📞

5 thập kỷ kể từ khi bóng bàn giúp Mỹ và Trung Quốc 'chạm' vào nhau

Thục Anh 14:00 | 08/04/2021
Năm 1971, khi quan hệ Mỹ-Trung đang bế tắc, ngoại giao bóng bàn đúng thời điểm đã giúp kết nối Washington và Bắc Kinh.
Ngoại giao bóng bàn diễn ra đúng thời điểm đã giúp đảo chiều quan hệ Mỹ-Trung. (Nguồn: AP)

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang dần "hóa băng" sau những nỗ lực bất thành tại Alaska, câu chuyện ngoại giao bóng bàn từng "phá băng" quan hệ Mỹ-Trung trong quá khứ lại được nhiều người nhớ đến.

Những người trong chuyến thăm lịch sử vào tháng 4/1971 không phải là các nhà ngoại giao tiên phong mà đơn thuần là những người chơi bóng bàn cừ khôi.

Trong đội tuyển bóng bàn quốc gia Mỹ sang thăm Trung Quốc năm ấy có cả những vận động viên nhí như Judy Bochenski, mới 15 tuổi. Khi đó, với những vận động viên này, Trung Quốc đơn giản là một nước lớn với rất nhiều người cộng sản.

Thế nhưng, vận động viên Judy Bochenski và các đồng đội của mình đã giúp tạo nên một màn "đảo chiều" ngoại giao ngoạn mục trong thời gian đó, làm tươi sáng hơn triển vọng quan hệ Mỹ-Trung.

Chuyến thăm được sắp xếp gấp rút với lịch trình là tham dự các cuộc triển lãm ở 3 thành phố của Trung Quốc. Chuyến thăm đã góp phần quan trọng trong việc vén "Bức màn đỏ" và mở đường cho một trật tự thế giới mới, trong đó có Trung Quốc.

Lời mời "để đời"

Nửa thế kỷ sau, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung khá bấp bênh, cái được gọi là "ngoại giao bóng bàn" vẫn gây tiếng vang và được coi là hình mẫu cho những thay đổi tiềm tàng khi thể thao và chính trị "chạm vào nhau".

Bà Bochenski nhớ lại: "Chúng tôi đã đến đúng nơi vào đúng thời điểm. Chúng tôi là tia sáng đã giúp Trung Quốc và Mỹ hoàn thành những gì họ đang cố gắng làm, đó là liên lạc với nhau".

Tháng 4/1971, khi đội tuyển bóng bàn Mỹ đang ở Nhật Bản tham gia thi đấu giải vô địch bóng bàn thế giới nhưng không có cơ hội chiến thắng. Tại Mỹ, bóng bàn được coi là một môn thể thao thứ yếu, vì vậy, đội tuyển bóng bàn Mỹ khi đó phải tự chi trả kinh phí đến Nhật Bản thi đấu.

Trong tình thế đó, họ đã nhận được lời mời "để đời" từ phía Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang muốn tìm cách phá vỡ thế bế tắc đã kéo dài hơn hai thập kỷ để bắt đầu quan hệ với Washington. Việc mời các vận động viên bóng bàn Mỹ nhằm phát đi tín hiệu thiện chí dường như là cách hoàn hảo để "phá băng".

Ngày 10/4/1971, thay vì trở về nhà, bà Bochenski và đồng đội bất ngờ có chuyến du ngoạn kéo dài một tuần tại một quốc gia "xa lạ" với phương Tây kể từ sau Thế chiến II.

Bà Bochenski, hiện 65 tuổi, chia sẻ: "Đó là một bất ngờ và là một cú sốc lớn", ám chỉ lời mời "để đời" từ phía Trung Quốc bởi bản thân bà và đồng đội không biết nhiều về những gì đang diễn ra về mặt chính trị vào thời điểm đó.

Các vận động viên đội tuyển bóng bàn Mỹ thăm Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tín hiệu đúng thời điểm

Trong những tháng trước đó, đã có nhiều gợi ý về việc Trung Quốc tiếp cận với Mỹ, nhưng lời mời đưa ra với đội tuyển bóng bàn Mỹ vào phút chót là bằng chứng chắc chắn đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon có được, rằng Trung Quốc thực sự quan tâm đến mối quan hệ song phương.

Tín hiệu này hiệu quả đến mức Tổng thống Mỹ Nixon đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 2/1972, tức chỉ một năm sau chuyến du ngoạn của đội tuyển bóng bàn, khiến cả thế giới sững sờ.

Mặc dù, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon có thể sẽ diễn ra cho dù không có sự kiện ngoại giao bóng bàn, bởi Mỹ cũng đang tìm mọi cách để liên hệ với Trung Quốc, như một cách để "dằn mặt" Liên Xô. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang thực hiện những bước đầu tiên để mở cửa với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận chuyến thăm của đội tuyển bóng bàn Mỹ đã tác động lkhông nhỏ đến quan hệ Mỹ-Trung.

Trong trận đấu bóng bàn, bà Bochenski đã mặc một chiếc váy ngắn thu hút ánh nhìn từ những người Trung Quốc mặc đồng phục màu xám và những người hâm mộ Trung Quốc đã đồng loạt vỗ tay trong suốt trận đấu.

Trung Quốc khi đó vẫn đang trong cuộc Cách mạng Văn hóa và đội tuyển bóng bàn Mỹ là một luồng gió văn hóa phương Tây mới mẻ.

Hồi tưởng câu chuyện của 50 năm trước, bà Bochenski cho biết: "Các vận động viên Trung Quốc rất giỏi, nhưng họ được chỉ đạo nhường cho Mỹ chiến thắng. Họ liên tục nói với chúng tôi rằng, đây là những trận giao hữu, nên nếu họ đánh bại chúng tôi hoàn toàn thì điều đó chẳng có gì hay ho".

Tại Mỹ, Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Kissinger cũng theo dõi chặt chẽ những diễn biến này. Ngay sau đó, ngày 14/4, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại chống lại Trung Quốc và thông báo "người Trung Quốc có thể nhận được thị thực để đến Mỹ".

Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Nixon nhấn mạnh với Ngoại trưởng Kissinger rằng: "Tôi thiết lập quan hệ với Trung Quốc vì những lý do lâu dài và rất quan trọng".

Vài tháng sau, Ngoại trưởng Kissinger đã thực hiện chuyến đi bí mật đến Trung Quốc.

Trong chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng thống Nixon, hai bên đã ra Thông cáo chung Thượng Hải, thiết lập khuôn khổ cho một mối quan hệ bình thường và hiện vẫn là nền tảng cơ bản cho mối quan hệ giữa hai nước ngày nay.

Đây được coi là thành tựu chính sách đối ngoại nổi bật của chính quyền Nixon.

Còn bà Bochenski và đồng đội trở về Mỹ như những người hùng của trò chơi chính trị "ngoại giao bóng bàn".

Khi được chào đón tại sân bay ở San Francisco, bà Bochenski chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào vì đã đến Trung Quốc trước cả Tổng thống Nixon".

(theo AP)