Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự phiên tòa tại tòa án ở New York, ngày 29/5. (Nguồn: NY Times) |
Ngày 2/7, Thẩm phán tòa án New York đã hoãn tuyên án ông Donald Trump trong vụ chi tiền bịt miệng đến ngày 18/9, trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống chưa đầy 7 tuần.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết các tổng thống được hưởng quyền miễn tố khi thi hành công vụ.
Khả năng đảo ngược cáo trạng
Nhóm pháp lý của ông Trump đã trích dẫn quyết định của Tòa án Tối cao trong một lá thư gửi Thẩm phán Juan Merchan yêu cầu hoãn tuyên án, vốn theo kế hoạch sẽ diễn ra ngày 11/7.
Nhóm luật sư đại diện cho Trump lập luận rằng, họ cần thời gian để củng cố hồ sơ vụ án, qua đó nhắm đến đảo ngược toàn bộ cáo trạng 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy các khoản tiền “bịt miệng” một nữ diễn viên phim người lớn.
Các công tố viên thuộc văn phòng công tố quận Manhattan cho rằng, lập luận của phía ông Trump là “không có căn cứ”, nhưng đồng ý hoãn tuyên án để cựu Tổng thống có cơ hội đưa ra lập luận của mình.
Ông Merchan cho biết, việc tuyên án sẽ được hoãn ít nhất cho đến ngày 18/9, chưa đến hai tháng trước cuộc bầu cử ngày 5/11.
Các công tố viên cáo buộc ông Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu số tiền 130.000 USD mà cựu luật sư Michael Cohen đã thanh toán cho nữ diên viên phim người lớn Stormy Daniels để đổi lấy sự im lặng của bà về mối quan hệ ngoài hôn nhân giữa bà và ông Trump hồi năm 2006. Họ đã liên kết các khoản thanh toán với một kế hoạch rộng hơn nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trong thư gửi Thẩm phán Mercan, nhóm luật sư của ông Trump lập luận rằng, trong phiên tòa, các công tố viên đã đưa ra bằng chứng liên quan đến các hành động chính thức của ông Trump với tư cách là tổng thống, bao gồm các bài đăng trên mạng xã hội và các cuộc trò chuyện mà ông đã thực hiện khi còn ở Nhà Trắng. Nhóm luật sư nhận định rằng, đáng lẽ bằng chứng đó phải được bảo vệ theo quyền miễn trừ của tổng thống theo phán quyết ngày 1/7 của Tòa án Tối cao.
Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ, tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối với mọi hành động công vụ trong khuôn khổ các quyền lực hiến định. Những bằng chứng liên quan đến hành động công vụ của tổng thống cũng không được phép sử dụng trước tòa.
Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ vẫn có thể bị truy tố đối với sai phạm pháp luật nếu đó là hành động trên tư cách cá nhân. Phán quyết không đặt ra cách phân biệt giữa hành động công vụ và hành động cá nhân của tổng thống, mà giao việc này cho tòa án cấp thấp hơn.
Phán quyết theo đa số (6 phiếu thuận và 3 phiếu chống) của bồi thẩm phán xác định các tổng thống có “quyền miễn trừ tuyệt đối” khỏi trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ hành động nào trong “quyền hiến định cốt lõi” của họ. Đa số ý kiến cho rằng, bằng chứng liên quan đến những hành động chính thức đó cũng có thể không được đưa ra tại phiên tòa.
Tuy nhiên, phán quyết đã bị 3 thẩm phán theo khuynh hướng tự do của tòa án chỉ trích, cho rằng các tổng thống vẫn có thể bị truy tố vì những hành động ngoài quyền hạn đó.
Thể hiện sự bất đồng quan điểm của mình, Thẩm phán Sonia Sotomayor cảnh báo quyết định này đã “bật đèn xanh” cho “những kịch bản ác mộng”, bao gồm cả khả năng miễn trừ tội ám sát.
Thẩm phán Sonia Sotomayor bày tỏ quan điểm: “Đối với bất kỳ hành động sử dụng quyền lực chính thức nào, tổng thống giờ đây là một vị vua đứng trên pháp luật”.
Tin vui của ông Trump
Phán quyết của Tòa án Tối cao là tin vui dành cho ông Trump, người phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự bổ sung.
Đây được cho là tranh luận pháp lý gây khó khăn nhất trong vụ án chính liên quan nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 sau thất bại trước đương kim Tổng thống Joe Biden.
Phán quyết này cũng có thể ảnh hưởng tới phiên tòa cấp bang ở Georgia liên quan đến nỗ lực gây áp lực buộc các quan chức bang này thay đổi kết quả kiểm phiếu năm 2020 và phiên tòa liên bang thứ hai liên quan việc ông Trump bị cáo buộc lưu trữ các tài liệu mật của Nhà Trắng tại tư dinh ở Florida.
Mặc dù vậy, phiên tòa ở New York liên quan đến vụ chi tiền bịt miêng là phiên tòa duy nhất dự kiến kết thúc trước cuộc bầu cử 2024 và kết quả của phiên tòa này có thể sẽ tác động không nhỏ tới quyết định cuối cùng của cử tri.
Tuy phán quyết có tội ban đầu không tạo sự thay đổi lớn trong việc ủng hộ ông Trump, nhưng các nhà phân tích cảnh báo, một bản án khắt khe có thể khiến ứng viên đảng Cộng hòa mất đi sự ủng hộ từ một số cử tri.
Phán quyết của Thẩm phán Mercan được đưa ra 5 ngày sau khi Tổng thống Biden có màn thể hiện không tốt trong cuộc tranh luận đầu tiên với ông Trump.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, ông Biden sẽ có cuộc phỏng vấn đầu tiên sau cuộc tranh luận với ABC News vào ngày 5/7 và sẽ tổ chức một cuộc họp báo trong hội nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần tới. Đồng thời, bà Karine Jean-Pierre cũng khẳng định, ông Biden không có ý định bỏ cuộc đua.
| Bầu cử Mỹ 2024: Tổng thống Biden có đứng vững trước 'bão' dư luận? Đảng Dân chủ đã có động thái mới sau dư luận tiêu cực về cuộc tranh luận giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Croatia: Hướng tới tương lai ngập tràn cơ hội hợp tác và phát triển cùng Việt Nam Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman đánh giá, quan hệ Croatia-Việt Nam đã trải qua ba thập ... |
| Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo: Mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Croatia Theo Đại sứ Việt Nam tại Hungary kiêm nhiệm Croatia Nguyễn Thị Bích Thảo, 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là dấu mốc ... |
| Phản ứng của Mỹ sau khi Tổng thống Venezuela tuyên bố chấp thuận nối lại đàm phán Chính quyền Mỹ ngày 2/7 tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Venezuela, song từ chối đi sâu chi tiết về cam kết ngoại giao ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Nghị sĩ Dân chủ đầu tiên kêu gọi ông Biden rút lui, ngày càng nhiều lo lắng xuất hiện, động thái của ông chủ Nhà Trắng? Ngày 2/7, Hạ nghị sĩ Mỹ Lloyd Doggett đã trở thành nhà lập pháp đầu tiên thuộc đảng Dân chủ công khai kêu gọi Tổng ... |