Thứ trưởng Hà Kim Ngọc tiếp bà Mary Robinson, Đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề El Nino và Khí hậu. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) và cá nhân bà Mary Robinson trong việc thúc đẩy các nỗ lực hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất lịch sử trong gần 100 năm trở lại đây tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã cho thấy những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí đến nhanh và ngoài dự báo đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đến phát triển kinh tế - xã hội và thực sự trở thành thách thức phi truyền thống lớn đối với Việt Nam.
Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam quyết tâm nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến môi trường, khí hậu; Khung hành động Sendai về giảm rủi ro thiên tai và Thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu.
Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 25% tổng sản lượng phát thải khí nhà kính nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế và 8% nếu bằng nguồn lực trong nước. “Đây là sự nỗ lực lớn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng nói.
Cảm ơn LHQ đã hỗ trợ Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả của đợt thiên tai nghiêm trọng trong thời gian qua, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc mong muốn, LHQ tiếp tục là cầu nối và giúp huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về tài chính, nâng cao năng lực, phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong các hoạt động về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, bà Mary Robinson chia sẻ những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bà Mary Robinson cho biết, bà đã tham gia buổi đối thoại “Biến đổi khí hậu và các lựa chọn năng lượng sạch tại Việt Nam” tại Hà Nội. Bà đã có buổi nói chuyện với người dân và nhiều người đã nói rằng, họ đã bị thất thu từ vụ mùa vừa qua do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và họ đang phải đi vay lãi để nuôi sống gia đình. Cộng đồng người dân ven biển thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế. Đây là những tác động rõ nét của biến đổi khí hậu đối với các tầng lớp dân cư.
Việt Nam là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đứng thứ bảy trong Báo cáo về Chỉ số Rủi ro khí hậu Toàn cầu được công bố năm 2015, theo đánh giá những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra trong giai đoạn 1994-2013. Với phần lớn dân số hiện đang sinh sống tại các lưu vực sông trũng và thấp và các vùng bờ biển, dự kiến có hơn 70% dân số Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Bà Mary Robinson cũng cảnh báo, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước sẽ phải thường xuyên đối mặt thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan trong thời gian tới.
Bà Robinson (người Ireland) hiện là Chủ tịch Quỹ Mary Robinson - Climate Justice. Bà từng là Cao ủy Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền và là đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Vùng hồ lớn (Great Lakes Region) của châu Phi. Ngày 20/5/2016, bà Mary Robinson cùng ông Macharia Kamau - người Kenya, đã được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cử làm đặc phái viên phụ trách vấn đề El Nino và khí hậu.
Các đặc phái viên có trách nhiệm theo dõi sát sao diễn biến của hiện tượng thời tiết El Nino và các vấn đề về khí hậu nói chung, ban bố tình trạng báo động nếu cần thiết, và đưa ra những chỉ đạo nhằm đối phó với các thách thức này.
El Nino là hiện hượng thời tiết đặc biệt với sự xuất hiện của dòng hải lưu nóng bất thường trên Thái Bình Dương. El Nino xảy ra theo chu kỳ từ 2-7 năm với cường độ khác nhau. Trong năm nay, El Nino được dự báo xảy ra tại các khu vực đang chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. |