TIN LIÊN QUAN | |
Vụ nổ ở Beirut: Thêm tình tiết mới, thảm họa khiến hơn 6.500 người thương vong không còn đơn thuần là vụ tại nạn? | |
Hậu vụ nổ Beirut, Lebanon rơi vào khủng hoảng: Vì đâu nên nỗi |
Cột khói hình nấm xuất hiện ngay sau tiếng nổ kinh hoàng ở Beirut, ngày 4/8. (Nguồn: SIPA) |
Thành phố Beirut đang phải chịu những sức ép vô cùng nặng nề bởi đại dịch Covid-19: các ca nhiễm mới tăng lên, bệnh viện quá tải… khiến Chính phủ buộc phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa, kết quả là nền kinh tế Lebanon tiếp tục trượt dốc không phanh. Ngoài ra, đồng tiền tại đây đang dần mất giá, người dân không thể vay vốn ngân hàng trong khi việc cắt điện khiến cả xã hội như chìm vào bóng đêm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng...
Ngày 4/8, khi thành phố Beirut vẫn đang yên bình và lặng lẽ do lệnh phong tỏa thì tiếng nổ đanh trời được ví như một quả bom hạt nhân, một đám mây khói hình nấm xuất hiện tại khu cảng ở thủ đô Lebanon.
Vụ nổ làm rung chuyển cả thành phố, khiến ít nhất 220 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương và hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa. Thậm chí, vụ nổ còn làm rung chuyển những tòa nhà ở Cyprus cách đó 160km. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10-15 tỷ USD. Đây được coi là thảm họa nghiêm trọng nhất ở Lebanon trong vòng ba thập kỷ trở lại đây, kể từ cuộc nội chiến diễn ra từ năm 1975-1990.
Quả bom “phân bón”
Cơ quan điều tra Lebanon cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do 2.750 tấn chất hóa học ammonium nitrate tại nhà kho cảng Beirut ở Lebanon. Khối chất hóa học khổng lồ, vốn được sử dụng làm phân bón, nhưng cũng là thành phần chính của mìn khai khoáng, được lưu trữ tại kho ở cảng Beirut suốt sáu năm qua mà không có biện pháp nào để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Theo kênh truyền hình LBCI của Lebanon, khối chất hóa học nguy hiểm nói trên được mang đến cảng Beirut từ năm 2013 trên tàu chở hàng Rhosus mang cờ Moldova. Ban đầu, con tàu định đi đến Mozambique nhưng buộc phải dừng lại ở Beirut vì vấn đề kinh tế, dẫn đến bất đồng trong thuỷ thủ đoàn, đa phần là người Nga và Ukraine. Đơn hàng này là của một công ty sản xuất thuốc nổ châu Phi phục vụ khai thác mỏ ở Mozambique.
Sau quá trình kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng Beirut, tàu Rhosus bị cấm ra khơi do không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật, không thể trả phí neo đậu. Các thuỷ thủ đã cố gắng liên lạc với chủ sở hữu người Nga tại Cộng hoà Cyprus Igor Grechushkin nhưng không nhận được sự trợ giúp.
Do đơn hàng không đến được Mozambique, doanh nhân Igor Grechushkin bị phá sản. Tàu Rhosus nhanh chóng hết đồ dự phòng, còn thủy thủ đoàn ở lại không thể lên bờ do quy định nhập cảnh. Tuy nhiên, sau bị kẹt lại trên tàu suốt một năm, một thẩm phán tại Beirut cho phép các thuỷ thủ hồi hương.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun thừa nhận hệ thống chính trị nước này đang bị "tê liệt" và cần "xem xét lại" sau vụ nổ. Ông cam kết "nhanh chóng tìm công lý", song từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về sự việc, nói rằng đó là một nỗ lực nhằm "làm suy giảm sự thật" |
Sự chậm trễ của chính quyền...
Quản lý cảng Beirut Hassan Koraytem cho rằng lô ammonium nitrate được lưu trữ tại kho theo lệnh của tòa án từ năm 2014, do lo lắng về khâu an toàn khi để “quả bom nổ chậm” này lênh đênh trên biển. Trên thực tế, tàu Rhosus đã chìm trong cảng Beirut hồi tháng 2/2018.
Các nhân viên hải quan đã biết lô hóa chất này sẽ gây nguy hiểm nhưng không nghĩ nghiêm trọng đến vậy. Hải quan và chính quyền thành phố đã nhiều lần yêu cầu xử lý kho chất nổ này từ sáu năm trước. Theo đó, Cục trưởng Hải quan Badri Daher kiến nghị rằng số ammonium nitrate có thể được xuất khẩu, trao cho quân đội Lebanon, hoặc bán cho Công ty tư nhân Chất nổ Lebanon.
Reuters dẫn từ một nguồn chính thức cho hay, đây là một sơ suất, thiếu cẩn thận để đảm bảo an toàn khi lưu trữ kho ammonium nitrate đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, Chính phủ không đưa ra bất cứ biện pháp nào để di chuyển hay tiêu hủy chúng. Thậm chí, một nhóm chuyên gia đã kiểm tra kho vật liệu tại cảng Beirut từ sáu tháng trước và cảnh báo chúng có thể khiến thủ đô của Lebanon bị nổ tung nếu chính quyền không có giải pháp.
