Theo đó, xuất nhập khẩu của khu vực này tăng mạnh sau nhiều năm yếu kém chủ yếu là do nhu cầu toàn cầu mạnh lên khi chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ tăng. Cùng với đó là sự phục hồi của giá dầu và giá hàng hóa, kết hợp với sự cải thiện trong nhiều hoạt động kinh tế ở Trung Quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vestey Foods) |
Số liệu do Trung Quốc công bố ngày 13/4 cho thấy, dấu hiệu phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ hàng hóa toàn cầu khi xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 16% trong tháng 3/2017. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng 20% cũng là một tín hiệu tốt đối với thương mại ở châu Á, do một tỷ lệ tăng nhỏ trong nhu cầu hàng hóa của nước này cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu tại khu vực.
Nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á là Hàn Quốc cũng ghi nhận việc xuất khẩu tăng tháng thứ ba liên tiếp ở mức hai con số. Xuất khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) tăng 15% trong quý I/2017, khi ngành bán dẫn tăng trưởng mạnh để phục vụ lắp ráp các sản phẩm điện thoại thông minh đời mới nhất. Singapore đang ở thời kỳ xuất khẩu tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Ngay cả nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi trì trệ như Nhật Bản cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về trao đổi thương mại.
Giá dầu và giá hàng hóa khác tăng cũng là nhân tố giúp cải thiện tình hình xuất khẩu ở châu Á. Tính trong cả quý I/2017, dầu mỏ được giao dịch ở mức giá bình quân 54 USD/thùng, tăng mạnh so với mức 34 USD/thùng trong cùng thời điểm năm 2016. Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giá than đá, quặng sắt cũng lần lượt tăng 59% và 77%.
Chuyên gia Rob Subbaraman thuộc tập đoàn Nomura (Nhật Bản) nhận định, đây có lẽ là thời kỳ mà hoạt động ngoại thương ở châu Á phục hồi mạnh nhất sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng ANZ Raymond Yeung nói rằng xuất khẩu tăng cho thấy đà hồi phục của nhu cầu tiêu thụ toàn cầu và gia tăng hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa tại châu Á.
Nhưng cũng chưa thể kết luận liệu đà tăng hiện nay có kéo dài đủ để tác động đến các nền kinh tế châu Á hay không. Châu Á phụ thuộc vào thương mại quốc tế hơn bất kì khu vực nào trên thế giới, và chắc chắn châu lục này không thể có động lực tăng trưởng như kỳ vọng do Mỹ đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xu thế tăng trưởng trên có thể sẽ không bền vững, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi các cuộc đàm phán về thương mại mang tính bảo hộ, bên cạnh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu của nước Anh cũng như những diễn biến địa chính trị căng thẳng mới nhất ở Triều Tiên và Syria.
Ngoài ra, nhu cầu với hàng nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm cũng có thể là nhân tố chặn đà tăng trưởng thương mại của khu vực châu Á trong nửa đầu năm nay, khi Bắc Kinh dần siết chặt lãi suất để kiểm soát bong bóng bất động sản và nợ.