TIN LIÊN QUAN | |
Morocco - cửa ngõ để Trung Quốc vào châu Phi? | |
Tại sao nên đầu tư vào châu Phi? |
Không thể phủ nhận việc TQ tăng cường cam kết tại châu Phi và trên toàn cầu đã có những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước tiếp nhận. Nghiên cứu của AidData trên 4.300 dự án của TQ tại 138 nước cho thấy, các dự án ODA của TQ có tác động tích cực đến nền kinh tế nước tiếp nhận chỉ sau 2 năm triển khai, trung bình giúp tốc độ phát triển của các nước này tăng thêm 0,4%. Đa số nước châu Phi đánh giá cao đầu tư của TQ ở khía cạnh tốc độ triển khai, lãi suất thấp, thời hạn trả nợ dài, không kèm theo ràng buộc về chính trị…
Đối tác phát triển phù hợp nhất
Cựu Tổng thống Senegal A.Wade nói: “TQ giúp các nước châu Phi xây dựng cơ sở hạ tầng với thời gian kỷ lục… 1 hợp đồng cần đến 5 năm để đàm phán, ký kết với WB chỉ cần 3 tháng khi thực hiện với TQ”.
Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 3 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh China Daily) |
Theo nghiên cứu của Earn & Young, đầu tư của TQ đã giúp giảm 40% giá cả hàng hóa và dịch vụ tại thị trường châu Phi, cải thiện đáng kể công nghệ sản xuất. Đầu tư của TQ cũng được đánh giá là hướng đến nhu cầu thiết thực nhất của người dân như năng lượng và giao thông vận tải. 600 triệu người dân châu Phi không có điện, hàng năm châu Phi cần 170 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng... |
Thống kê của Afrobarometer cho thấy 24% người dân châu Phi đánh giá TQ là mô hình phù hợp nhất cho phát triển kinh tế, chỉ xếp sau Mỹ (30%). So với các nước phương Tây, TQ cũng được đánh giá cao hơn nhờ đầu tư vào các khu vực nội địa, kém phát triển, phát triển hạ tầng hướng biển, cải thiện thông thương hàng hóa, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo. Các dự án của TQ giúp tạo hàng trăm nghìn việc làm, giúp người dân châu Phi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới với giá cả cạnh tranh.
Hình ảnh của TQ nhìn chung vẫn hấp dẫn được các nước châu Phi, được các nước đánh giá cao, như là hình mẫu của hợp tác Nam-Nam. Theo thống kê của Afrobarometer, 63% người dân châu Phi có đánh giá tích cực về ảnh hưởng kinh tế - chính trị của TQ, trong đó các khía cạnh được đánh giá cao nhất là đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng (32%), giá cả hàng hóa (23%), đầu tư của doanh nghiệp (16%), hỗ trợ của TQ trên các diễn đàn quốc tế (6%), chính sách không can dự (5%)…
Quan tâm của châu Phi đối với TQ được thể hiện rõ nét qua Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác TQ-châu Phi (FOCAC) vừa được tổ chức tại TQ từ ngày 3-4/9/2018. FOCAC thứ 7 này được đánh giá là hội nghị quy mô, thành công nhất. Với sự tham dự của 53 nước châu Phi, trong đó 45 nước ở cấp nguyên thủ, tổng vốn cam kết lên tới 60 tỷ USD trong 3 năm, Hội nghị là dịp để TQ khẳng định vai trò là đối tác phát triển phù hợp nhất của châu Phi, thể hiện quyết tâm, cam kết lâu dài của cả hai bên thúc đẩy và biến quan hệ Trung-Phi thành hình mẫu hợp tác Nam-Nam.
Ngoại giao bẫy nợ?
