Quan hệ với Nga qua dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đang khiến Thủ tướng Đức Olaf Scholz rơi vào thế khó với đồng minh Mỹ. (Nguồn: Daily Express) |
Trong một bài viết đăng tải trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), tác giả Rachel Rizzo* đã đề xuất các bước cụ thể mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể làm nhằm củng cố niềm tin đối với Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng Nga-NATO, cùng với cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc đang diễn ra.
Khởi đầu đầy chông gai
Trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 7/2, tờ Washington Post đã hỏi Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng, việc Đức được coi là đồng minh không đáng tin cậy trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Nga và NATO liệu có làm ông khó chịu hay không?
Đáp lại, ông Scholz nói rằng: “Thực tế quan trọng hơn những tin đồn".
Tuy nhiên, tin đồn đó không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở nhận thức được thúc đẩy bởi những gì ông Scholz đã làm trên cương vị Thủ tướng Đức kể từ khi tiếp quản từ bà Angela Merkel vào tháng 12.
Đến Washington với mong muốn nhấn mạnh rằng, Đức vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở lục địa già, ông Scholz cũng phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng. Nhiều lời chỉ trích tập trung vào sự dè dặt của ông Scholz trong việc cam kết đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine có nguy cơ leo thang thành xung đột.
Trả lời về vấn đề Nga-Ukraine, ông Scholz cho biết: “Rõ ràng là trong một tình huống như thế này, lựa chọn chỉ có thể là đàm phán. Hãy hiểu rằng, tôi sẽ không đi sâu vào bất kì chi tiết cụ thể nào, nhưng câu trả lời của chúng tôi đều sẽ thống nhất và mang tính quyết định”.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng, ông Scholz dường như từ chối đề cập đích danh dự án Dòng chảy phương Bắc 2, mặc dù trước đó ông Biden đã nhắc rõ đến đường ống dẫn dầu này trong bài phát biểu của mình.
Khi một nhà báo gợi ý rằng, việc nhấn mạnh đến Dòng chảy phương Bắc 2 có thể giúp Đức giành lại niềm tin của Mỹ, ông Biden đã ngắt lời nói rằng “không cần thiết" và khẳng định vẫn coi Berlin là một đối tác và đồng minh có giá trị.
Sự dè dặt của ông Scholz là điều dễ hiểu. Đơn giản vì Thủ tướng Đức không muốn bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng vào giữa mùa Đông Xuân.
Hơn nữa, việc né tránh các câu hỏi tại Washington có thể mang lại cho ông Scholz sự ủng hộ lớn hơn tại quê nhà (ít nhất là vào thời điểm hiện nay).
Mỹ có thể nói một cách cứng rắn về tất cả những gì họ muốn và nếu những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ có hiệu quả khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin lùi bước, ông Scholz sẽ không phải tiến hành một cuộc chiến gay cấn trong đảng của mình để kết thúc một dự án có lợi cho người dân Đức. Vậy nếu khả năng này thất bại thì sao? Ông Scholz sẽ tính chuyện giải quyết vấn đề này chỉ khi nào nó xảy ra.
Với những lời bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc họp báo, có vẻ như sự bảo đảm về cách giải quyết Dòng chảy phương Bắc 2 mà ông Scholz đã đưa ra với riêng mình ông Biden là đủ. Nhưng ngay cả khi sự thoả hiệp mơ hồ đang tồn tại, điều đó không có nghĩa là ông Scholz đã hoàn thành trách nhiệm.
Khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, mục tiêu của ông ấy là tái cam kết với liên minh xuyên Đại Tây Dương và chứng minh rằng Washington là đồng minh đáng tin cậy sau nhiệm kỳ nhiều tổn hại của người tiền nhiệm. Giờ đây, ông Scholz phải làm điều tương tự sau một khởi đầu đầy chông gai trong nhiệm kỳ của mình.
Cải thiện lòng tin đồng minh
Vì vậy, ông Scholz cần thực hiện những bước sau đây để cải thiện lòng tin của Mỹ đối với Đức trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của mình.
Trước tiên, ông Scholz cần đưa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhất quán ngoài vấn đề năng lượng với Nga.
Thông điệp phát đi từ Đức trong vài tuần qua đã gây ra sự nghi hoặc ở Washington. Ông Scholz có thể không bao giờ dập tắt hoàn toàn thiên hướng của đảng SPD đối với Ostpolitik (chính sách bình thường hóa quan hệ khối Tây Đức và phương Đông thời kỳ Chiến tranh Lạnh), nhưng ông ấy cần phải chế ngự nó.
Đặc biệt, với việc cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder thuộc đảng SPD vừa gia nhập hội đồng quản trị của tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga, ông Scholz sẽ càng phải nỗ lực cân bằng chính sách với Nga để có thể duy trì sự hài lòng của Washington.
Thứ hai, ông Scholz phải nghiêm túc trong chính sách đối với Trung Quốc, nhưng cũng cần duy trì hợp tác với Mỹ.
Mặc dù vấn đề Trung Quốc không được đề cập nhiều trong cuộc gặp với ông Biden lần này, nhưng cơ hội để xử lý thách thức này vẫn còn.
Theo đó, ông Scholz cần xem lại chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Merkel với khuynh hướng coi trọng thương mại, đặc biệt là đối với Trung Quốc. Nỗ lực trước đây của bà Merkel về Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã đặt nước Đức vào tình thế bất lợi với chính quyền của ông Biden, nhưng ngày nay CAI đã ngừng hoạt động và sẽ không thể sớm trở lại.
Trong những tháng tới, ông Scholz nên tránh mắc phải vấn đề này trong di sản của bà Merkel. Thủ tướng Đức nên giữ vững lập trường khi đối mặt với sức ép kinh tế từ Trung Quốc, có thể bằng cách đưa ra mục tiêu chung với Lithuania trong bối cảnh nước này có tranh chấp thương mại với Bắc Kinh và có đường lối cứng rắn hơn về vấn đề nhân quyền.
Cuối cùng, ông Scholz phải trung thành với cam kết của liên minh nhằm tăng cường tính độc lập chiến lược của châu Âu.
Mặc dù khái niệm này đã từng gây khó chịu cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong quá khứ, nhưng cuối cùng thì Washington cũng thay đổi quan điểm về sự tự chủ của châu Âu, coi đây là một mục tiêu chiến lược vào thời điểm khủng hoảng Ukraine leo thang, cùng với những thách thức rình rập từ Trung Quốc.
Quyền tự chủ của châu Âu không đơn thuần về quốc phòng, đó là toàn bộ tầm nhìn về việc châu Âu trở thành một "diễn viên" có năng lực và hiệu quả hơn trên "sân khấu" thế giới.
Việc giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng và đóng một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ khu vực lân cận rộng lớn hơn của châu Âu, đều chung một mục tiêu. Và Thủ tướng Đức Scholz cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể là những người đấu tranh cho mục tiêu này.
Tất nhiên, điều đó vượt quá những gì châu Âu được đòi hỏi ở Đức. Để thực hiện tầm nhìn này cần một sự thay đổi toàn diện về tư duy. Nhưng nếu ông Scholz muốn trở thành một nhà lãnh đạo có thành quả, ông ấy nên đưa đất nước theo hướng này.
* Rachel Rizzo là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương