Bà Trần Tố Nga và các luật sư tại họp báo ngày 25/4 chuẩn bị cho phiên tranh tụng ngày 7/5 tại Paris vì các nạn nhân chất độc da cam. (Nguồn: TTXVN) |
Bà Trần Tố Nga - một người phụ gốc Việt 83 tuổi tại Pháp đang sống những ngày tháng ý nghĩa nhất của cuộc đời mình dù trong chính con người bà còn khắc khoải bao nỗi đau, vết thương do hậu quả chiến tranh Việt Nam. Ý nghĩa lớn lao của một hành trình hơn 10 năm theo đuổi lẽ phải, sự công bằng cho những nạn nhân chất độc da cam.
"Chiến đấu cho lời thề, cho đến hôm nay và những ngày còn lại"
Điều gì đã thôi thúc bà trong hành trình đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam dù biết rằng đây là một hành trình gian khó và phần thắng không chắc trong tay?
Tôi khởi kiện ở cái tuổi 70 và trong người mang nhiều bệnh do tác hại của chất độc da cam và tôi quyết tâm theo đuổi vụ kiện trong hơn chục năm qua vì tôi thấy có quá nhiều nạn nhân chiến tranh và tác hại rất nghiêm trọng và lâu dài cho cả con người và mội trường. Năm 2013, khi tôi bắt đầu khởi kiện tại Tòa án sơ thẩm Evry (ngoại ô Paris), ở Việt Nam lúc đó có hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Chính con số này khiến trái tim tôi đau đớn và thúc đẩy tôi dấn thân vào vụ kiện này. Sau hơn 12 năm theo đuổi vụ kiện, tôi thấy con số này không dừng ở đó, mà lên đến hơn 4 triệu nạn nhân và di chứng chất độc da cam đang di truyền đến thế hệ thứ 4.
Cuộc chiến pháp lý này không chỉ nhằm chống lại việc sử dụng chất độc da cam, đòi công lý cho nạn nhân chất độc màu da cam mà còn góp phần tạo cơ sở cho các cuộc đấu tranh khác vì môi trường. Điều này không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà còn là mong muốn của rất nhiều cá nhân, tổ chức đang ủng hộ tôi trong hành trình bảo vệ công lý, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam.
Tôi luôn có nghị lực để theo đuổi vụ kiện vì tôi tâm niệm đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa và cao quý. Vì công lý và hạnh phúc của con người, đó cũng là lời thề khi còn trẻ và tôi giữ mãi lời thề cho đến hôm nay và những ngày còn lại. Tôi chiến đấu không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cả ở nước khác. Khi bạn đấu tranh cho chính nghĩa, thì bạn sẽ có nghị lực để theo đuổi cuộc chiến đấu. Chính điều này đã mang lại sức mạnh cho tôi và cũng không cho phép tôi buông bỏ giữa chừng. Vì thế mà tôi sẽ đi đến cùng.
"Tôi luôn có nghị lực để theo đuổi vụ kiện vì tôi tâm niệm đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa và cao quý. Vì công lý và hạnh phúc của con người, đó cũng là lời thề khi còn trẻ và tôi giữ mãi lời thề cho đến hôm nay và những ngày còn lại". |
Phiên tòa phúc thẩm được mở vào ngày mà tình cờ đúng ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi hy vọng sẽ trở thành "Chiến sĩ Điện Biên 2024" trong phiên tòa lịch sử của cuộc đời mình.
Đâu là những lý lẽ quan trọng nhất mà bà cho rằng là nền tảng quan trọng cho vụ kiện này?
Tôi kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học khai quang/ chất diệt cỏ - trong đó chứa chất dioxin, hay còn gọi là chất độc da cam (orange agent) mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho tôi, con tôi và hàng triệu người khác.
Bản thân tôi là nạn nhân chất độc dioxin/ chất độc da cam mà tôi đã bị nhiễm do máy bay của quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Kết quả xét nghiệm của một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Đức đã xác nhận độc tố dioxin có trong cơ thể của tôi, khiến tôi nhiều bệnh, bị mắc 5 trong số 17 bệnh lý đã được Mỹ công nhận và liệt kê trong danh sách các bệnh do chất độc da cam gây ra.
