📞

Virus corona: Phép thử đối với hệ thống y tế toàn cầu

11:45 | 07/02/2020
TGVN. Mạng tin Arab News vừa có bài phân tích tổng hợp về những diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra, theo đó nhận định sự bùng phát của loại virus này thực sự là phép thử đối với hệ thống y tế toàn cầu.    
Số ca tử vong do nCoV tại Trung Quốc hiện vẫn tăng lên hàng ngày. (Nguồn: AP)

Sau khi Trung Quốc báo cáo tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp bị viêm phổi tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do nCoV gây ra, nhiều nơi trên thế giới đã xác nhận các trường hợp dương tính với nCoV sau khi trở về từ Đại lục, trong đó có Australia, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nepal, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ và Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia xác định trường hợp lây nhiễm từ người sang người đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, trong khi trường hợp tử vong đầu tiên ngoài Đại lục được ghi nhận ở Philippines. Số ca tử vong do nCoV tại Trung Quốc hiện vẫn tăng lên hằng ngày.

Kích hoạt hệ thống viện trợ y tế mới

Sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh thông báo về trường hợp nhiễm nCoV từ người sang người đầu tiên tại Mỹ, ngày 30/1, WHO đã tuyên bố Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhằm kích hoạt các nỗ lực trên toàn thế giới để ngăn chặn virus lây lan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, phản ứng của WHO là khá bị động trong bối cảnh đã có hàng nghìn trường hợp lây nhiễm mới được kiểm chứng từ các nguồn tin cậy.

Tại Mỹ, sau 3 cuộc họp khẩn của giới chức y tế, quốc gia này đã ra thông báo rằng bất kỳ ai không phải là công dân Mỹ sẽ bị hạn chế nhập cảnh vào nước này nếu họ từng đến Trung Quốc trong 14 ngày qua.

Người dân sẽ phải đối mặt với việc kiểm dịch bắt buộc để ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Thông báo của WHO khẳng định “cách duy nhất để thế giới có thể đẩy lùi dịch bệnh này là tất cả các quốc gia cùng cộng tác với nhau trên tinh thần đoàn kết và hợp tác, và đó sẽ là lời giải cho những thách thức phía trước.

Sự bùng phát của nCoV hiện đã lan rộng tới hơn 20 quốc gia và tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu được cho là sẽ kích hoạt một hệ thống viện trợ y tế mới.

Mỗi quốc gia trong số 196 thành viên WHO được dành 48 giờ để đánh giá tình hình trong phạm vi lãnh thổ của mình, sau đó họ phải đưa ra báo cáo tới WHO về các trường hợp đã được xác nhận và có nguy cơ lây nhiễm.

Sau đó, tất cả các quốc gia được yêu cầu: Phát hiện (kiểm tra các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm), đánh giá (theo dõi các trường hợp mới khi nảy sinh), báo cáo (chia sẻ cập nhật qua mạng lưới quốc tế) và phản hồi (giữ liên lạc với WHO).

Mỗi tuần, WHO sẽ công bố báo cáo tình hình dựa trên những phát hiện này. Đối với WHO, thiết lập hệ thống cơ sở là điều quan trọng trong thời điểm này, song những nỗ lực và bài học từ các tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu trong quá khứ đã cho thấy những hành động hiện nay là hơi muộn.

Nỗ lực của các quốc gia

Trong suốt giai đoạn y tế khẩn cấp toàn cầu, các quốc gia thuộc hệ thống của WHO đều tuân theo một loạt quy tắc liên quan đến các quy định cụ thể để phát hiện và phòng ngừa tại các hải cảng, sân bay và biên giới, giới hạn lây lan của rủi ro y tế đối với những nước láng giềng.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện đang xử lý vấn đề theo cách của riêng mình thông qua việc triển khai các hệ thống phát hiện và phòng ngừa y tế nội địa, bao gồm chiến dịch tuyên truyền tích cực để thông báo tới người dân.

Bản thân nhiều quốc gia đã tự nhận thức về vai trò quan trọng là các điểm trung chuyển sẽ dễ bị tổn thương hơn bởi những gián đoạn về kinh tế. Càng hành động nhanh chóng sẽ càng giúp họ hạn chế những cú sốc kinh tế tiềm tàng, tùy thuộc vào tình hình dịch bênh lây lan.

Điều quan trọng, động thái của WHO là nhằm ngăn chặn những hạn chế về du lịch và thương mại có nguy cơ gây bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu.

Thông báo của WHO cũng đang tác động nhất định đến thị trường dầu mỏ và khí đốt, khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và điều này được cho là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Theo ước tính, dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) hơn 10 năm trước từng khiến kinh tế thế giới thiệt hại hơn 40 tỷ USD, trong khi các tính toán liên quan đến nCoV rõ ràng là chưa thể đo lường được và con số thiệt hại cuối cùng có thể còn lớn hơn nhiều.

Nỗi lo châu Phi

Điều cần thiết là làm thế nào để các tổ chức trên toàn thế giới cùng đối phó với các vấn đề y tế trong bối cảnh khẩn cấp hiện nay, và liệu những nước thành viên WHO có đang áp dụng các chiến lược, kỹ thuật, quy trình y tế và phòng chống dịch bệnh theo đúng quy chuẩn.

Với số lượng giao thương và đi lại đáng kể giữa Trung Quốc và châu Phi, trực tiếp hoặc qua các điểm trung chuyển, xác suất lây lan nCoV trên lục địa này là khá cao. (Nguồn: WHO)

Tất nhiên, WHO đã cung cấp hàng triệu USD viện trợ cho các nước nghèo cần tăng cường giám sát và phòng ngừa nCoV. Tuy nhiên, khu vực chịu tác động mạnh nhất có thể là châu Phi một khi dịch bệnh lan tới đây.

Nhiều nước châu Phi đã không được trang bị đầy đủ thiết bị để theo dõi những diễn biến mới nhất của nCoV. Với số lượng giao thương và đi lại đáng kể giữa Trung Quốc và châu Phi, trực tiếp hoặc qua các điểm trung chuyển, xác suất lây lan nCoV trên lục địa này là khá cao, cho dù chưa có trường hợp nào được ghi nhận xuất hiện nCoV tại châu lục này.

Đã đến lúc thế giới cần suy tính về môi trường y tế toàn cầu với sự chủ động và kịp thời hơn trong trường hợp cần thiết. Nhiều quốc gia đang trên lộ trình hướng tới năng lực y tế cao hơn, song đối với những nền kinh tế tụt hậu, họ rất cần có sự giúp đỡ nghiêm túc và sẵn sàng để đối phó với đại dịch.

(theo Arab News)