Đến nay TQ đã thu hút được 9 nước châu Phi tham gia BRI và đang tiếp tục thảo luận với hơn 20 nước khác, nhiều nước trong số đó đang ngày càng phụ thuộc vào vay nợ TQ. Cá biệt, nợ TQ của Djibouti đã chiếm tới 77% nợ nước ngoài và 88% GDP của nước này. |
FOCAC 7 đánh dấu chặng đường 18 năm đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa TQ và châu Phi kể từ FOCAC 1 (2000). Gần hai thập kỷ qua, tình hình thế giới và hợp tác hai bên đã có nhiều chuyển biến. Ngoài các khía cạnh tích cực, hợp tác, đầu tư của TQ tại châu Phi cũng mang đến nhiều mặt trái, thường được phương Tây chỉ trích là quan hệ “bất cân đối”, lợi ích “một chiều”, “chủ nghĩa thực dân mới”, “ngoại giao bẫy nợ”, khai thác bóc lột tài nguyên, lao động… TQ từ một nền kinh tế thứ 6 thế giới 20 năm trước, với GDP bình quân đầu người chưa đến 1.000 USD, đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc, tăng hơn 10 lần về quy mô và trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới. Trong khi đó, châu Phi dù có những phát triển nhất định, vẫn là châu lục kém phát triển, dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô và ngày càng phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, đặc biệt từ TQ.
Gần đây, dư luận một số nước châu Phi như Ghana, Zambia… nghi ngại trước sự phụ thuộc, thiếu minh bạch của vốn vay TQ, phản đối tiêu chuẩn thấp về điều kiện lao động, môi trường, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội đối với các nước tiếp nhận. Mặc dù TQ luôn được tuyên truyền là đối tác phát triển của toàn bộ các nước châu Phi, trên thực tế hợp tác của TQ với châu lục chỉ tập trung vào một số nước “chọn lọc”. Hơn nửa vốn vay của TQ dành cho châu Phi chỉ tập trung vào 5 đối tác như CH Congo, Kenya, Ethiopia..., hơn nửa lượng hàng hóa nhập khẩu là từ Angola và Nam Phi, gần như toàn bộ FDI chỉ tập trung vào 6 nước... Phần lớn quốc gia trên đều giàu tài nguyên, khoáng sản, đất đai hoặc có nguồn nhân công dồi dào.
Với lợi thế là nước cho vay có nguồn tài chính dồi dào, TQ buộc các nước phải chấp nhận luật chơi tài chính của mình và thường không theo các tiêu chuẩn quốc tế truyền thống. Các dự án này thường được thực hiện dưới dạng đổi hạ tầng lấy tài nguyên thiên nhiên, trong nhiều trường hợp thường kèm theo ràng buộc phải sử dụng nhà thầu, nhân công, công nghệ và vật liệu của TQ, không qua đấu thầu quốc tế. Sự “mập mờ” của các hợp đồng vay vốn TQ thường đi kèm với tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém tại hầu hết các nước châu Phi. Theo nghiên cứu của AidData, rất nhiều dự án TQ hỗ trợ tài chính được thực hiện tại quê hương của các lãnh đạo châu Phi (nhiều hơn gấp 3 lần so với các nơi khác theo một thống kê của Washington Post) hoặc là các dự án xây dựng trụ sở phục vụ cho Tổng thống, Quốc hội, các Bộ, ngành…
Các dự án của TQ thường bị phương Tây “gắn mác” kém hiệu quả so với số vốn lớn bỏ ra. Các sân bay chỉ phục vụ vài hành khách, nhiều cầu, trường học không có giá trị sử dụng… Nhiều thống kê cho thấy khoảng cách lớn giữa việc TQ cam kết và thực hiện, trong nhiều trường hợp, tỷ lệ giải ngân thực tế của các dự án chỉ đạt 10% so với cam kết.
TQ đã giúp châu Phi xây dựng 6.500km đường sắt, hơn 6.000km đường cao tốc, 200 trường học, 80 sân vận động, hàng chục cơ quan chính quyền, cảng hàng không và cảng biển… |
Bên cạnh đó, nội bộ TQ gần đây cũng xuất hiện dư luận chỉ trích chính sách của chính phủ, hỗ trợ tài chính quá nhiều cho các nước đang phát triển, trong khi lợi ích kinh tế đem lại chưa rõ ràng, kinh tế trong nước khó khăn, nguy cơ nợ xấu tăng cao và vẫn còn 100 triệu người TQ đang sống ở mức nghèo.