Thế giới đều biết có hàng triệu người là nạn nhân chất độc da cam và môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này cũng được chứng minh bằng những chứng cứ khoa học cho thấy chất độc màu da cam đã phá hủy thực vật, làm ô nhiễm đất và đầu độc động vật, gây ung thư và dị tật ở người cũng như tấn công hệ thống miễn dịch của con người.
Theo pháp luật của nước Pháp từ năm 2013 thừa nhận việc tòa án Pháp xét xử các vụ kiện của các công dân Pháp bị các thể nhân và pháp nhân nước ngoài gây thiệt hại, tôi, một nạn nhân chất độc da cam mang quốc tịch Pháp sống tại Paris có quyền kiện ra tòa và được tòa án xét xử trách nhiệm của các công ty hóa chất của Mỹ nêu trên đã gây thiệt hại cho tôi.
Cần lưu ý rằng, các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất chất độc da cam phải chịu trách nhiệm về hành động của chính công ty mình về việc sản xuất và bán cho quân đội Mỹ chất độc da cam gây ra những thiệt hại cho tôi và các nạn nhân chất độc da cam khác, vì hành động của các công ty hóa chất này không phải là hành động theo lệnh và đại diện cho Nhà nước Mỹ.
Thực tế, các công ty hóa chất này đã không bị Chính phủ Mỹ bắt buộc phải thực hiện việc sản xuất chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, mà được hoàn toàn tự do tham gia đấu thầu để sản xuất thu lợi nhuận. Đồng thời các công ty hóa chất này đã biết từ trước dioxin là một chất có độ độc cao, nhưng vẫn cố ý thay đổi quy trình kỹ thuật tổng hợp hai chất diệt cỏ 2.4-D và 2.4.5-T để rút ngắn thời gian sản xuất chất độc da cam, giảm bớt chi phí, tăng thêm lợi nhuận, do vậy đã làm tăng hàm lượng chất dioxin vốn đã có trong chất độc da cam.
Lý lẽ quan trọng này cũng được nêu rõ trong thông cáo báo chí của các luật sư của tôi và được đề cập trong Tuyên bố ngày 12/5/2021 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) về việc Tòa Evry (ở ngoại ô Paris, Pháp) quyết định không thụ lý đơn của tôi kiện các công ty hóa chất Mỹ nêu trên.
Bà Trần Tố Nga bên bàn làm việc tại nhà ở ngoại ô Paris, Pháp. (Nguồn: TTXVN) |
"Một phiên tòa lịch sử, mở ra hướng thay đổi phán quyết của Tòa Evry"
Hạ viện Bỉ tháng 10/2023 đã thông qua Nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, nghị quyết này được đưa ra xuất phát từ chính những nỗ lực của bà. Theo bà, một nghị quyết như vậy có ý nghĩa như thế nào trong hành trình đấu tranh vì quyền lợi của những nạn nhân chất độc màu da cam?
Như Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ, bà Éliane Tillieux nói ngày 7/11/2023, Nghị quyết về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam nhận được 100% sự tán thành từ tất cả các đảng phái chính trị của Bỉ, thể hiện sự quan tâm thực sự đến nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên toàn thế giới cũng như những rủi ro to lớn cho môi trường mà chất độc hóa học này gây ra. Điều này là minh chứng cho tình đoàn kết của Quốc hội Bỉ đối với các nạn nhân da cam/dioxin ở Việt Nam cũng như các mục tiêu bền vững khi Quốc hội Bỉ là Nghị viện đầu tiên trên thế giới yêu cầu coi việc sử dụng chất diệt khuẩn sinh thái là tội ác chống lại loài người.
