TIN LIÊN QUAN | |
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao 50.000 USD hỗ trợ nhân dân Lào | |
Lào: Người dân chật vật trở về nhà sau sự cố vỡ đập |
Vỡ đập là loại thảm họa kinh hoàng bậc nhất khi hàng triệu mét khối nước vượt tầm kiểm soát, quét sạch mọi thứ trên đường đi, gây ra những thiệt hại khổng lồ về người và của cho các nước gặp nạn. Nó đã xảy ra ở khắp các châu lục, khiến hàng vạn người thiệt mạng. Những người may mắn sống sót cũng không thể nào quên.
Suy từ thế giới
Vụ vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào tối 23/7/2018, là sự cố mới nhất trong danh sách những thảm họa liên quan tới đập trên thế giới. Nửa tỷ m3 nước đã trút xuống khu vực hạ lưu của Lào. Theo BBC, mặc dù cơ quan chức năng vẫn đang thống kê số người chết và mất tích, nhưng ước tính ban đầu có ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người mất nhà cửa. Đập này khởi công năm 2013, bị vỡ khi đang xây dựng tới 90% tiến độ, dự kiến hoàn thành năm 2019. Nguyên nhân vỡ đập, theo Nikkei, được cho là do mưa lớn bất ngờ đã khiến mực nước dâng cao, vượt quá khả năng chịu lực của con đập đang thi công.
Hàng trăm người mất tích do sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào. (Nguồn: Laos News) |
Trước đó, thế giới đã ghi nhận nhiều vụ vỡ đập, gây thiệt hại lớn về người và tài sản:
Đập South Fork (Mỹ): Ngày 21/5/1889, đập thủy điện South Fork ở bang Pennsylvania đã vỡ, khoảng 20 triệu tấn nước tràn xuống, làm 2.209 người chết và gây thiệt hại ước tính ít nhất 17 triệu USD.
Trước khi vỡ đập, các kỹ sư dù liên tục được cảnh báo về nhiều vết nứt rò rỉ nước, nhưng việc họ làm chỉ là trát bùn vào các vết nứt và rò rỉ chỉ tạm ngưng.
Không may, tháng 5/1889, mưa lớn khiến lũ tràn về. Con đập vốn yếu, lại không được thiết kế để chịu được lượng nước khổng lồ do mưa lớn, đã vỡ tung.
Đập Gleno (Italy): Ngày 1/12/1923, một trụ chống của đập liên vòm Gleno được xây dựng bằng bê tông trên sông cùng tên thuộc tỉnh Bergamo, Bắc Italy, đã bị nứt và gãy chỉ sau 40 ngày nước được chứa đầy phần lòng hồ. 4,5 triệu m3 nước đã tràn từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng Scalve, làm chết 356 người.
Đập được xây dựng từ năm 1916 để làm thủy điện. Phương án ban đầu là đập bê tông trọng lực và móng đập đã được làm xong. Năm 1921, do thiếu kinh phí, phương án đã được thay đổi thành đập liên vòm, nhưng vẫn xây trên nền móng cũ. Ngoài ra còn do nhân công tay nghề kém, sử dụng vật liệu kém chất lượng...
Cũng tại Italy, 40 năm sau, Vajont - một trong những con đập cao nhất thế giới nằm ở vùng thung lũng sông Vajont, tỉnh Dolomite, cũng bất ngờ sụp đổ do động đất ngày 9/10/1963, làm chết 2.118 người.
Đập Malpasset (Pháp): Ngày 2/12/1959, thảm họa vỡ đập Malpasset tại Pháp đã khiến ít nhất 412 người thiệt mạng, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà và làm thiệt hại kinh tế khoảng 68 triệu USD, trở thành “ngày đen tối” nhất lịch sử nước Pháp.
Đập do kiến trúc sư André Coyne thiết kế đầu thập niên 50 và được xây dựng trên sông Reyran, miền Nam nước Pháp. Khi xảy ra thảm họa, bức tường chắn của đập nước Malpasset sụp đổ hoàn toàn do không thể chịu được áp lực nước từ cơn bão mang mưa đổ ồ ạt lên sông Reyran. Đập vỡ đã tạo ra dòng thác lũ cao 40m, di chuyển 70km/giờ và chỉ trong vài phút đã phá hủy toàn bộ 2 ngôi làng Malpasset và Bozon, đường cao tốc và các công trình kiên cố khác, khiến hơn 400 người thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là lỗi khảo sát địa chất, thi công không đảm bảo...
