Những tiến bộ trong lĩnh vực phát huy tiềm năng con người và việc mở rộng hợp tác với các công ty nước ngoài, triển vọng của ngành điện ảnh Việt Nam... là một số chủ đề liên quan đến Việt Nam trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong tuần này.
Việt Nam đang đứng ở vị thế dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng. Hãng Bloomberg đưa tin: Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), những năm gần đây, đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở cả khu vực công và khu vực tư nhân của Việt Nam vào khoảng 5,7% GDP, mức cao nhất ở Đông Nam Á. Theo Chính phủ, Việt Nam cần khoảng 480 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho cơ sở hạ tầng, trong đó có 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và khoảng 1.380 km đường cao tốc. Việt Nam đang đẩy nhanh kế hoạch thu hút thêm đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng, do ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tài chính.
Công trình Nhà máy thủy điện Lai Châu. (Nguồn: VGP) |
Trang thông tin ABS-CBN News dẫn số liệu của Liên hợp quốc cho biết Việt Nam vượt trước Philippines về mặt phát huy tiềm năng con người. Dù GDP bình quân đầu người của Philippines cao hơn, Việt Nam đã thành công trong việc giảm chênh lệch thu nhập. Trong năm 2014, tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ ở Philippines là 13,1%, trong khi ở Việt Nam chỉ số đó đã giảm xuống còn 3,1%.
Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa qua, hai bên đã ký kết thỏa thuận về thành lập hai khu công nghiệp mới ở Việt Nam, và mở chi nhánh của Ngân Hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore. Ngày 1/4, công ty Dentsu của Nhật Bản khai thác các công nghệ kỹ thuật số sẽ đưa vào hoạt động một công ty mới ở Việt Nam - Dentsu Techno Camp. Mục tiêu của Dentsu Techno Camp là phát triển các nhân sự tài năng trong khu vực ở các chuyên môn như trải nghiệm người dùng, thiết kế và lập trình. Còn công ty Waldon (A Welsh automotive company) sẽ mở tại TP. Hồ Chí Minh một công ty con. Họ có kế hoạch dài hạn về sản xuất phụ tùng ô tô và bán cho các nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp trên toàn thế giới.
Phim "Kong: Đảo Đầu lâu" được quay tại Ninh Bình và Vịnh Hạ Long của Việt Nam. (Nguồn: cảnh trong phim) |
Trong khi đó, tờ Nikkei Asian Review nhận xét người dân Việt Nam hy vọng rằng sự thành công của bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo Đầu lâu) sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và ngành điện ảnh trong nước. Các công ty du lịch đang bán tour du lịch đến các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, nơi đã quay bộ phim bom tấn Hollywood, còn các nhà làm phim địa phương muốn làm việc với các nhà điện ảnh Hollywood để có thêm nguồn thu nhập, cũng như để đào tạo nhân tài Việt Nam. Trước đây, các nhà điện ảnh nước ngoài rất khó để được nhận giấy phép quay phim ở Việt Nam, vì thế, các bộ phim về đất nước này đã được quay ở Philippines, Thái Lan và Campuchia.