Nhiều người cho rằng phụ huynh ấy đã và đang xúc phạm và làm nhục cô giáo. Không ít người cho rằng, hành động đó là sự tha hóa đạo đức, rồi đây người thầy sẽ chỉ là những cái "máy dạy", nhiều giáo viên hoang mang, lo sợ với hàng tá áp lực đè lên vai...
Ở góc độ một nhà giáo, tôi muốn chia sẻ suy nghĩ, sự bức xúc và phẫn nộ của mình xung quanh câu chuyện này. Tôi bức xúc và phẫn nộ bởi tại sao ngành giáo dục lại có giáo viên như vậy? Chúng ta được đào tạo, được giáo dục và chúng ta đã biết việc phạt học sinh bằng đòn roi, bằng những lời nhục mạ, bằng hành vi như trong trường hợp này là “sai”. Vậy sao chúng ta lại để chúng tiếp diễn?
Cô giáo quỳ xuống, liệu cô có thể ngẩng cao đầu trước học trò? (Nguồn: tuoitre) |
Nếu việc phạt của giáo viên đã diễn ra thì đồng nghiệp, quản lý nhà trường đã ở đâu? Tại sao cho phép nó xảy ra và xảy ra nhiều lần? Chúng ta đã ứng xử với cái “sai” này như thế nào? Để mặc, không giúp đỡ để cô giáo ấy biết cách làm tốt hơn? Xử lý cái “sai” của cô giáo này thế nào? Có thể thói quan liêu, tâm lý “cậy làm thầy”, sự vô cảm, sự nhận thức sai về giáo dục đã khiến “sai” lại nối tiếp “sai” chăng?
Bàn luận về chuyện một cô giáo phải quỳ xin lỗi học sinh, sẽ không ít người cho rằng “cô giáo này xứng đáng bị phạt, cô bị phạt lại như thế mới hiểu tâm trạng học sinh”.
Còn người phụ huynh này đã dám phạt cô giáo. Thực ra, có không ít phụ huynh tự cho mình cái quyền “ăn miếng trả miếng” như xã hội đen. Có người đã từng đánh hoặc chửi mắng giáo viên.
Bắt một người phạm tội “quỳ xuống” đã không còn là hình phạt trong xã hội văn minh từ lâu rồi. Chỉ có thời phong kiến, thời trung cổ, mới có chuyện vua, quan, ông chủ, bà chủ bắt phạt quỳ, chưa nói đến người bị phạt ấy là một cô giáo. Danh xưng nghề nghiệp này là đại diện cho hàng triệu người, cho cái nghề “cao quý” - nghề đi dạy người.
Làm nhục nhân phẩm của một người nào đó là hành vi vi phạm pháp luật. Làm nhục một giáo viên thì có thêm tội với văn hóa truyền thống của dân tộc, có tội với tương lai. Nếu phụ huynh này hiểu biết sẽ thấy nhận thức của mình, hành vi của mình đã khiến cho con mình được giáo dục lệch lạc ra sao trong gia đình.
Để rồi, tương lai của đứa bé ấy ra sao sẽ chỉ người cha ấy hiểu rõ nhất và thụ hưởng thành quả rõ nhất. Người cha ấy cần nhớ thêm, hành vi của mình còn mang đến hậu quả xã hội, chứ không phải là chuyện của “gia đình tôi, chuyện của tôi với cô giáo ấy…”.
Tôi bức xúc và phẫn nộ vì cô giáo này và một vài người làm nghề giáo dục khác đã khiến cho những người "bạn già” của tôi, những người đồng nghiệp khác của tôi đau lòng. Họ bảo, tại sao bây giờ giáo viên lại “lười”, lại “kém”? Tại sao hiện nay nhiều giáo viên chẳng chịu đầu tư nghiên cứu bài vở, tóm tắt một đề bài cũng không xong. Tại sao không ít giáo viên giải bài, dạy cho học sinh chỉ chăm chăm dùng bài mẫu? Tại sao giáo viên cũng không kiên trì, không biết biện pháp giáo dục?
Mẹ của một người bạn tôi, thi thoảng lại gọi điện, gửi email cho tôi. Cô viết lại những cách dạy của mình. Cô chia sẻ những tâm sự của mình. Cô bảo, về hưu rồi, cô suốt ruột với thời đại quá, cứ như thế này thì hỏng mất.
Hôm nay, một cô giáo về hưu khác lại bảo tôi: ngày xuân đi lễ chùa, nhiều giáo viên đi lễ, họ cũng cầu an, cầu lộc, cầu tài như những người khác. Nhưng cái An, cái Lộc, cái Tài của giáo viên làm sao mà đến từ Trời được, phải tự rèn thôi.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ
(Giám đốc nghiên cứu và phát triển Trung tâm toán tư duy Pomath)