TIN LIÊN QUAN | |
Nga thất vọng với kết quả bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết INF | |
LHQ không xem xét dự thảo nghị quyết của Nga ủng hộ duy trì INF |
Theo AP, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF đã ký với Nga. Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 20/10 vừa qua.
Hiệp ước INF là gì?
Hiệp ước INF được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký ngày 8/12/1987 tại Washington và có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Sự kiện này góp phần xóa đi nghi ngại của Liên Xô và Mỹ về khả năng bên kia tiến hành đòn tấn công hạt nhân phủ đầu.
Một cuộc tấn công như vậy được thực hiện bằng tên lửa với độ chính xác cao trong phạm vi tầm ngắn và tầm trung, thời gian bay đến mục tiêu có thể chỉ chưa tới 10 phút.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) bắt tay với Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ngay sau khi ký Hiệp ước INF năm 1987. (Nguồn: AP) |
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhận định, việc ông Donald Trump quyết định rút khỏi INF với Nga đồng nghĩa tuyên bố về một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn chưa quá muộn để hóa giải những khác biệt giữa các bên qua đàm phán. Chia sẻ quan điểm trên tờ New York Times, cựu lãnh đạo Liên Xô cho rằng, Hiệp ước INF 1987 cũng như một loạt các Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) có vai trò làm giảm đáng kể vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Ông nói: “Vẫn còn quá nhiều vũ khí hạt nhân trên thế giới, nhưng các kho vũ khí của Mỹ và Nga bây giờ chỉ là một phần nhỏ so với thời Chiến tranh Lạnh. 85% các kho vũ khí này đã ngừng hoạt động và phần lớn bị phá hủy”. |
Lúc đó, sự hiểu biết chung về tên lửa tầm ngắn và tầm trung chưa thực sự phổ biến, song hai nước đều cảm nhận được sự cần thiết phải hủy bỏ các vũ khí như vậy để giảm căng thẳng quốc tế.
Sau đó, Mỹ và Liên Xô đã nhất trí lập ra một danh sách các loại tên lửa thông dụng nhất, xếp loại theo tầm bắn và tiến hành phá hủy một phần đáng kể lực lượng này. Theo INF, đến giữa năm 1991, Moscow đã phá hủy 1.846 hệ thống tên lửa, còn Washington phá hủy ít hơn - 1.000 hệ thống tên lửa.
Tuy nhiên, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby, hiện là chuyên gia phân tích quân sự và ngoại giao của CNN, giải thích rằng, INF không được thiết kế để giải quyết tất cả vấn đề giữa Mỹ và Liên Xô, mà là để đưa ra biện pháp nhằm ổn định chiến lược trên lục địa châu Âu. Vì vậy, ông cho rằng các đồng minh châu Âu bây giờ không ai mừng khi nghe tin Tổng thống Trump muốn Mỹ rút khỏi hiệp ước này.
Cái cớ để Mỹ “rảnh tay”
Hiệp ước INF là một thỏa thuận quan trọng của thời kỳ chiến tranh lạnh, bởi nó giúp bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu trước nguy cơ từ các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Song các nhà bình luận quốc tế cho rằng Washington từ lâu đã cảm thấy bị bó buộc bởi các điều khoản của Hiệp ước này.
Các báo cáo của Mỹ gần đây đều nhấn mạnh INF có nhiều dấu hiệu đổ vỡ. Cả Nga - Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước. Vì thế, việc Tổng thống Trump tuyên bố ý định rút khỏi INF là điều không quá bất ngờ.
Theo SCMP, việc rút khỏi INF có nghĩa là Mỹ có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung mặt đất. Theo đó, Chính quyền của Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng, Nga vi phạm INF, và cũng chỉ ra rằng, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Obama cũng không ít lần cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của INF.
Năm 2014, CNN đưa tin Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF, viện dẫn các vụ thử tên lửa hành trình từ năm 2008. Hồi cuối năm ngoái, báo chí Mỹ rộ tin về việc Nga phát triển tên lửa hành trình 9-M729, được cho là dành cho tổ hợp chiến thuật-cơ động Iskander-M (OTRK) và tầm bắn của nó ít nhất là 3.000km. Việc Nga không tuân thủ INF cũng được nêu trong Báo cáo tình hình hạt nhân gần đây nhất do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 2/2018. Theo đó, Nga “tiếp tục vi phạm một loạt hiệp ước và cam kết về kiểm soát vũ khí”. “Nói rộng hơn, Nga đang bác bỏ hoặc trốn tránh các nghĩa vụ và cam kết quốc tế dưới một loạt hiệp ước, và ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START)”, báo cáo nhấn mạnh.
Về phần mình, giới chức Nga khẳng định các cáo buộc trên chỉ là cái cớ để Mỹ “rảnh tay” triển khai các tham vọng của mình.
Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc Mỹ quyết định rút khỏi INF là mưu toan quay lại một thế giới đơn cực. Đây là hành động nguy hiểm, tác động tiêu cực đến ổn định chiến lược trên thế giới, tiếp theo việc vào năm 2001 Mỹ cũng đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước cắt giảm hệ thống phòng thủ chống tên lửa được ký giữa Mỹ và Liên Xô năm 1972.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Nga không vi phạm Hiệp ước INF. Ông cũng đồng thời tuyên bố nếu Washington tiếp tục có hành động vô trách nhiệm tương tự, Nga buộc phải có những biện pháp đáp trả, kể cả bằng quân sự.
