TIN LIÊN QUAN | |
Đối thoại thẳng thắn, thu hẹp khác biệt | |
Ông Trump ra sắc lệnh thay đổi chính sách thị thực cho lao động nước ngoài |
Dưới chính quyền của Tổng thống Obama, chiến lược “xoay trục” sang châu Á, còn gọi là “tái cân bằng” được xem là một trong những di sản đối ngoại nổi bật. Tháng Ba vừa qua, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton công khai tuyên bố “xoay trục” hay “tái cân bằng” là những từ ngữ để miêu tả chính sách châu Á của chính quyền trước, đồng thời cho biết chính quyền Trump có “công thức riêng” với khu vực, dù tới giờ vẫn chưa định hình. Mặc dù khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực tại châu Á song phát biểu của bà Thorton vẫn ít nhiều gây hoang mang về vai trò của châu Á trong tổng thể chính sách đối ngoại sắp tới của Washington.
Chính quyền Trump có “công thức riêng” đối với khu vực, theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Á - Thái Bình Dương. (Nguồn: Hongkongfp.com) |
Điều cốt lõi nhất
Chiến lược “xoay trục” là sáng kiến khu vực, đa tầng nấc về mặt chính sách. Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Đại học George Washington (2013), “xoay trục” tập trung hơn vào Đông Nam Á và Nam Á nhằm bổ sung vào sự can dự mạnh mẽ, mang tính truyền thống của Mỹ tại Đông Bắc Á. “Xoay trục” gồm ba nhóm thành tố chính: an ninh, kinh tế và ngoại giao.
Một báo cáo tháng 11/2015 của Bộ Ngoại giao Mỹ điểm lại các thành tựu nổi bật của chiến lược xoay trục: giúp củng cố quan hệ đồng minh hiệp ước/đồng minh lâu dài của Mỹ với Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan; làm sâu sắc quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Ấn Độ; tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan; thúc đẩy quan hệ hiệu quả với Trung Quốc; tăng triển khai lực lượng và hỗ trợ năng lực quân sự tại khu vực; thúc đẩy liên kết thương mại và đầu tư, trong đó có TPP; đẩy mạnh cấu trúc thể chế khu vực để củng cố trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm việc tham gia EAS và cử đại sứ Mỹ đầu tiên tại ASEAN...
Ngay từ đầu, một số nước ở khu vực Đông Nam Á đã ủng hộ, một cách công khai hoặc không công khai, cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ càng có lý do để duy trì hiện diện. Nay trong bối cảnh chính quyền Mỹ mới chưa định hình được tên gọi của chính sách khu vực, điều cốt lõi nhất mà các nước khu vực, nhất là các nước trong ASEAN, đang theo dõi sát là liệu Mỹ có tiếp tục duy trì cam kết can dự toàn diện, tích cực và lâu dài với khu vực và ASEAN thông qua các cơ chế của ASEAN như ARF, ADMM+, EAS…; tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, tính đoàn kết và trung tâm của ASEAN vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực... hay không.
Các diễn biến mới trong ba tháng qua dường như đang chuyển động theo xu hướng này. Cụ thể, trong tuyên bố chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Donald Trump khẳng định an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương là quan trọng và Mỹ sẽ tăng cường hiện diện tại khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng nhắc lại cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác khu vực để đảm bảo hòa bình, an toàn và tự do. Trong phiên điều trần tháng 1/2017, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào ARF, EAS và APEC..., xem đây là ưu tiên cao của Washington.
Có thể thấy, mặc dù cụm từ “tái cân bằng” hay “xoay trục” đã trở thành dĩ vãng, tầm quan trọng của khu vực vẫn là “mỏ neo” quan trọng nhất giữ chân Mỹ tiếp tục can dự. Tuy nhiên, ưu tiên của chính sách khu vực mới có thể sẽ có những điều chỉnh nhất định... Theo đề xuất ngân sách tài khóa 2018 của Tổng thống Trump, chi tiêu quốc phòng được tăng 10%, từ 550 lên 603 tỷ USD, trong khi tổng chi tiêu cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID) giảm 37%, từ 54 xuống 34 tỷ USD. Nếu ngân sách này được thông qua, dự cảm cho một nước Mỹ mạnh mẽ và quyết đoán hơn về quân sự sẽ càng trở nên rõ nét. Phân bổ ngân sách cho từng khu vực hiện vẫn chưa rõ, song chắc chắn sẽ tác động nhất định đến châu Á - Thái Bình Dương.
Hội tụ cạnh tranh chiến lược
Về địa chiến lược, châu Á án ngữ các tuyến đường biển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khống chế phần lớn các hoạt động buôn bán và vận chuyển năng lượng của thế giới. Đây là con đường huyết mạch có ý nghĩa sống còn không những đối với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc mà còn với các nước ven bờ Thái Bình Dương và các châu lục. Là cường quốc quân sự toàn cầu, Mỹ cần được đảm bảo quyền tự do ra vào khu vực này. Do đó, việc tăng cường hiện diện ở châu Á là lựa chọn tất yếu của Washington.
