Nhỏ Bình thường Lớn

AC: Không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Theo tờ Bangkok Post, Cộng đồng ASEAN (AC) phải là nơi mà mọi người đều có tiếng nói, mọi tiếng nói đều được lắng nghe và không ai bị bỏ lại phía sau.
ac khong the ngu quen tren vong nguyet que
Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

Khoảnh khắc “giao thừa”

Có lẽ với nhiều người, ngày 31/12 chỉ là ngày chuyển giao của năm cũ -2015 và năm mới-2016, nhưng đối với ASEAN, đây chính là thời khắc quan trọng, đánh dấu ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng. Cộng đồng ASEAN (AC) cập bến đúng hẹn sẽ góp phần hội nhập khu vực với toàn cầu.

Con đường tới cộng đồng của ASEAN là một hành trình dài. Chúng ta nên điểm lại những dấu mốc quan trọng mà Hiệp hội đã đi qua cho tới ngày hôm nay, từ Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN năm 1967, khởi động ý tưởng AC tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Bali, Indonesia năm 2003, tới việc thông qua Hiến chương ASEAN năm 2008, và gần đây nhất là phát triển Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 tại Kuala Lumpur, Malaysia, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 27.

Mặc dù giữa các nước thành viên ASEAN tồn tại nhiều điểm khác biệt về hệ thống chính trị, văn hóa, tôn giáo và lịch sử, nhưng cho tới thời điểm này, 10 thành viên đã gắn kết với nhau như “anh em trong một nhà”. Đây thực sự là một thành tựu đáng ghi nhận. Nhưng AC ra đời không phải để Hiệp hội “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, mà càng có ý nghĩa thôi thúc ASEAN tiếp tục phát triển, để đáp ứng những nhu cầu và khát vọng của người dân, cũng như giải những quyết thách thức mà khu vực phải đối mặt trong thời kỳ hội nhập.

Để đạt được những mục tiêu đó, ASEAN phải nỗ lực thực hiện Tầm nhìn AC 2025. Tầm nhìn này đã định ra đường đi cho Hiệp hội trong cả một thập kỷ phía trước.

Hướng tới người dân

Trước tiên và là quan trọng nhất, ASEAN phải tiếp tục xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân. Đây chính là cốt lõi cho sự tồn tại của cộng đồng. Chính phủ nước thành viên cần ban hành và thực hiện những chính sách hướng tới mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống hạnh phúc và lợi ích của người dân. Người dân ASEAN cũng phải có trách nhiệm đóng góp, xây dựng tương lai của cộng đồng.

AC được kỳ vọng sẽ là nơi mà mọi người đều có tiếng nói, mọi tiếng nói đều được lắng nghe và không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiến về phía trước, theo tinh thần của Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Mục tiêu đó có nghĩa là tất cả mọi thành phần trong xã hội, từ những người yếu thế cho tới những người có quyền lực, từ người trẻ cho tới người già, từ người khỏe mạnh cho tới những người tàn tật, từ xã hội dân sự cho tới doanh nghiệp tư nhân, đều phải có quyền lợi và tiếng nói trong quá trình xây dựng AC. Đó cũng là lý do Thái Lan cho rằng tất cả những thông tin liên quan tới AC phải đến được với nhóm người yếu thế trong xã hội.

Để hướng tới một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm, các nước ASEAN cũng cần thúc đẩy một nền quản trị tốt, phòng chống tham nhũng, đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, thông qua các chính sách, hoạt động cũng như sáng kiến của mình.

Chú trọng tới các “mạch máu”

AC cũng cần phải trở thành một cộng đồng năng động và có tính cạnh tranh. Vừa phải tăng cường thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành viên nội khối, Cộng đồng cũng phải theo đuổi và thực hiện các chính sách phát triển bền vững.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có thể thực sự trở thành một thị trường đồng nhất và cơ sở sản xuất chung duy nhất hay không phụ thuộc vào việc các nhân tố trong dây chuyền sản xuất có được lưu chuyển tự do, hàng rào thuế quan và phi thuế quan có thực sự được loại bỏ hay không.

Cơ chế một cửa ASEAN phải có hiệu lực sớm, từ đó thúc đẩy hệ thống pháp lý cần thiết ở cấp độ khu vực và quốc gia, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nội khối. Cùng với đó, cộng đồng cũng cần chú trọng tới vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vốn được coi là mạch máu của AEC và tính đàn hồi của nền kinh tế ASEAN.

Hơn nữa, cộng đồng cần tăng cường hơn nữa tính kết nối thông qua các sáng kiến kết nối cộng đồng một cách hiệu quả bằng đường hàng không, đường biển và đất liền. Cộng đồng cũng cần đoàn kết để giải quyết những mặt trái của hội nhập như tội phạm xuyên biên giới, nạn buôn người, buôn lậu hay tội phạm mạng. Các nước thành viên cần thiết lập cơ chế quản lý biên giới hiệu quả. Trung tâm NARCO đã được thành lập trong năm nay để giải quyết vấn đề buôn lậu thuốc. Thái Lan vừa mới đề xuất một trung tâm ASEAN để đối phó với tội phạm mạng…

Cuối cùng, AC phải đoàn kết và đảm bảo vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc khu vực. Kế hoạch hành động ASEAN trong việc thúc đẩy và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN do đó được kỳ vọng sẽ là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo vai trò của cộng đồng trong tương lai.

Song song với đó, ASEAN cần phải nỗ lực làm việc với các đối tác đối thoại và đối tác chiến lược. Chỉ có như vậy, cộng đồng mới có thể là một khuôn khổ hiệu quả, nơi hội tụ các chủ thể quốc tế lớn và có khả năng giải quyết những thách thức chung trong thế kỷ 21 bằng biện pháp hòa bình.

Hằng Phạm (Theo Bangkok Post)