... và sự tức giận của người dân
Như đã nói ở trên, Lebanon vốn đang chìm trong khủng hoảng từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut của Lebanon đã xé nát các hầm chứa ngũ cốc lớn, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt ở một quốc gia nhập khẩu gần như tất cả lương thực và đang quay cuồng vì khủng hoảng kinh tế.
Từ lâu, người dân tại đây đã khá bất bình với chính quyền mà họ cho rằng đầy tham nhũng, quản lý tồi tệ và yếu kém. Tháng 10/2019, người dân đã tổ chức các cuộc biểu tình chủ yếu tại thủ đô Beirut, tại các khu vực ngoại ô phía Nam, tại thành phố miền Nam Sidon, thành phố miền Bắc Tripoli và thung lũng Bekaa để phản đối tình hình kinh tế tồi tệ.
Vụ nổ tại Beirut như “giọt nước tràn ly”, khiến sự phẫn nộ của người dân Lebanon với chính quyền như bùng lên. Ngày 8/8, những người biểu tình Lebanon đã xông vào trụ sở các bộ ở thủ đô Beirut và ném rác vào văn phòng Hiệp hội các ngân hàng Lebanon. Người biểu tình xông vào bộ ngoại giao, đốt bức chân dung Tổng thống Michel Aoun - người bị đổ lỗi cho tình trạng lộn xộn hiện tại.
Người biểu tình cũng đột nhập vào bộ kinh tế và năng lượng, hô vang “nhân dân muốn chính quyền từ chức”, yêu cầu các chính trị gia phải từ chức và bị trừng phạt vì sự tắc trách và sơ suất dẫn đến vụ nổ, cũng như tình trạng khủng hoảng mà quốc gia này đã phải hứng chịu trong suốt nhiều năm qua.
Cuộc biểu tình đã nhanh chóng leo thang thành bạo động. Khoảng 10.000 người tập trung tại Quảng trường Liệt sĩ. Cảnh sát bắn hơi cay khi một số người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào chắn một con phố dẫn đến tòa nhà Quốc hội. Cảnh sát xác nhận đã bắn súng và đạn cao su nhưng chưa rõ ai là người bắn. Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào người biểu tình, trong khi người biểu tình đáp trả bằng pháo và đá. Theo Reuters, một cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ do rơi vào trục thang máy của một tòa nhà khi bị những người biểu tình đuổi theo.
Trước sức ép từ dư luận và người dân, ngày 10/8, toàn bộ chính phủ Lebanon đã đồng loạt từ chức. Thủ tướng Hassan Diab đã tới dinh Tổng thống để thông báo với Tổng thống Michel Aoun và thay mặt các bộ trưởng đệ đơn từ chức. Ông Hassan Diab cho biết chính phủ của ông “đứng về phía người dân kêu gọi xử lý những người chịu trách nhiệm gây ra thảm họa” và đó là lý do mà ông quyết định từ chức.
Nội các của Thủ tướng Hassan Diab gồm 20 bộ trưởng. Ít nhất bốn người đã từ chức trong ngày 9 và 10/8. Nội các phải thành lập mới nếu có từ bảy người rời bỏ vị trí. Bản thân ông Diab hôm 9/8 cũng kêu gọi tiến hành bầu cử trước hạn để phá vỡ thế bế tắc, vốn đang đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng mới.
Vụ nổ tại Beirut đã cho thấy sơ suất trong khâu xử lý hàng hóa nguy hiểm có thể gây ra những thiệt hại nặng nề ra sao. Thế giới cần nhìn lại những gì đã và đang xảy ra tại Lebanon và cần phải theo sát những quy định, hướng dẫn nghiêm ngặt và chi tiết trong việc xử lý và lưu trữ hàng hóa nguy hiểm để tránh những trường hợp đầy xót xa này lặp lại.
Các tài liệu cho thấy, cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại kho dự trữ chất nổ khổng lồ ở cảng Beirut đã được đưa ra ít nhất 10 lần trong vòng 6 năm qua. Hải quan Lebanon cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị xử lý lô ammonium nitrate lên chính phủ vào các ngày 21/2, 27/6, 5/12/2014, 6/5/2015, 20/5 và 13/10/2016 và 27/10/2017. |
| Giữa làn sóng giận dữ sau vụ nổ ở Beirut, Thủ tướng Lebanon tuyên bố từ chức TGVN. Ngày 10/8, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab đã chính thức tuyên bố từ chức. Động thái diễn ra giữa lúc sự bất bình và ... |
| Vụ nổ ở Beirut: Pháp kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế, Mozambique liệu có liên quan? TGVN. Ngày 6/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế đối với vụ nổ tại thủ đô Beirut ... |
| Vụ nổ ở Beirut: Không quan tâm giới quân sự nói gì, ông Trump vẫn khẳng định là một cuộc tấn công TGVN. Ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đưa ra nhận định, vụ nổ gây thương vong lớn tại Thủ đô Beirut ... |