Về địa kinh tế, châu Á là thị trường lớn đối với Mỹ, giúp tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Ở chiều ngược lại, sự phát triển của châu Á rất cần quan hệ hợp tác với Mỹ. Tính đến tháng 1/2017, 6 trên tổng số 15 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ nằm ở châu Á - Thái Bình Dương, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, ASEAN đứng đầu danh sách các quốc gia châu Á nhận đầu tư từ Mỹ (đạt 54 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2014). Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông chứa xấp xỉ 11.000 tỷ thùng dầu và hơn 5.000 tỷ m3 khí ga tự nhiên.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt địa chiến lược và kinh tế, châu Á - Thái Bình Dương còn là điểm hội tụ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Với Trung Quốc, cạnh tranh chiến lược tại khu vực Đông Nam Á là mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại. Nhiều chuyên gia cho rằng sau đợt “tấn công quyến rũ” lần thứ nhất (giai đoạn 1997-2008), Trung Quốc bắt đầu tiến hành đợt “tấn công” mới trên các lĩnh vực từ chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư...
Về đa phương, sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được xem là công cụ đầu tiên để Trung Quốc hiện thực hóa chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBOR), tạo ra xu thế hướng tâm vào Trung Quốc, quan trọng hơn là gây ra sự ly tâm kinh tế và chiến lược giữa ASEAN và các cường quốc khác, trong đó có Mỹ.
Việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo động lực để Trung Quốc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trên thực tế, không chỉ Trung Quốc mà các nhân tố khác cũng nổi lên để lấp chỗ trống của TPP. Tháng 3/2017, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN tuyên bố khôi phục đàm phán thỏa thuận thương mại tự do. Đại sứ các nước Liên minh Thái Bình Dương-PA (gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru) tại ASEAN cũng nhắc lại đề xuất tăng cường hợp tác thương mại ASEAN-PA để thay cho TPP.
Về song phương, Trung Quốc tăng cường sử dụng đòn bẩy kinh tế để gia tăng ảnh hưởng với một số nước. Trong khi viện trợ của Mỹ thường đi kèm các điều kiện khó khăn, công thức đầu tư - cho vay của Trung Quốc thường khá đơn giản: lãi suất ở mức thấp hoặc thậm chí bằng 0, không đòi hỏi báo cáo kết quả triển khai. Gần đây, Nhật Bản cũng thúc đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ lại không thể duy trì và gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng ở mức cao nhất khi phải thông qua các đồng minh.
Các điểm nóng không thể bỏ qua
Bên cạnh vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ sẽ không thể buông hai điểm nóng khác ở châu Á - Thái Bình Dương là an ninh hàng hải (tại Biển Đông, Hoa Đông) và chương trình hạt nhân - tên lửa của Triều Tiên.
Trong khi các diễn biến trên Biển Đông tiếp tục phức tạp, Philippines cũng là biến số khó lường. Theo nhận định của các chuyên gia về khu vực, thay vì duy trì đà tích cực của phán quyết của Tòa Trọng tài, Tổng thống Rodrigo Duterte lại tranh thủ “củ cà rốt” của Trung Quốc đồng thời muốn độc lập hơn với Mỹ - đồng minh lâu năm về mặt chính sách. Mới đây, Philippines cho biết sẽ không đề cập đến phán quyết của Tòa trong Năm Chủ tịch ASEAN 2017, lấy lý do vấn đề này đã là nguyên tắc.
Ngoài ra, gần đây, khu vực liên tiếp chứng kiến các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Sau vụ phóng tên lửa mới Pukgukdong-2 và tiếp đó là bốn tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản. Tuần trước, căng thẳng Washington – Bình Nhưỡng đột ngột leo thang khi Tổng thống Trump cử một đội tàu sân bay Mỹ tiến gần bán đảo Triều Tiên. Ngày 16/4, Triều Tiên được cho là đã tiến hành một vụ thử tên lửa mới tại khu vực gần thành phố Sinpo, nhưng quả tên lửa này “nổ ngay lập tức” khi mới được phóng đi.
Từ những phân tích trên, có thể nói rằng, chính quyền Tổng thống Trump khó có thể bỏ qua một khu vực có tầm quan trọng chính trị, chiến lược và kinh tế như châu Á - Thái Bình Dương, dẫu cho tên gọi của chính sách mới là gì đi nữa.
*/Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Nhật Bản, Mỹ bắt đầu cuộc đối thoại kinh tế cấp cao Ngày 18/4, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc đối thoại kinh tế song phương cấp cao để mở đường cho sự hợp tác ... |
Ông Trump ra sắc lệnh thay đổi chính sách thị thực cho lao động nước ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang giới thiệu các thay đổi về việc cấp thị ... |
Mỹ: FTA giữa Hàn Quốc - Mỹ cần xem xét, sửa đổi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 18/4 đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc rằng chính quyền của Tổng thống ... |