Nói chung, các nhà bình luận chính trị của Nga cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ chỉ khiến Washington tự biến mình thành một đối tác không đáng tin cậy khi luôn hành động đơn phương và hầu như không cân nhắc đến lợi ích của các quốc gia khác.
Mặc dù ý định rút khỏi INF của Tổng thống Trump có vẻ như một đòn tấn công của Mỹ nhằm vào cựu đối thủ thời chiến tranh lạnh, nhưng Nga không phải là mục tiêu duy nhất của Nhà Trắng trong động thái này.
Tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Đức và một số đồng minh châu Âu kêu gọi Mỹ có nỗ lực phút chót nhằm thuyết phục Nga ngừng các hành động mà phương Tây cho là vi phạm INF, hoặc có thể cùng Moscow đàm phán lại INF với sự tham gia của Trung Quốc. Quan chức này nhấn mạnh các nước đồng minh châu Âu muốn chứng kiến nỗ lực cuối cùng nhằm tránh việc Mỹ rút khỏi INF, điều mà Nga mô tả sẽ khiến thế giới mất an toàn. |
“Biến số” Trung Quốc
Trong tuyên bố ngày 20/10 về ý định rút khỏi INF, Tổng thống Trump đã nhắc trực tiếp tới Trung Quốc: “Nếu Nga đang phát triển, Trung Quốc đang phát triển, còn chúng ta lại chịu bó buộc với thỏa thuận này thì không thể chấp nhận được. Trung Quốc không nằm trong INF. Họ cần phải trở thành một phần của thỏa thuận này”.
Giới chức chính quyền Mỹ tin rằng, INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi hơn vì Trung Quốc không tham gia vào cam kết cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của INF không cho phép Mỹ phát triển vũ khí mới.
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện năm 2017, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris nói rằng, khoảng 95% lực lượng tên lửa Trung Quốc sẽ vi phạm INF nếu Trung Quốc là một bên trong thỏa thuận. “Đây là sự thật rất quan trọng, vì Mỹ không có năng lực tương đương do chúng ta tuân thủ INF với Nga”.
Trao đổi với Sputnik, học giả Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cũng nhận định: “Biến số khó lường” thực sự trong toàn bộ chuyện này là Trung Quốc, bởi trong khi Mỹ tuân thủ INF và Nga khẳng định là mình tuân thủ INF, chắc chắn không vi phạm trên quy mô lớn, thì người Trung Quốc đang chế tạo chính những tên lửa tầm trung ấy, và chuyện này trở thành một vấn đề an ninh đối với Mỹ ở châu Á. Ông cho rằng Trung Quốc là nhân tố chính, mang ý nghĩa quyết định đối với việc tồn tại INF vì Trung Quốc hiện không phải là một phần của Hiệp ước này.
Tờ SCMP dẫn nhận định của giới chuyên gia quân sự nói thêm, việc rút khỏi INF với Nga bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo tờ báo này, Bắc Kinh không phải là thành viên của INF và đã đưa vào hoạt động những tên lửa mới, có tính sát thương cao hơn, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có tầm bắn tối đa 4.000km, mà Lầu Năm Góc nói là có thể đe dọa đến đất liền và các lực lượng trên biển của Mỹ ở xa như đảo Guam.
Cho đến nay, các giới chức Mỹ đều dựa vào những khả năng khác để đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ. Nhưng những người ủng hộ việc phản ứng bằng tên lửa mặt đất của Mỹ nói rằng rút khỏi INF là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng tên lửa mặt đất của nước này.
Tóm lại, nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, Washington sẽ rảnh tay để phát triển các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và triển khai ở các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Nhưng điều đó cũng sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua hạt nhân mới trên phạm vi toàn cầu.
Theo RT, ông Andrei Belousov, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã nói với các đồng nghiệp ở Liên hợp quốc: “Nếu không phải như thế thì tại sao Mỹ lại rút khỏi INF? Phải chăng, Mỹ muốn rút khỏi INF để rảnh tay xây dựng tiềm năng hạt nhân của mình, áp dụng một học thuyết hạt nhân mới làm suy giảm mức độ an toàn của nhân loại trước các loại vũ khí hạt nhân? Đây là một câu hỏi cho tất cả chúng ta”.
Mặc dù Hiệp ước INF đã giúp loại bỏ được hàng nghìn tên lửa có trong kho vũ khí của Nga và Mỹ, nhưng hai nước vẫn liên tiếp cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước này. Theo Mỹ, loại tên lửa 9-M729 mới của Nga nằm trong quy định cấm của INF và có khả năng tấn công châu Âu trong thời gian cực nhanh. Truyền thông phương Tây cho rằng, đây chính là phiên bản phóng từ trên bộ của tên lửa hành trình Kalibr-NK và đã được thử nghiệm thành công. Trong khi đó, Nga lại tố Mỹ vi phạm INF bằng việc lấy cớ triển khai hệ thống phòng không đến châu Âu, nhưng thực chất hệ thống này lại là có khả năng phóng các tên lửa hành trình tấn công Tomahawk. |
Tổng thống Mỹ: Trung Quốc nên tham gia vào hiệp ước INF Ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc nên trở thành một phần trong hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung ... |
Nga: Mỹ chưa đưa ra hành động cụ thể nào về việc rút khỏi INF Ngày 22/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, nước này bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc của Mỹ cho rằng Moscow ... |
Tổng thống Pháp: Hiệp ước INF đặc biệt quan trọng đối với an ninh châu Âu Trong một tuyên bố, văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông Macron hôm 21/10 đã thảo luận với người đồng cấp ... |