Những chiếc xe tải chở đá rơi xuống dòng lũ khi vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. |
Đập Bản Kiều (Trung Quốc): Cách đây 43 năm, siêu bão Nina đổ bộ đã gây thảm họa vỡ đập kinh hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc và là một trong những thảm họa vỡ đập lớn nhất thế giới. Sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều còn được gọi là “sự cố 75.8” vì nó xảy ra vào tháng 8/1975.
Theo China Daily, công trình thủy điện Bản Kiều được xây dựng năm 1952 trên sông Hoài Nam, tỉnh Hà Nam, là một trong những thủy điện quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc với công suất 18 GW, tương đương 20 lò phản ứng hạt nhân.
Do ảnh hưởng của siêu bão, khiến mưa lớn ở thượng nguồn sông Hoài, làm mực nước các hồ thủy điện dâng cao ngoài mức dự tính của những nhà thiết kế. Hồ Bản Kiều được thiết kế chỉ có dung tích 492 triệu m3 nước, công suất thiết kế xả tối đa là 1.720 m3/s, trong khi mưa dữ dội nhiều ngày khiến lượng nước đổ xuống hồ Bản Kiều lên tới 701,2 triệu m3 và sau khi đập bị vỡ, lưu lượng xả đạt 17.000 m3/s.
Đập đã vỡ sáng 7/8/1975. Lũ đã nhấn chìm tất cả làng mạc trong bán kính 45km, cướp đi 170.000 sinh mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, còn lại chết do dịch bệnh và nạn đói. Khoảng 11 triệu dân vô gia cư khi 5,96 triệu ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại ước tính gần 10 tỷ NDT.
Ở nơi vỡ đập, người ta dựng bia tưởng niệm nạn nhân xấu số, cũng là nhắc nhở về bài học đắt giá với các dự án sau này.
Đập Kelly Barnes (Mỹ): Theo Structural Engineer Margazine, ngày 6/11/1977, mưa lớn đã làm đập thủy điện Kelly Barnes - đập đắp bằng đất ở bang Georgia bị vỡ. Ít nhất 39 người chết, 18 ngôi nhà bị cuốn trôi, nhiều cầu ở vùng hạ lưu bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại 2,8 triệu USD.
Nguyên nhân được xác định là do các kỹ sư đã tính toán sai độ dốc mái đập, làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của đập khi mưa lớn. Sau sự cố, nơi này trở thành điểm du lịch.
Đập Machchu-2 (Ấn Độ): Theo Pravda, ngày 11/8/1979, do chủ quan, mưa lớn và lũ đã làm vỡ đập Machchu-2 trên sông Machchu, bang Gujarat, tạo ra tường nước khổng lồ quét qua thị trấn Morbi, cướp đi 25.000 sinh mạng. Vì thế, sự kiện này thường được gọi là “thảm họa Morbi” và được sách Guinness ghi nhận là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất thế giới.
Nguyên nhân do mưa lớn ở đầu nguồn, làm đập đắp bằng đất dài 4km bị vỡ. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663m3/s trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307m3/s, gấp 3 lần khả năng công trình. Chỉ sau 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3,7 - 9,1m, nhấn chìm cả thị trấn Morbi nằm sau đập 5km.
Nghĩ đến Việt Nam
Sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào cùng nguy cơ mưa lớn tiếp diễn, chiều 25/7 vừa qua, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn và yêu cầu tổng rà soát toàn bộ 285 hồ thủy điện trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp. |
Ông André Coyne, kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế 70 công trình đập cho 14 quốc gia, trong đó có đập Malpasset, từng nhận định: “Trong tất cả các công trình do con người xây dựng, đập gây thiệt mạng nhiều người nhất thế giới”.
Thực tế đã chứng minh, thảm họa vỡ đập có thể xảy ra ở bất cứ đâu - từ nước kém phát triển cho tới nước phát triển, hay do bất cứ nguyên nhân nào - từ chủ quan đến khách quan, từ lỗi của con người cho tới sự biến đổi của thiên nhiên...
