Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai phát biểu tại Phiên họp, ngày 6/7. (Ảnh: Bảo Chi) |
Trong bài phát biểu khai mạc Phiên họp, đại diện Chính phủ Nhật bản đã nhấn mạnh hơn quyết định của Chính phủ trong việc đóng một vai trò then chốt và dẫn dắt để xây dựng lại WTO tốt hơn hơn sau khủng khoảng của đại dịch Covid-19.
Tại Phiên họp lần này, Nhật Bản đã nhận được hơn 750 câu hỏi từ 32 Thành viên WTO (nhiều hơn 600 câu hỏi so với Phiên Rà soát lần thứ 13 năm 2017), và có phát biểu của khoảng 50 Thành viên WTO. Phiên họp Rà soát Chính sách thương mại của Nhật Bản tại WTO là cơ hội để các Thành viên WTO xem xét một cách chi tiết và toàn diện các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Nhật Bản, một trong những nền kinh tế hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới.
Phần lớn các Thành viên WTO đều đánh giá chính sách thương mại và đầu tư của Nhật Bản là mở cửa và minh bạch. Nhật bản là một trong những Thành viên có vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, đã và đang đóng góp, ủng hộ và bảo vệ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, củng cố vai trò của WTO.
Báo cáo của Ban Thư ký WTO và phát biểu của các Thành viên WTO thừa nhận, thời gian qua Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, là đối tác thương mại quan trọng và là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nhiều nước. Nhiều Thành viên bày tỏ đánh giá cao sự cần thiết và hiệu quả của các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước đang phát triển hoặc kém phát triển.
Ngoài ra, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến phát biểu cũng đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và rõ ràng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác, chia sẻ và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh các khía cạnh tích cực, tại Phiên họp nhiều Thành viên cũng chỉ ra rằng Nhật Bản vẫn áp dụng các hàng rào thương mại thuế quan thông qua việc áp dụng mức thuế cao, duy trì một biểu thuế khá phức tạp và trợ cấp trong nước trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm duy trì sự bảo hộ cho ngành sản xuất nông nghiệp nội địa, đồng thời cũng duy trì hàng rào phi thuế quan như các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), hạn ngạch thuế quan, cấm, hạn chế thương mại, yêu cầu giấy phép đối với hàng hóa nhập khẩu.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ Nhật Bản cần tiếp tục thúc đẩy cải tổ trong lĩnh vực nông nghiệp, các biện pháp SPS cần dựa trên những bằng chứng khoa học và không vượt quá mức cần thiết.
Đại diện các nước thành viên ASEAN đã có bài phát biểu chung, trong đó nhấn mạnh Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của ASEAN; ASEAN đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Nhật Bản trong việc củng cố vai trò của WTO, đưa ra và/hoặc tham gia các sáng kiến, đề xuất nhằm thúc đẩy việc đàm phán và xây dựng các quy tắc mới trong những lĩnh vực thương mại mới; đồng thời ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ cùng với Nhật Bản tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, minh bạch, mở và chia sẻ.
Đại diện Việt Nam tham dự Phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, WTO và các Tổ chức quốc tế khác ở Geneva, đã phát biểu chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN, đồng thời nêu rõ quan hệ thương mại, đầu tư tốt đẹp và ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản; nhấn mạnh Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong thập kỷ qua, hai nước đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện năm 2008, là hiệp định thương mại tự do toàn diện đầu tiên của Việt Nam.
Đại sứ cũng cho biết, Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) - các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Các Hiệp định này mở đường cho việc tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như các nước ASEAN khác, góp phần tăng cường đáng kể thương mại và đầu tư song phương, cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác như phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong nền kinh tế toàn cầu, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đối với Việt Nam; hoan nghênh Nhật Bản là một trong những Thành viên có vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tham gia tích cực và thúc đẩy các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư trong WTO và các diễn đàn như G7, G20, APEC và những cơ chế khu vực khác nhằm giải quyết những thách thức đối với thương mại toàn cầu.
Việt Nam hy vọng Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng ở khu vực và toàn cầu.
| Tổng Giám đốc WIPO đánh giá cao hợp tác với Việt Nam TGVN. Ngày 2/3, tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva, Thụy Sỹ, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng ... |
| Bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trong thời đại số và biến đổi khí hậu TGVN. Ngày 24/2, Khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) khai mạc tại trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy ... |
| Việt Nam tham dự Hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva TGVN. Trong các ngày 20-21/2, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva (Thụy Sỹ), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn ... |