TIN LIÊN QUAN | |
Biểu tượng sống của tình bạn Cuba - Việt Nam | |
Đại sứ Italy và tình yêu Việt Nam với “Vùng cách ly” |
Người viết bài này từng được gặp nhà thơ Việt Phương cách đây đã gần ba năm. Khi đó, Báo Thế giới & Việt Nam có nhiệm vụ chuẩn bị các bài viết cho ấn phẩm đặc biệt nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp định Geneva. Lý do để tôi được gặp nhà thơ sinh năm 1928 ấy là vì nhiệm vụ, nhưng cuộc gặp kéo dài ba giờ đồng hồ với ông và vợ ông - bà Trần Tú Lan có giá trị như một cuốn phim quay chậm về quãng thời gian vô cùng đẹp đẽ trong cuộc đời ông, khi ông làm thư ký cho Thủ tướng Phạm văn Đồng và thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Geneva năm 1954.
Cuộc trò chuyện về hiệp định lịch sử này giữa chúng tôi ngắt quãng nhiều lần bởi những ý kiến bổ sung của bà Trần Tú Lan, sự hài hước vô cùng tình cảm của nhà thơ Việt Phương dành cho người bạn đời của mình và cả những câu chuyện đời của ông bà... Tất cả những điều đó đã giúp tôi cảm nhận thêm được phần nào về nhân cách của nhà thơ mà từ lâu tôi đã kính trọng qua những tác phẩm của ông.
Ký ức đẹp ở Geneva
Cánh báo chí xin phỏng vấn Nhà thơ không dễ. Dường như ông không thích những gì hơi có tính phô trương, trái ngược với cái chất “chí sĩ Bắc Kỳ” của ông.
Khó là vậy, nhưng khi đã gặp được Việt Phương rồi lại thấy sự nhiệt tình của ông có thể nói là “hồn nhiên như con trẻ” – hay ít nhất là khi ông kể về những năm tháng theo cụ Đồng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) vào Nam ra Bắc, đi Tây về Đông: “Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Geneva đầu năm 1954. Thời đó, trong cách gọi Việt Minh và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của phương Tây thì chúng ta chỉ là “những con ma”. Ta chưa được công nhận quốc tế mà thế giới chỉ mới biết đến cái tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, họ gọi chúng ta là những bóng ma, là không có thật. Hôm đầu tiên Đoàn Việt Nam gặp Đoàn Pháp, hai Trưởng đoàn bắt tay nhau, ông Phạm Văn Đồng nói: "Hôm nay, con ma đến đây này", ông Việt Phương kể lại.
Khi nói đến câu “Hôm nay, con ma đến đây này”, giọng nói khàn khàn của vị cán bộ lão thành cách mạng như được tiếp thêm sức mạnh vô hình, bỗng trở nên sang sảng. Rồi, ông cười giòn tan, nụ cười sảng khoái làm bừng sáng khuôn mặt của một người ở độ tuổi xưa nay hiếm.
Thế nhưng, đúng vào khoảnh khắc đó, tôi đã bắt gặp ánh mắt long lanh của Nhà thơ. Có lẽ, ông đang hồi tưởng lại giây phút Hội nghị kết thúc, khi đại diện mỗi đoàn phát biểu về thành công của Hội nghị… “Đến lượt mình, Trưởng đoàn Việt Nam đứng lên, tại Hội nghị Geneva nhưng mặt hướng về phía Tổ quốc, đau đớn nói: "Cuộc chiến đấu của chúng ta mới chỉ được nửa đường thôi. Tổ quốc vẫn bị chia cắt. Chúng tôi đã cố hết sức, hết lòng, phấn đấu mọi cách mà mới mang lại cho đất nước ta có thế này thôi, và chúng ta cần phải tiếp tục. Khi đó, anh em trong Đoàn đã bật khóc...”, ông Việt Phương kể.
Gia đình nhà thơ Việt Phương. |
“Một giọt người rất sáng, rất trong”
Nhắc đến nhà thơ Việt Phương, nhiều người không thể quên tập thơ Cửa mở (1970), là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học khi vừa ra mắt. Tập thơ đã gây tiếng vang lớn trong xã hội Việt Nam thời điểm đó khi bán ra vài ngàn bản chỉ sau hai tuần xuất bản. Nhiều bài thơ trong Cửa mở đã được chép tay, nằm trong quân trang của nhiều chiến sĩ đi dọc dải Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ.
Khi mới ra đời, tư tưởng của tập thơ đã gây ra những tranh cãi dữ dội. Thậm chí có người còn khuyên ông nên “hạ cánh tư tưởng”, “đừng lơ lửng trên mây” như vậy.
Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng khi đó là ông Trường Chinh chỉ đánh giá tập thơ của nhà thơ Việt Phương là xu hướng “siêu thực mới’’ nhưng cũng không nói gì thêm.
Chỉ đến khi tình cờ đến tay Tổng Bí thư Lê Duẩn thì Cửa mở mới được “cứu” khi ông nhận định: “Việt Phương là người tốt, Cửa mở không có vấn đề gì!”. Sau đó, công văn của Đảng bộ Văn phòng Thủ tướng được gửi tới các cơ quan hữu quan, rằng những tư tưởng trong Cửa mở là hoàn toàn của Đảng thì những người ủng hộ tập thơ này mới thở phào.
Nhận định về tư tưởng của nhà thơ Việt Phương, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Tư duy của Việt Phương đôi khi đi nhanh hơn thời cuộc nên dễ bị hiểu nhầm, khiến ông lận đận”. Còn nhận xét về người bạn vô cùng thân thiết của mình, ông Vũ Khoan chia sẻ: “Có ba điều tôi muốn nói về Việt Phương: Thứ nhất, anh là một người vô cùng văn hóa. Thứ hai, anh thực sự là một chí sĩ Bắc Kỳ, bởi sự hiểu biết vô cùng uyên thâm, sâu sắc và cũng rất khiêm nhường. Cuối cùng, anh là người vô cùng khí khái, tức là không bao giờ khuất phục, phiền hà đến ai. Tất cả những điều đó đã làm nên nhân cách Việt Phương và cả đời tôi kính trọng anh vì nhân cách ấy”.
Ngày 6/5 vừa qua, tâm hồn thơ lãng mạn mà khảng khái ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng. Như một lời từ biệt, xin trích những vần thơ trong tập Cửa đã mở (2008) của ông: “Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/ Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong/ Đậu xuống vai em làm giọt sương đồng...”.
Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, tên thật là Trần Quang Huy, đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, bị bắt giam. Khi đó, ông lấy bí danh là Việt Phương và một người bạn tù lấy tên ông là Trần Quang Huy làm bí danh. Ông là thư ký lâu năm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1947-2000. Ông cũng từng là thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn trong khoảng thời gian 10 năm. |
Đại sứ Armenia tại Việt Nam: “Tôi rất thích con người Việt Nam“ Đại sứ Raisa Vardanyan chia sẻ, mặc dù hai nước cách nhau khá xa nhưng lại có những nét tương đồng nên sớm cùng nhau ... |
Phát huy sức mạnh của đối ngoại nhân dân Các hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam với Mỹ luôn là một kênh ngoại giao quan trọng, hiệu quả, cần được phát ... |
Sự bền chặt trong gian khó Không còn dấu ấn của chiến tranh, quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp ngày càng đẹp đẽ đúng như tinh ... |