Nhỏ Bình thường Lớn

Virus gây Covid-19 đột biến ra sao?

Hơn một năm qua kể từ lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lây rộng khắp thế giới, tạo ra nhiều biến thể nguy hiểm và dễ lây nhiễm hơn virus gốc gấp nhiều lần.

Thế giới đang vô cùng lo ngại trước biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mang tên B.1.617, lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ. Đáng lo ngại, một số biến thể như B.1.617 có thể lây lan dễ dàng hơn, khiến người nhiễm virus bị bệnh nặng hơn hoặc làm giảm tác dụng của vaccine ngừa Covid-19.

Chỉ khi nào Covid-19 được ngăn chặn hoàn toàn, khi đó các biến thể mới sẽ không xuất hiện nữa. (Nguồn: Pixabay)
Chỉ khi nào Covid-19 được ngăn chặn hoàn toàn, khi đó các biến thể mới sẽ không xuất hiện nữa. (Nguồn: Pixabay)

Vì sao xuất hiện biến thể?

Giải thích về vấn đề này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, virus liên tục biến đổi thông qua đột biến và những biến thể mới sẽ dần xuất hiện theo thời gian.

Virus đột biến là điều hoàn toàn bình thường. Điều này xảy ra một cách tự nhiên khi virrus lây nhiễm và bắt đầu nhân lên trong tế bào chủ. Tất cả các virus đều chứa vật chất di truyền dưới dạng ARN hoặc ADN. Tỷ lệ đột biến ở virus ARN thường cao hơn ở virus ADN.

SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là một loại virus corona, một họ virus lớn. Virus corona được đặt tên theo những chiếc gai giống như vương miện trên bề mặt virus. Đây cũng là virus ARN, nhưng có tốc độ đột biến chậm hơn các virus khác.

Khi lây nhiễm vào tế bào chủ, virus sao chép vật liệu di chuyển để có thể tiếp tục đưa virus mới vào tế bào. Những virus mới này cuối cùng được giải phóng khỏi tế bào chủ và có thể lây nhiễm sang các tế bào mới.

Virus sử dụng một loại enzyme gọi là polymerase để sao chép vật liệu di truyền của chúng. Tuy nhiên, các polymerase không hoàn hảo và có thể mắc lỗi trong quá trình sao chép. Những sai lầm này có thể dẫn đến đột biến.

Các nhà khoa học theo dõi những thay đổi ở virus này, bao gồm cả thay đổi trên các gai ở bề mặt của chúng. Những nghiên cứu này đang giúp các nhà khoa học hiểu rõ các thay đổi của virus tác động như thế nào với cách lây lan và điều gì sẽ xảy ra với những người nhiễm biến thể đó.

Hầu hết các đột biến là không có nhiều ý nghĩa, nhưng một số đột biến có thể làm cho virus dễ lây lan hơn, gây chết người hoặc kháng vaccine và kháng thuốc điều trị. Một số biến thể mới hình thành rồi biến mất. Trong các trường hợp khác, biến thể mới xuất hiện và tiếp tục tồn tại.

Thời gian qua, các nhà khoa học đã giải mã trình tự hàng trăm nghìn bộ gen của SARS-CoV-2 và ghi nhận được nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Những biến thể của SARS-CoV-2 đều có các tên gọi rất kỹ thuật như biến thể Anh được đặt tên là 501Y.V1 hoặc VOC2020/01 và thuộc “dòng họ” B.1.1.7. Đối với công chúng, rất khó nhớ được những tên gọi này và thường gọi đơn giản là “biến thể Anh”, “biến thể Brazil”, “biến thể Nam Phi”. Tuy nhiên, các nhà khoa học không đồng tình với tên gọi này vì mang tính kỳ thị đối với những nước đó.

Có bao nhiêu biến thể?

Theo trang web của Bộ Y tế Anh, giới khoa học đã xác định được hơn 4.000 biến thể của SARS-CoV-2. Ngoài những biến thể hiện đang hoành hành nghiêm trọng tại một số quốc gia và được báo chí “chỉ đích danh”, hiện nay còn rất nhiều biến thể khác đang lưu hành.

Mỗi một biến thể lại mang những đột biến đặc biệt. Chính vì số lượng quá nhiều, cùng với mức độ lây nhiễm và sự nguy hiểm khác nhau của các biến thể của Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã sắp xếp các biến thể này thành hai nhóm chính.

Nhóm đầu tiên được gọi là “biến thể đáng lo ngại”. Nhóm này gồm các biến thể được phát hiện tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Bốn biến thể này bị đánh giá là “đáng lo ngại” do khả năng lây nhiễm và độc tính cao khiến dịch thêm trầm trọng và khó kiểm soát.

Ở cấp độ thấp hơn một chút là nhóm “biến thể cần lưu ý” do các đặc điểm di truyền có vấn đề tiềm ẩn nên cần được giám sát. Nhóm này có ba biến thể, được phát hiện đầu tiên ở Scotland, Mỹ và Brazil.

Có rất nhiều biến thể khác nhau vẫn lây lan trên khắp thế giới. Cộng đồng khoa học đang nghiên cứu và cần nhiều tuần hoặc nhiều tháng để đánh giá những biến thể này thuộc dạng “đáng quan ngại” hay chỉ là những biến thể thông thường.

