Như vậy một chương dài lịch sử dính líu của phương Tây tại Sudan đã chấm dứt, một chương mới mở ra. Từng là quốc gia lớn nhất châu Phi tính theo km2, Sudan bị chia rẽ bởi vô số cuộc khủng hoảng không hồi kết. Lần này, chia lãnh thổ rộng lớn thành hai quốc gia đã giải quyết được xung đột Bắc-Nam, nhưng không tận gốc rễ. Cuộc xung đột Darfur chưa có hồi kết. Giao tranh đã nổ ra ở tỉnh biên giới có nhiều dầu mỏ Nam Kordofan tháng trước. Trong khi đó, những thành phần cứng rắn trong chính quyền Khartoum của Tổng thống Sudan Al-Bashir dường như đang thắng thế với chính sách trừng phạt những phần tử chống đối như một nỗ lực đối phó với sự ly khai.
Dù lạc quan, nhưng Nam Sudan không có triển vọng sáng sủa hơn. Quốc gia mới này bắt đầu từ số 0 - thiếu đường sá, trường học, bác sĩ..., trong khi cái không thiếu là vũ khí, thanh niên thất nghiệp và sự chia rẽ bộ lạc.
Dĩ nhiên, Nam Sudan cũng có tiềm năng kinh tế với trữ lượng dầu mỏ lớn, những cánh đồng lớn màu mỡ, nhưng sẽ khó phát triển khi sự bất ổn khiến 1.800 người thiệt mạng trong năm nay không được hạn chế. Ngoài ra, về chính trị, các lãnh đạo nổi dậy dường như đang bắt chước các chính trị gia miền Bắc. Hôm 7/7, 8 thành viên đối lập, trong đó có thủ lĩnh phe đối lập nhỏ trong QH, bị bắt. "Chính phủ phải chấp nhận sự tồn tại của phe đối lập", đặc phái viên Mỹ tại Sudan Princeton Lyman nói. "Họ phải cởi mở về điều này".
Đó chỉ là một trong số nhiều việc hai nước Sudan phải chấp nhận để có thể giải quyết các vấn đề bên trong. Nhưng bên ngoài, họ phải nhận thức được sự ràng buộc không thể tách rời giữa hai bên. "Cả hai nước vẫn còn dễ bị tổn thương cho đến khi họ đạt đến một thỏa thuận nào đó cho phép cùng hợp tác", Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại QH Mỹ nói. Cả hai miền cần phải thúc đẩy một thỏa thuận khai thác và vận chuyển dầu, nhưng điều này không đơn giản. Trong khi đó, Tổng thống Salva Kiir mới nhậm chức khẳng định sẽ không "bỏ rơi" những người đã từng đứng về phía họ trong chiến tranh. Các cuộc đàm phán Bắc-Nam do Liên minh châu Phi làm trung gian đang đứng trước nguy cơ thất bại. Ông Kiir từng nói sẽ không bao giờ đẩy người của mình trở lại chiến tranh, nhưng không ai biết trước điều gì xảy ra. Cả hai miền Nam Bắc đều đang tái bố trí lại lực lượng dọc biên giới. Và với độc lập trong tay, Nam Sudan có thể sẽ không "chơi đẹp" nếu bị kích động.
Trên thế giới từng có nhiều tiền lệ ly khai như Đông Timor ở Indonesia năm 2002 và Eritrea năm 1993 với tiến triển dân chủ ở Đông Timor và viễn cảnh tồi tệ hơn ở Eritrea. Với Nam Sudan, thật dễ phác ra viễn cảnh tồi tệ trong khi khó mà nhìn thấy triển vọng sáng sủa. Thách thức hiện nay của nước này có thể chưa phải là khó nhất: Nhận thức rõ tự do thực sự có nghĩa là gì.
Phương Nguyên (gt)