📞

Vì sao Mỹ không thể đơn độc đối đầu với Iran?

11:55 | 09/07/2019
Tờ Arab News nhận định, ngay cả khi theo đuổi chính sách “gây sức ép tối đa” nhằm vào Iran thì cuối cùng Mỹ vẫn sẽ không thể một mình đối đầu với Tehran.    
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran đang rơi vào thế bế tắc và chưa có lời giải phù hợp, Mỹ rất cần sự ủng hộ của châu Âu và cộng đồng quốc tế để đưa Tehran trở lại bàn đàm phán. (Nguồn: CNN)

Với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” mang đầy tính dân túy và theo chủ nghĩa biệt lập, ông Donald Trump đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo quan điểm của ông chủ Nhà Trắng khi mới nhậm chức cũng như một bộ phận lớn người dân Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang quan tâm đến thế giới nhiều hơn so với chính nước Mỹ và trật tự thế giới hiện nay đang “lợi dụng” nước Mỹ. Mỹ đang phải gánh phần lớn chi phí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời tài trợ 1/5 ngân sách cho Liên hợp quốc (LHQ).

Ông Trump cũng từng tuyên bố rằng sự can dự của Mỹ trong các cuộc xung đột ở Trung Đông đã tiêu tốn 7.000 tỷ USD và nước này không thu được một chút lợi ích nào. Hệ quả là, ông Trump theo đuổi một chương trình nghị sự theo khuynh hướng biệt lập.

Nước Mỹ từng không đơn độc

Giới quan sát cho rằng, phương châm “bài” châu Âu, chống NATO của ông Trump vô tình đã tạo ra những “kẻ thù” không cần thiết cho ông cũng như cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cần thấy rằng lịch sử đã chứng minh nước Mỹ có thể đạt được vị thế “cửa trên” trong nhiều vấn đề quốc tế một phần vì Mỹ không hề đơn độc.

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, liên minh xuyên Đại Tây Dương là cốt lõi của địa - chính trị toàn cầu. Những thắng lợi mà Mỹ thu được từ cuộc chiến là khi có các đồng minh châu Âu và LHQ đứng về phía họ. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất dưới sự ủng hộ của châu Âu và LHQ là một thành công lớn đối với Mỹ giai đoạn năm 1991 và đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ cho nước Mỹ sau thời điểm đó.

Ở chiều ngược lại, cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ hai năm 2003 không được LHQ và nhiều đồng minh châu Âu ủng hộ, đã trở thành một thảm họa lớn đối với Washington. Cuộc chiến tranh tại Iraq đã tiêu tốn của Mỹ hơn 800 tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn binh sĩ và hủy hoại hình ảnh nước Mỹ trên trường thế giới.

Trở lại câu chuyện với Iran, giới phân tích nhận định, nếu Mỹ muốn thành công trong việc kiềm chế Iran, thì Washington cũng không thể hành động đơn độc. Hơn hết, Mỹ cần sự hỗ trợ của châu Âu và sự ủng hộ của LHQ.

Cho đến nay, phong cách đối đầu trực diện của ông Trump đang tạo ra nhiều kẻ thù hơn năng lực đối phó của Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà không hề tham vấn các đối tác châu Âu. Bản thân các đồng minh châu Âu cũng đang cảm thấy không hài lòng với những động thái đầy bất ngờ của chính quyền Trump.

Giới phân tích cũng cho rằng, Tổng thống Trump cần cẩn trọng trong việc lựa chọn kẻ thù của mình, khi phương châm đối đầu của ông Trump đang quay lưng lại với châu Âu và rõ ràng điều đó sẽ không đem lại lợi ích cho ông.

Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels hồi giữa tháng Năm vừa qua để chia sẻ những thông tin tình báo về các mối đe dọa của Iran, các đối tác châu Âu lại bày tỏ sự quan ngại đến “vận mệnh” của thỏa thuận hạt nhân với Tehran hơn là các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh. Các nhà lãnh đạo hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Mỹ kiềm chế tối đa và tránh leo thang quân sự với Iran.

Gây sức ép bất thành

Chính sách gây sức ép của Mỹ, áp dụng đối với cả Iran và châu Âu, dường như đang đưa đến những hậu quả tiêu cực. Trong nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran, Chính phủ Đức, Pháp và Anh đã triển khai một phương tiện thanh toán đặc biệt có tên gọi Instex nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại giữa Iran và châu Âu và tìm cách giúp Iran giảm nhẹ tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trung Quốc và Nga cũng thể hiện lập trường ủng hộ Tehran, khi cả hai nước đều là đối tác thương mại của Iran và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Mỹ. Trong khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng nhằm cô lập Iran, nước Mỹ cũng đang đối mặt với tình trạng biệt lập của riêng mình.

Trong khi đó, Iran đang tỏ ra thiếu kiên nhẫn và trở nên bất chấp hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo này không hề nao núng trước lời đe dọa của ông Trump.

Trong diễn biến gần đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng Iran sẽ bắt đầu làm giàu uranium ở bất kỳ mức độ nào mà Tehran mong muốn, trong khi phía châu Âu đang phải chạy đua với thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Không cùng chí hướng

Rõ ràng, Mỹ cần bạn bè khi đối đầu với Iran, song châu Âu hiện không cùng chung chí hướng với Washington. Ngay khi Mỹ thông báo tăng cường lực lượng tới Trung Đông để đối phó với những mối đe dọa từ Iran, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini đã tuyên bố rằng châu Âu rất muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.

EU cảm thấy ngày càng xa cách khi Mỹ liên tục thực hiện các hành động đơn phương, như rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay thừa nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Bên cạnh đó, ông Trump đã thể hiện thái độ phớt lờ vai trò của NATO khi cho rằng liên minh quân sự này đã lỗi thời, đồng thời ủng hộ việc Anh rời khỏi EU.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran đang rơi vào thế bế tắc và chưa có lời giải phù hợp, Mỹ rất cần sự ủng hộ của châu Âu và cộng đồng quốc tế để đưa Tehran trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn của ông Trump dường như đã phản tác dụng.

Tờ Arab News nhận định, Tổng thống Trump nên trân trọng liên minh xuyên Đại Tây Dương với châu Âu, vì đó vốn là “xương sống” trong quyền lực tối cao mà Mỹ đã đạt được trong các vấn đề khu vực và thế giới, cũng như để đảm bảo giữ các đồng minh châu Âu đứng về phía Mỹ trong bất kỳ động thái nào chống lại Iran.

“Cho đến nay, Iran đã thành công trong việc chứng minh cho thế giới thấy họ là nạn nhân của các quyết định đơn phương và bất hợp lý của ông Trump. Điều đó càng cho thấy, Mỹ khó có thể ‘đơn đả độc đấu’ với Iran nếu không có sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu” – tờ Arab news cho hay.

(theo Arab news, TTXVN)