Những biến thể phổ biến

Biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2 mang tên D614G được các nhà khoa học phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 1/2020.

Đột biến này được gọi đơn giản là “G”. Đến tháng 7/2020, khoảng 70% trong số 50.000 bộ gen của virus SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới tải lên cơ sở dữ liệu dùng chung mang biến thể này.

Một số nhà khoa học cho rằng, biến thể G có khả năng lây truyền cao hơn đáng kể so với chủng virus ban đầu. Bởi vì biến thể này có số lượng gai nhiều hơn bốn đến năm lần trên bề mặt của nó. Những chiếc gai này cho phép virus bám vào và lây nhiễm các tế bào.

Biến thể Nam Phi (B.1.351), còn được gọi là 501Y.V2, được tìm thấy ở Nam Phi vào đầu tháng 10 và được công bố vào tháng 12/2020. Biến thể này được xác định ở hơn 20 quốc gia, trong đó có Canada, Australia và Israel.

Biến thể 501Y.V2 có một số điểm tương đồng với biến thể lần đầu tiên được xác định ở Anh và dường như cũng dễ lây lan hơn, nhưng không có bằng chứng cho thấy gây chết người nhiều hơn. Cựu giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb cho rằng, biến thể này có thể kháng nhiều hơn với các liệu pháp kháng thể.

Biến thể P.1 hay còn được gọi là biến thể Brazil, được phát hiện lần đầu tiên bởi các nhà khoa học Nhật Bản vào tháng 1/2021 ở những du khách đến từ Brazil. Biến thể này cũng đã lan rộng đến hơn 10 quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Peru.

Biến thể có khoảng 17 thay đổi so với biến thể gốc. Một số thay đổi được tìm thấy trên protein đột biến của virus, liên kết virus với tế bào. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng chủng này có thể dễ lây lan hơn. Có một số bằng chứng cho thấy kháng thể có thể không nhận ra biến thể P.1, điều này có thể dẫn đến tái nhiễm.

Một biến thể nguy hiểm không kém là B.1.1.7, lần đầu tiên được tìm thấy ở Anh, đặc biệt là ở London và hạt Kent gần đó, vì thế nó còn được gọi là biến thể “Kent”. Nó đã lan nhanh ở Anh, Đan Mạch và Ireland từ tháng 12/2020.

Theo WHO, hiện biến thể B.1.1.7 đã lây lan rộng rãi ở ít nhất 86 quốc gia. Biến thể này có một số đột biến tại protein gai trên vỏ bọc của virus. Bộ Y tế Anh lưu ý B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 50% so với virus corona gốc. Ngoài ra, theo BBC, biến thế này có vẻ như đang tiếp tục đột biến.

Biến thể cuối cùng và mới nhất trong nhóm “biến thể đáng lo ngại” của WHO là B.1.617, hay được gọi là biến thể Ấn Độ.

Biến thể B.1.617 chứa hai đột biến chính với tên gọi E484Q và L452R. Cả hai đều đã được phát hiện có trong nhiều biến thể virus corona khác, nhưng đây là lần đầu tiên chúng được ghi nhận xuất hiện cùng nhau. Chính vì vậy, B.1.617 được gọi là “đột biến kép”. Trên thực tế, nó chứa 13 đột biến khác với các biến thể SARS-CoV-2 trước đây.

Đáng lo ngại hơn, B.1.617 được phát hiện mang ba dạng khác nhau, được đánh số thứ tự là B.1.617.1, B.1.617.2, B.1.617.3. Biến thể số 2 hiện đã được phát hiện tại Anh.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, thế giới sẽ tiếp tục thấy các biến thể mới xuất hiện. Tuy nhiên, giới khoa học khẳng định rằng, có một công cụ quan trọng có thể sử dụng để giúp làm chậm sự lây truyền của virus corona cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới, đó chính là tiêm vaccine.

Theo Healthline, ngay cả khi các loại vaccine hiện tại kém hiệu quả hơn đối với một số biến thể, chúng vẫn cung cấp cho con người sự bảo vệ nhất định trước Covid-19. Ngoài ra, khi nhiều người có một số khả năng miễn dịch, sự lây truyền của virus có thể bị chậm lại. Chính vì vậy, vaccine vẫn là một công cụ mạnh để chống Covid-19.

Nhưng kèm với đó, để bảo vệ cho chính mình, người dân vẫn cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên.

TIN LIÊN QUAN
Dịch Covid-19: Quan chức Ấn Độ, Singapore 'đấu khẩu' về biến thể virus mới
B.1.617: Biến thể Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ nguy hiểm ra sao?
Covid-19: Campuchia cảnh báo về các biến thể virus mới
Covid-19: Biến chủng virus phát hiện ở Ấn Độ - nguyên nhân gây ra làn sóng dịch lây nhiễm nhanh khủng khiếp hiện nay?
Covid-19: Ấn Độ phát hiện biến thể virus nguy hiểm với 3 đột biến có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch

QUANG ĐÀO (tổng hợp)