Chỉ mới năm ngoái, ở Mỹ, đập tràn Oroville được xây dựng trên hồ cùng tên thuộc bang California có nguy cơ đổ sập, đe dọa tính mạng của hơn 180.000 người.
Theo LA Times, hiện tượng xói mòn đất ở đập tràn của hồ trữ nước có thể làm bức tường bê tông cao gần 10m đổ sập, hơn 4,3 tỷ m3 nước hồ Oroville có thể tràn xuống hạ nguồn con đập nước cao nhất nước Mỹ hôm 12/2/2017. Người ta so sánh quy mô của thảm họa nếu xảy ra có thể tương đương sự phá hủy của bão Katrina ở New Orleans năm 2005 - cơn bão đã gây thiệt hại về người nhiều thứ 5 nước Mỹ.
Rất may, các nhà chức trách Mỹ đã kịp đẩy nhanh xả nước qua đập tràn chính của hồ, khiến tốc độ xói mòn bên đập tràn khẩn cấp chậm lại. Tuy nhiên, đập Oroville vẫn là “quả bom nổ chậm”, thể hiện sức mạnh vượt trội của thiên nhiên trước con người.
Trở lại với vụ vỡ đập ở Lào, công trình được xây dựng trên sông Senamnoi, nhánh của sông Sekong. Sekong là dòng nhánh xuyên biên giới quan trọng của sông Mekong chảy qua lãnh thổ 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Hiện tại, trên sông Sekong có 3 đập thủy điện đã vận hành, 5 đập sắp được xây dựng và 16 đập đang được xem xét. Với tham vọng trở thành “nguồn điện của Đông Nam Á”, Lào đã tích cực xây dựng đập thủy điện trên nhiều sông để bán điện cho láng giềng.
Nhìn lại, Việt Nam có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, quy mô từ hàng ngàn đến hàng tỉ m3 nước. Chúng ta đang trong mùa mưa lũ, các hồ chứa đang được vận hành để phục vụ các mục tiêu khác nhau.
Theo chuyên gia về thủy điện - PGS. TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa ở Việt Nam đã được các cơ quan quản lý của Việt Nam rất quan tâm. Các hồ chứa phần lớn khi xây dựng đều có quy trình vận hành hoặc các quy trình vận hành liên hồ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hồ được vận hành an toàn. Tuy nhiên, kịch bản đề ra cho các quy trình (đơn hồ/liên hồ) cũng chỉ là kịch bản giả định cho các tình huống có thể xảy ra.
Thêm nữa, theo TS. Tứ, thực tế diễn biến của thời tiết không thể lường hết và những yếu tố chủ quan khác như chất lượng công trình, hư hỏng, sự cố của các thiết bị vận hành… luôn là mối lo lắng có thể gây thảm họa. Sự cố vỡ đập Senamnoi cho thấy phải có cơ chế giám sát, theo dõi để đưa ra kịp thời giải pháp xử lý và có thể cả cảnh báo sớm nhất để tránh được thảm họa.
Việt Nam nằm ở cuối nguồn của hai dòng sông lớn, sông Hồng và Mekong. Sự phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia; yêu cầu đối với nguồn nước cho sinh hoạt con người, sản xuất lương thực, phát điện và tạo sự hưng thịnh cho các quốc gia ngày càng lớn. Các hồ chứa lớn nhỏ đã và đang tiếp tục được xây dựng ngày càng nhiều để trữ, điều hòa nguồn nước cung cấp…
Vì vậy, việc cần phải có cơ chế hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong khu vực để đưa ra những giải pháp, cơ chế và cả hiệp định hợp tác bảo đảm an toàn hồ chứa cho hạ lưu của chính quốc gia có công trình và các quốc gia bị tác động là ngày càng cấp thiết.
Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ quyên góp tiền giúp nhân dân Lào Ngày 1/8, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã tổ chức Lễ quyên góp tại Trụ sở Bộ, số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội số ... |
Thăm, tặng quà cho các gia đình người Việt bị thiệt hại tại 4 tỉnh Nam Lào Sáng 27/7, ông Đào Văn Hiếu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại 4 tỉnh Nam Lào, đã trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho ... |
Vỡ đập thủy điện ở Lào, hàng trăm người mất tích Hàng trăm người mất tích và nhiều người được cho là đã chết trong sự cố tại đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở Đông ... |