Nghị quyết không chỉ là cơ sở để Bỉ thúc đẩy triển khai các chương trình hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, mà đồng thời sẽ giúp tăng cường nhận thức về vấn đề chất độc da cam và kêu gọi Nghị viện các nước khác và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và các nước, cũng như hỗ trợ cho việc khắc phục các hậu quả của chất độc da cam đối với môi trường ở một số nơi của Việt Nam và các nước khác.
Nghị quyết này đồng thời có ý nghĩa quan trọng góp phần củng cố và mở rộng sự ủng hộ cho hành trình đấu tranh pháp lý của vụ kiện vì công lý, vì quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam. Do đó, Nghị quyết giúp tôi có thêm nhiều sức mạnh trong cuộc chiến đấu giành công lý cho nạn nhân da cam. Mặt khác, tôi cho rằng Nghị quyết này của Quốc hội Bỉ góp phần thúc đẩy Nghị viện các nước khác hành động tương tự, trong đó Thượng viện Pháp cũng đang chuẩn bị tiến hành một cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tôi hy vọng nếu Quốc hội Pháp cũng làm giống Quốc hội Bỉ thì năm 2024 sẽ là một thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Điều bà mong mỏi nhất tại phiên tranh tụng của Tòa phúc thẩm Paris vào ngày 7/5 tới đây là gì?
Sau khi Tòa án Evry đưa ra phán quyết rằng họ không đủ thẩm quyền để xử vụ án có liên quan đến các hành động trong thời chiến của chính quyền Mỹ, tôi đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Paris. Tôi không đơn độc trong cuộc chiến pháp lý này mà tiếp tục được sự ủng hộ của các luật sư và các hội đoàn ở các nước trong đó có Pháp và Việt Nam, ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam.
Tôi rất mong, trong phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris vào thứ Ba ngày 7/5 tới đây, Tòa phúc thẩm sẽ xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan, đặc biệt là các yếu tố pháp lý về bản chất hành động và trách nhiệm của các công ty hóa chất của Mỹ mà tôi đề cập ở trên, và đi đến quyết định bác bỏ phán quyết vô lý của Tòa sơ thẩm Evry.
Điều đó nghĩa là Tòa phúc thẩm thừa nhận tôi được thực hiện quyền hợp pháp của mình, tức là được tòa án Pháp xét xử đơn kiện của tôi chống các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất và cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với tôi và các nạn nhân khác của chất độc da cam. Điều đó thể hiện Tòa phúc thẩm bảo vệ công lý cho không chỉ riêng tôi, mà đồng thời cũng bảo vệ công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp báo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, ngày 25/4 vừa qua, tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris, luật sư của tôi ông William Bourdon nhấn mạnh, thách thức lớn nhất trong phiên tòa sắp tới, đó là bác bỏ quyền "miễn trừ" mà các công ty Mỹ dựa vào và được Tòa án Evry chấp nhận.
"Chúng tôi tin vào chính nghĩa, có đầy đủ chứng cứ và rất mong rằng Tòa phúc thẩm xem xét đầy đủ các yêu tố, chứng cứ sẽ đưa ra phán quyết đúng đắn, vì công lý của nạn nhân chất độc da cam". |
Ông cũng nhấn mạnh, đó là sự biện bạch hoàn toàn không có cơ sở: "Có rất nhiều những luận cứ pháp lý để chỉ ra rằng các công ty Mỹ không hề bị chính phủ Mỹ ép buộc mà họ tự nguyện đáp lại lời kêu gọi đấu thầu và chính họ đã chủ động sản xuất ra loại chất độc giết người màu da cam có chứa hàm lượng lớn dioxin, cũng là trọng tâm của vụ kiện này. Chúng tôi có đủ tài liệu để củng cố lý lẽ của chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào kết quả phiên tòa này. Đó sẽ là một phiên tòa lịch sử, mở ra hướng thay đổi phán quyết của Tòa Evry".
Trong hành trình này, tôi nhận thấy có nhiều thách thức lớn phải vượt qua cả về pháp lý và các yếu tố khác. Như nêu trong phát biểu tại họp báo nêu trên, luật sư Bertrand Repolt cho biết, một thách thức lớn nhất khác, đó là sự việc đã diễn ra quá lâu, nhưng đến bây giờ mới có thể xét xử trách nhiệm của các công ty hóa chất Mỹ về những hành động mà họ đã thực hiện, chủ yếu từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước.
Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc tập hợp và đưa ra các bằng chứng để chứng minh rằng ở thời điểm đó các công ty này đều ý thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng các hóa chất độc hại này, từ quy trình đến phương thức sản xuất chất độc da cam...
Chúng tôi tin vào chính nghĩa, có đầy đủ chứng cứ và rất mong rằng Tòa phúc thẩm xem xét đầy đủ các yêu tố, chứng cứ sẽ đưa ra phán quyết đúng đắn, vì công lý của nạn nhân chất độc da cam.
Bà Trần Tố Nga và nhà văn André Bouny (ngồi xe lăn) và nhiều người ủng hộ bà đã tham dự tại phòng xử án bất chấp đại dịch, Tòa Evry (ngoại ô Paris) tháng 1/2021. (Nguồn: Hội Collectif Vietnam-Dioxine) |
"Trời đất và số phận đã giao cho tôi một sứ mạng, tôi sẽ đi đến cùng!"
Bà kỳ vọng như thế nào về sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức, cá nhân Việt Nam thời gian tới đối với vụ kiện mang tính chất lịch sử này?
Tôi bắt đầu cuộc chiến đấu pháp lý một mình, với tư cách là nguyên đơn duy nhất trong vụ kiện tại tòa án của Pháp, trong khi ban đầu tôi chưa biết rằng vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm và vô cùng gian nan. Tôi cũng đã từng chịu rất nhiều hiểu lầm cay nghiệt.
Trước hết, tôi nhận được sự giúp đỡ hết mình của ba luật sư Pháp mà tôi không phải trả thù lao luật sư. Bên cạnh đó, tôi nhận được sự ủng hộ rộng rãi bằng nhiều cách thức từ nhân dân và các tổ chức của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, với nhiều tổ chức xã hội và cá nhân, gồm cả các nghị sĩ ở nhiều nước trên thế giới.
Điều đó giúp tôi có thêm quyết tâm và sức mạnh để theo đuổi hành trình 12 năm qua trong cuộc cuộc chiến pháp lý gian nan và kéo dài chưa biết hồi kết. Tuy nhiên, tôi cũng chia sẻ thực tế về mặt kinh phí thì tôi vẫn còn rất khó khăn, thiếu kinh phí, vì tôi còn phải chi trả các chi phí khác cho vụ kiện như chi phí pháp lý, dịch thuật của phiên dịch có tuyên thệ (để đủ điều kiện hầu tòa), chi phí đi lại từ nước này qua nước khác để trao đổi kinh nghiệm, thu thập tài liệu... nhất là ở Mỹ, đòi hỏi một số tiền lớn, rất lớn.
Các Hội đoàn ở Pháp và các cá nhân yêu chuộng và bảo vệ công lý của Pháp đã tổ chức rất nhiều hình thức để có thể hỗ trợ cho chi phí của một vụ kiện không chỉ không cân sức mà sẽ còn kéo dài chưa biết ngày kết thúc, dù sự thực về hậu quả hủy diệt con người và hủy diệt môi trường đã được tất cả các tổ chức xã hội thế giới từ Mỹ đến các nước châu Âu thừa nhận với những chứng cứ khoa học và những chứng nhân không thể chối bỏ.
Gần đây nhất, để chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm, các lực lượng ủng hộ cho vụ kiện đã và đang thực hiện nhiều hoạt động xã hội tại Pháp, bày tỏ sự ủng hộ và thông tin cho xã hội Pháp và các nước khác về vụ kiện được gọi là lịch sử này. Ví dụ như: tổ chức các bữa ăn nhằm huy động tài chính cho các phí tổn pháp lý và hoạt động liên quan, tổ chức cuộc họp báo tại Paris vào ngày 25/4/2024 với sự tham dự của hơn 20 nhà báo, và một cuộc mít-tinh lớn cũng tại Paris sẽ được tổ chức vào ngày 4/5/2024 trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm vào ngày 7/5/2024.