IMF, G20 và Mỹ gần đây đều cảnh báo các nước châu Phi đang quá phụ thuộc vào nợ TQ, nếu tiếp tục tham gia vào các dự án có tổng trị giá hàng nghìn tỷ USD của Sáng kiến Vành Đai và Con đường (BRI) sẽ rơi vào “bẫy nợ” do TQ khéo léo sắp đặt, có nguy cơ đánh mất chủ quyền. Bài học gần đây của các nước châu Á tham gia vào BRI như Sri Lanka, Malaysia, Pakistan… càng củng cố thêm luận điểm trên. Tháng 8/2018, Thủ tướng Malaysia tuyên bố hủy một số dự án hạ tầng trị giá 20 tỷ USD với TQ, bày tỏ lo ngại BRI có thể đưa nước này vào bẫy nợ và nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới.
Với vị trí chiến lược ở Biển Đỏ, nơi đặt căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài của TQ, phương Tây lo ngại sự phụ thuộc của Djibouti khiến nước này sẽ bị TQ chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến hiện diện quân sự của các nước khác tại đây như Mỹ, Pháp… cũng như cho phép TQ kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng nối châu Á với châu Âu qua Biển Đỏ.
“Cùng thắng?”
Việc TQ tăng cường hiện diện tại châu Phi, một mặt đem lại lợi ích đáng kể cho các nước khu vực, mặt khác cũng gây ra các hệ lụy, cạnh tranh và những xung đột lợi ích. Các hệ lụy trên buộc cả TQ và châu Phi đang có những điều chỉnh nhất định.
Sau giai đoạn dài hợp tác, châu Phi ngày càng có ý thức hơn về quan hệ “bất cân xứng”, một chiều, nguy cơ trong hợp tác thương mại, đầu tư với TQ và có chiến lược hợp tác hiệu quả hơn, lôi kéo thêm sự quan tâm của nhiều bên để làm đòn bẩy trong đàm phán. Trước các chỉ trích của cộng đồng quốc tế, vừa khẳng định vai trò và ảnh hưởng của mình tại châu Phi, vừa đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế trong nước, TQ gần đây có xu hướng hạn chế “lạm phát” cam kết tài chính cho châu Phi, nhấn mạnh hơn về tính hiệu quả, cùng có lợi của hợp tác, trên các lĩnh vực phát triển bền vững như kinh tế xanh, phát triển sinh thái, bảo vệ môi trường…
600 năm trước, hải trình của Đô đốc Trịnh Hòa đã đặt nền móng cho quan hệ hợp tác TQ và châu Phi. 600 năm sau, TQ đang từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” để tái khẳng định vị thế cường quốc hàng đầu. Chính sách đối ngoại của TQ coi châu Phi là mảnh đất nhiều tiềm năng, là môi trường để TQ khẳng định vai trò cường quốc dẫn dắt, tập hợp lực lượng thách thức trật tự thế giới cũ.
Trên tuyến đường mà Trịnh Hòa đã đi qua, TQ đang viết tiếp lịch sử hợp tác với châu Phi bằng các dự án quy mô thuộc hành lang trên biển BRI. Với đan xen lợi ích ngày càng phức tạp của môi trường quốc tế mới, với việc các nước lớn và các cường quốc mới nổi đang bày tỏ sự quan tâm đến châu Phi, TQ sẽ cần tiếp tục điều chỉnh để chứng minh mình thực sự là đối tác phát triển ưu việt, phù hợp nhất và thực sự là “cùng thắng” với các nước châu Phi.
Nam Phi thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc Tổng thống Cyril Ramaphosa đã rời Nam Phi ngày 31/8 để lên đường thăm chính thức Trung Quốc. |
Bình luận của TG&VN: Đức - Anh cạnh tranh ở châu Phi Sau Pháp, lãnh đạo Anh và Đức, hai quốc gia có ảnh hưởng lớn trong Liên minh châu Âu (EU), sẽ liên tục công du ... |
Trung Quốc thay người đảm nhiệm nhiệm vụ cải thiện hình ảnh quốc gia "Ông trùm" Internet đồng thời là trợ lý thân cận của ông Tập Cận Bình sẽ đảm trách nhiệm vụ thúc đẩy hình ảnh Trung ... |