Những điểm bất đồng vớiTổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày càng gia tăng đã khiến cựu Thủ tướng Edouard Philippe phải từ chức vào hôm 3/7. (Nguồn: AP) |
Từng thống nhất về hầu hết các đường lối cải cách, ông Édouard Philippe và Tổng thống Emmanuel Macron liên tục thể hiển sự gần gũi. Tuy nhiên, những điểm bất đồng lớn dần lên, thường là trên nền tảng các cuộc cải cách, dẫn đến thời điểm “hạ cánh” của một thủ tướng đang được dư luận đánh giá cao sau thời gian phong tỏa đất nước, người vừa tái đắc cử vào chức thị trưởng thành phố cảng Le Havre.
Và dưới đây là 5 điểm bất đồng lớn giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất nước Pháp:
Tăng thuế nhiên liệu
Quyết định tăng thuế nhiên liệu đã làm bùng phát cuộc nổi dậy của những người theo phong trào “Áo vàng”. Mức tăng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng, buộc Thủ tướng Philippe phải khẩn trương công bố lệnh tạm hoãn tăng thuế.
Chưa đầy 24 giờ sau quyết định của ông Philippe, vào tối 5/12/2018, Điện Élysée đã công bố quyết định từ bỏ hoàn toàn mức tăng dự kiến ban đầu. Cùng thời gian đó, Hạ viện đã kết thúc 5 giờ họp phiên toàn thể để chuẩn bị bỏ phiếu quyết định của ông Philippe.
Đây không chỉ là một sự xáo trộn, mà là một bất đồng thực sự tại thời điểm đó. Tổng thống Macron đã nhấc điện thoại để yêu cầu ông François de Rugy, khi đó là Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái, đến tham gia bản tin trực tiếp trên kênh truyền hình BFMTV để xác nhận rằng việc tăng thuế nhiên liệu đã bị "hủy bỏ cho năm 2019".
Tổng thống Macron và Thủ tướng Philippe chưa bao giờ thể hiện sự khác biệt như vậy kể từ năm 2017.
Giới hạn tốc độ tối đa 80 km/h trên tỉnh lộ
Luật về giới hạn tốc độ tối đa ở mức 80 km/h, thay vì 90 km/h, trên tỉnh lộ là điểm xung đột thứ hai giữa Tổng thống và người đứng đầu Chính phủ. Khi tự mình quyết định biện pháp này, ông Philippe đã quay lưng lại với phần lớn người dân Pháp, cũng như các dân biểu, những người đã trách chính phủ không hỏi ý kiến tham vấn trước khi ban hành quy định.
Trước sự không hài lòng của chính quyền địa phương và sự tức giận của những người theo phe “Áo vàng”, Tổng thống Macron đã phải đưa ra quyết định.
Trong khuôn khổ của cuộc thảo luận quốc gia, một sáng kiến nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng xã hội, ông Macron đã mở ra khả năng điều chỉnh giới hạn tốc độ trên đường tỉnh lộ, dù mức 80 km/h vẫn luôn được Thủ tướng Philippe bảo vệ. Nhất là khi vấn đề này đã không nằm trong các cam kết thuộc chương trình tranh cử tổng thống của ứng cử viên Emmanuel Macron trước đây.
Tuy vậy, ông Macron vẫn tỏ thái độ quan tâm đến ông Philippe, khi thường xuyên khẳng định rằng "Chính phủ đã đúng khi tìm cách giải quyết vấn đề mất an toàn giao thông đường bộ".
Tăng tuổi về hưu
Đây là "ranh giới đỏ" của tổ chức công đoàn CFDT mà ông Philippe đã vượt qua, khiến nước Pháp rơi vào thời kỳ rối ren dài nhất khi các cuộc đình công liên tiếp nổ ra. Độ tuổi về hưu được ấn định là 64 trong dự án cải cách hệ thống lương hưu, thay vì 62 như trước đây, cũng như quy định giới hạn tốc độ tối đa 80 km/h, là biện pháp mà Thủ tướng Philippe mong muốn áp dụng.
Ông Philippe không có ý định buông tay, khi ông vẫn bảo vệ dự định của mình trong bài phát biểu trước Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường vào ngày 11/12/2019. Tuy nhiên, biện pháp này chưa từng nằm trong chương trình hành động của Tổng thống Macron khi ông là ứng cử viên tổng thống.
Lúc đầu, ông Macron đồng ý với ông Philippe. Nhưng sau đó ông tuyên bố "sẵn sàng" cải thiện dự án, đặc biệt liên quan đến vấn đề tuổi về hưu, rồi ông chìa tay với các đối tác xã hội để xoa dịu cơn tức giận của họ. Và cuộc khủng hoảng y tế tràn đến... Cho đến hiện nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Nguy cơ sụp đổ kinh tế quốc gia
Trong buổi trình bày kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa quốc gia trước Hạ viện vào ngày 28/4/2020, ông Philippe đã lo lắng về nguy cơ sụp đổ kinh tế đất nước, trong trường hợp lệnh phong tỏa kéo dài. Tổng thống Macron phủ nhận nguy cơ này một tuần sau đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
"Tôi đo lường được cú sốc kinh tế" do cuộc khủng hoảng y tế gây ra, Tổng thống Macron tuyên bố. Vài giờ sau đó, Thủ tướng Philippe nhắc lại nỗi lo ngại về một sự “sụp đổ” trong trường hợp lệnh phong tỏa kéo dài.
Như vậy, đây là lần đầu tiên, sự khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Pháp được thể hiện công khai. Nó minh họa bất đổng quan điểm ở cấp cao nhất của Nhà nước, đến mức làm mờ thông điệp giữa cuộc khủng hoảng y tế, trong khi căng thẳng giữa Phủ Tổng thống Elysée và Phủ Thủ tướng Matignon, dù hai bên vẫn luôn phủ nhận, đã bị phơi bày trong quá trình chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa.
Tổng thống Macron tìm cách dẫn dắt đất nước, trong khi ông Philippe buộc phải lên kế hoạch các phương thức thực hiện phong tỏa và dỡ bỏ phong tỏa trong vai trò của người thực thi.
Căng thẳng về tốc độ dỡ bỏ phong tỏa
Nếu cuộc khủng hoảng y tế đã làm lộ một số căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo đất nước, thì điểm đáng chú ý nhất là tốc độ dỡ bỏ phong tỏa quốc gia. Khi ông Philippe tỏ ra thận trọng và đề nghị lùi lại ngày nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, Tổng thống Macron lại tăng tốc. Việc công bố lệnh dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 11/5 vừa qua đã được chính vị nguyên thủ quốc gia tự mình quyết định.
Một bất đồng khác, phản ánh sự gia tăng căng thẳng giữa 2 nhà lãnh đạo, đã được xác nhận bởi ông Philippe de Villiers, chủ nhân của công viên giải trí Puy-du-Fou. Lời đề nghị mở lại công viên nổi tiếng trên đã bị thủ tướng Philippe từ chối. Tổng thống Macron cuối cùng đã cho phép mở cửa công viên từ ngày 11/6.
Ông de Villiers, cựu Bộ trưởng Truyền thông dưới thời Tổng thống Jacques Chirac và cựu Chủ tịch đảng Phong trào vì nước Pháp, đã đề cập đến nhiều đơn khiếu nại về việc xử lý đại dịch của ông Philippe. Ông de Villiers cho biết Tổng thống Macron “khá cay đắng” khi thấy ông Philippe có chỉ số tín nhiệm cao hơn, trong khi trên thực tế, chính Tổng thống là người muốn nới lỏng cách ly xã hội nhanh hơn.