Xung đột Armenia-Azerbaijan tiếp tục leo thang căng thẳng sau những diễn biến của hôm 11/10. (Nguồn: AP) |
Nỗ lực cạnh tranh địa chính trị
Trong khi đó, những diễn biến mới về cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh hé lộ phần nào ý đồ của các nước liên quan trong nỗ lực cạnh tranh địa chính trị.
Theo Tạp chí Expert của Nga, nhìn từ quan điểm của các nhà lãnh đạo quốc tế, Azerbaijan và Armenia không phải là hai tác nhân chính của cuộc chiến tại Thượng Karabakh. Bởi vì Washington, Moscow và Liên minh châu Âu (EU) xem xung đột tại vùng Nam Caucasus có yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay, Azerbaijan chỉ huy động một phần nhỏ binh lực, chưa sử dụng hỏa lực áp đảo để xuyên thủng các phòng tuyến của Armenia. Có lẽ, Baku đang áp dụng chiến thuật của Ankara khi can thiệp đánh người Kurd ở miền Bắc Syria và Iraq. Trước hết, mục tiêu là làm đối phương tiêu hao lực lượng và vũ khí ít ỏi với những trận đánh không có kết quả quyết định, sau đó mới huy động đại binh với vũ khí mạnh để tiêu diệt đối phương.
Phản ứng của quốc tế không chậm chút nào. Ba đồng chủ tịch nhóm trung gian hòa giải Minsk gồm Nga, Mỹ và châu Âu trong Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã tức tốc ra thông cáo lên án chiến sự. Tuy nhiên, chưa một tổ chức quốc tế nào lên án đích danh một phe gây chiến.
Chỉ có Tổng thống Pháp là người đầu tiên nói đến thông tin “có lực lượng thánh chiến Syria chiến đấu bên cạnh Azerbaijan”. Nếu tin này được chính thức công nhận thì tình hình sẽ thay đổi. Iran có thể sẽ đóng vai trò năng nổ hơn. Báo Nga giải thích: "Khi Azerbaijan sử dụng thiết bị không người lái của Israel trong cuộc chiến thì điều đó chứng tỏ Baku không thật sự là bạn của Tehran".
Tuần báo Pháp Le Point cùng nhận định: "Tổng thống Erdogan lợi dụng xung khắc Armenia và Azerbaijan để củng cố quyền lực chính trị. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để ngăn chặn nhà lãnh đạo ôm giấc mơ tái tạo thời vàng son đế chế Ottoman đi quá xa?".
Triết gia Bernard- Henri Lévy đưa ra chiến thuật 3 bước: Thứ nhất, phải đình chỉ tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy là thành viên NATO nhưng Ankara vẫn chơi nước đôi, liên hệ với hai nhóm khác do Trung Quốc và Nga thành lập. Sử dụng phi cơ F16 của Mỹ nhưng mua tên lửa phòng không của Nga. Là bạn của châu Âu nhưng thảm sát chiến binh người Kurd, đồng minh của châu Âu.
Thứ hai là cô lập Qatar - nhà tài trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba phải cảnh báo ông Erdogan, châu Âu không phải là mảnh đất để chinh phạt như thời Soliman, Mehmed II và Enver Bacha.
Thỏa thuận ngừng bắn còn xa vời
Bài xã luận ngắn của Libération mang tựa đề “Vòng xoáy” lột tả bản chất cuộc chiến đồng thời đặt câu hỏi về cơ hội hòa bình. Thượng Karabakh, với đại đa số dân cư là người Armenia, nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, không chỉ là vấn đề giữa hai nước láng giềng thuộc Liên Xô. Có thể nói đây chủ yếu là cuộc đối đầu giữa dân tộc Armenia nhỏ bé với tham vọng đế chế của Thổ Nhĩ Kỳ, có cội rễ từ hơn thế kỉ nay.
Để thoát khỏi vòng xoáy xung đột hiện nay, tờ Libération cho rằng, chắc chắn không phải là đưa thêm vũ khí đến vùng tranh chấp, và công khai đứng về một bên. Có hai vấn đề đặt ra cần hoá giải: Azerbaijan “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, còn người Armenia tại Thượng Karabakh “bảo vệ bản sắc của mình”. Pháp và Đức phải nỗ lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ủng hộ Azerbaijan về quân sự. Còn nước Nga cần đứng ra đảm nhiệm vai trò trọng tài, hòa giải hai nước từng thuộc Liên Xô.
Liên quan xung đột tại Nagorno-Karabakh, lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan dưới vai trò trung gian của Nga đã đổ vỡ hôm 11/10 với việc hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên từng nhất trí trước đó.
Các vụ nổ đã làm rung chuyển khu vực dân cư và làm đẩy cuộc xung đột vốn kéo dài 2 tuần qua lên một nấc thang mới. Chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Armenia cáo buộc Azerbaijan tấn công khu vực gần thị trấn Kapan ở miền Đông Nam Armenia. Trong khi đó, quân đội Azerbaijan cáo buộc Armenia tấn công các khu vực của mình, đồng thời tố cáo chưa đủ các điều kiện để thực thi lệnh ngừng bắn.
Theo AFP, xung đột tái phát trở lại này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tổng lực có sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hậu thuẫn Azerbaijan, với Nga vốn có hiệp ước quân sự với Armenia. Trong một bình luận trên mạng xã hội Twitter, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Armenia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đồng thời cáo buộc Yerevan phạm “tội ác chiến tranh và các tội ác chống lại loài người”.
Armenia và lãnh đạo thế giới gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều chỉ trích việc điều động các tay súng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria và Libya để hỗ trợ quân đội của Azerbaijan.
Theo nhận định của AP, vai trò hiện hữu của Ankara trong cuộc xung đột này đã "làm phiền lòng" Nga vốn có một căn cứ quân sự ở Armenia. Theo hiệp ước an ninh giữa Nga và Armenia, Moscow có nghĩa vụ hỗ trợ đồng minh của mình khi bị vướng vào tình trạng gây hấn.
Tuy nhiên, Nga đồng thời lại tìm cách duy trì quan hệ kinh tế và chính trị bền chặt với Azerbaijan nhiều dầu khí. Moscow cũng cản trở những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Caucasus mà không hủy hoại mối quan hệ nhạy cảm của mình với Ankara.
Một lệnh ngừng bắn kéo dài tại Nagorno-Karabakh sẽ giúp Moscow cản trở nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực sân sau của Nga mà không gây tổn hại đến mối quan hệ chiến lược với Ankara.