Trong khi tôi là người duy nhất nguyên đơn trong vụ kiện, sống xa quê hương đất nước, xa gia đình và còn mang nhiều bệnh do hậu quả phơi nhiễm chất độc da cam, tôi mong rằng Nhà nước và các tổ chức, nhân dân Việt Nam sẽ theo sát hành trình và diễn biến vụ kiện, tiếp tục đề cao chính nghĩa của vụ kiện, dành cho vụ kiện sự ủng hộ bằng các hình thức khác nhau. Đó chính là sự động viên, ủng hộ vô cùng quý báu giúp cho tôi tiếp tục hành trình gian nan của cuộc chiến pháp lý này, vì hàng triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và các nước khác.
Cuộc sống một mình xa xứ ở tuổi 83 thật không có gì vui nếu không có một mục đích nào để sống hữu ích với đời và với người. Công lý và hạnh phúc của con người là mục tiêu cao quý mà tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Trời đất và số phận đã giao cho tôi một sứ mạng, tôi sẽ đi đến cùng!
Trân trọng cảm ơn bà!
Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng miền Nam Việt Nam và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời kỳ chiến tranh. Đầu thập kỷ 1990, bà Nga đến định cư ở Pháp. Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn quy định dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe. Năm 2013, bà Trần Tố Nga đã đệ đơn ra Tòa án Evry (thành phố nơi bà đang sinh sống, ở ngoại ô Paris), khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam/dioxin được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Bà là một trong những trường hợp hiếm hoi có thể theo đuổi các vụ kiện liên quan đến chất độc da cam vì hội tụ đủ 3 điều kiện: Là công dân Pháp (gốc Việt); đang sinh sống tại Pháp, nơi có luật cho phép xét xử các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại pháp nhân của quốc gia khác đã phạm tội ở nước ngoài gây thiệt hại cho công dân Pháp; và bản thân là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bà được sự ủng hộ và đồng hành của một số luật sư và nhà hoạt động xã hội Pháp cùng đồng hành vì nạn nhân da cam Việt Nam. Ngày 10/5/2021, sau phiên tranh tụng, Tòa án Evry của Pháp đã ra phán quyết chấp thuận bào chữa của các công ty bị kiện cho rằng: họ “hành động theo theo lệnh và vì Nhà nước Hoa Kỳ” và như vậy được hưởng quyền “miễn trừ”, vì không một Nhà nước có chủ quyền nào phải chấp nhận quyền tài phán, xét xử của một Nhà nước có chủ quyền khác đối với hành vi của mình (tức là viện dẫn nguyên tắc miễn trừ tài phán quốc gia theo luật quốc tế). Các luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga đã phản đối phán quyết này của Tòa Evry và nhấn mạnh rằng, những công ty này “đã dự thầu”, có nghĩa là không hành động do bị ép buộc; Tòa án Evry đã áp dụng một nguyên tắc lỗi thời (nguyên tắc miễn trừ tài phán quốc gia), “đi ngược lại với những nguyên tắc hiện đại của luật pháp quốc tế” và pháp luật của Pháp. Tháng 6/2021, bà Trần Tố Nga đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Paris (Pháp). Ngày 7/5/2024, Phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris sẽ được tổ chức. |
| Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Phát huy truyền thống 'Đoàn kết-Nghĩa tình-Trách nhiệm-Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam', 20 năm qua, Hội đã vượt qua nhiều khó ... |
| Việt Nam cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy bảo đảm các quyền con người Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ... |
| 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Một Việt Nam tích cực, trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người Đối với Việt Nam, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (TNQTNQ) và việc kỷ niệm 75 năm thông qua TNQTNQ (10/12/1948-2023) có ý nghĩa đặc ... |
| Đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong tình hình mới Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được tổ chức vào ... |
| Tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, hướng về nạn nhân chất độc da cam Trong hai ngày 28-29/12, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn ... |