành viên sẽ phải thực hiện nhiều dự án kinh tế chung lớn hơn.
| Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh SCO Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ thăm Trung Á từ ngày 29/6-7/7, với điểm dừng đầu tiên là Uzbekistan. |
| Chuyến thăm ‘phòng ngừa’ Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 8-9/7 nằm trong tính toán chiến lược của New Delhi khi mà cuộc ... |
| Chủ tịch Trung Quốc thăm 2 nước Trung Á, dự Hội nghị thượng đỉnh SCO Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30/6 thông báo Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, sẽ tham ... |
| Dự kiến sự kiện quốc tế nổi bật tuần từ ngày 1/7-7/7 Tổng thư ký Liên hợp quốc công du Trung Á, Hội nghị thượng đỉnh SCO, tổng tuyển cử ở Anh... là những sự kiện quốc ... |
| UNESCO xướng tên Seventeen là Đại sứ thiện chí cho giới trẻ Lần đầu tiên UNESCO bổ nhiệm Đại sứ thiện chí cho giới trẻ và Seventeen trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên được bổ nhiệm ... |