📞

Ai giết bà Bhutto?

15:04 | 07/01/2008
Một vụ đánh bom liều chết, một chính khách nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng ở Pakistan ngã xuống, một đất nước vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và hận thù lại rơi vào một vòng xoáy bạo lực mới… Những chi tiết của một kịch bản tồi vẫn thường lặp đi lặp lại ở khu vực đầy bất ổn trải dài từ Trung Đông cho tới Nam Á. Vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto hôm 27/12/2007 cùng một loạt các hệ quả sau đó cũng không nằm ngoài kịch bản trên. Thậm chí, người ta có thể ngay lập tức mường tượng ra quang cảnh của đất nước Pakistan thời “hậu Bhutto": Bạo lực, chia rẽ và nguy cơ quay trở lại “tình trạng khẩn cấp".

Câu hỏi đặt ra liệu có thể ngăn kịch bản đó không xảy ra được không? Câu trả lời dường như là không! Ngay từ đầu năm 2005, theo đánh giá của CIA và Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ, Pakistan sẽ trở thành "một nhà nước bất lực, có nguy cơ xảy ra nội chiến đẫm máu, có tình trạng kình địch lẫn nhau giữa các tỉnh với việc tranh giành quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân và Taliban hóa hoàn toàn vào năm 2015". Và cái chết của bà Bhutto dường như chỉ là chất xúc tác giúp đẩy nhanh hơn tiến trình không mong muốn này.

Có vẻ như Al-Qaeda và các tổ chức cực đoan ở Pakistan có động cơ nhiều nhất từ việc ám sát bà Bhutto. Theo giới phân tích chính trị, vụ ám sát bà Bhutto làm tăng thêm sức mạnh cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, đồng thời nó cho thấy rằng hoạt động của các nhóm này không còn giới hạn trong các khu vực bộ tộc nhỏ hẹp, mà đã được mở rộng trên khắp lãnh thổ Pakistan. Thậm chí Al-Qaeda cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ ám sát này. Nhưng thủ phạm thực sự gây nên cái chết cho bà Bhutto có lẽ không phải là Al-Qaeda, thậm chí cũng không phải là kẻ đã nổ súng hay cho phát nổ quả bom hôm 27/12. Vậy ai giết bà Bhutto?

Không phải là không có cơ sở khi một số nhà phân tích cho rằng người chịu trách nhiệm về thảm kịch này trước hết chính là Washington, khi đã bất chấp những nguy hiểm vẫn hàng ngày hàng giờ rình rập vị cựu Thủ tướng này ngay trên quê hương của mình, vẫn quyết tâm tìm mọi cách đưa bà Bhutto trở về Pakistan sau nhiều năm sống lưu vong. Người ta cho rằng bà Bhutto là nạn nhân của "cuộc môi giới quyền lực giữa chính quyền Bush và Tổng thống Pakistan Musharraf", khi trong mắt Washington, nữ cựu Thủ tướng này là một nhân vật thích hợp nhất để vừa đảm bảo sự ổn định, vừa giúp duy trì nguyên trạng quyền lực của ông Musharraf, đồng minh số một của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, nhưng lại đang bị suy giảm uy tín nghiêm trọng.

Những cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, những cuộc tiếp xúc với nhiều thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, và đỉnh điểm là hai cuộc gặp trực tiếp với ông Musharraf tại Dubai vào tháng 2 và tháng 7/2007 đã đưa bà Bhutto trở thành một đối tác, thay vì đối thủ, trong việc chia sẻ quyền lực tại Pakistan, và qua đó, giữ Pakistan tiếp tục là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Nam Á. Kịch bản "hoàn hảo" đó của Mỹ tiếc thay lại đi ngược lại, thậm chí là xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của các nhóm Hồi giáo cực đoan có ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống chính trị ở Pakistan. Chẳng phải thế mà một chỉ huy cấp cao của Al-Qaeda ở Afghanistan đã thẳng thừng tuyên bố: "Bà ta là người ủng hộ trung thành của Mỹ và theo đuổi mục đích trấn áp phong trào Mujahideen. Vì thế bà ta bị tiêu diệt."

Chịu trách nhiệm thứ hai là các đảng phái chính trị ở Pakistan. Trước vụ sát hại bà Bhutto, có ba chính đảng lớn tại Pakistan là đảng Nhân dân Pakistan (PPP) do bà Bhutto lãnh đạo và hai đảng khác cùng mang tên Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (một do cựu Thủ tướng Nawaz Sharif lãnh đạo, còn đảng kia ủng hộ tổng thống Musharraf).

Nếu kịch bản bà Bhutto chia sẻ quyền lực với ông Musharraf thành hiện thực, thì ông Sharif, người có liên hệ mật thiết với các nhóm Hồi giáo cực đoan, sẽ phải "ra rìa". Nhưng khi bà Bhutto bị sát hại, tình thế đã hoàn toàn đảo ngược. PPP thì như "rắn mất đầu", dư luận thì đang chĩa mũi dùi vào Tổng thống Musharraf và đòi ông này phải từ chức. Ông Sharif bất ngờ nổi lên như một chính khách duy nhất có khả năng tập hợp được các lực lượng Hồi giáo cực đoan, kiềm chế tình trạng bạo loạn cũng như cổ vũ mạnh mẽ đòi hỏi của một bộ phận dân chúng đối với sự ra đi của ông Musharraf. Chẳng phải thế mà ông Sharif, trước đó còn kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, đã ngay lập tức thay đổi thái độ khi lên tiếng yêu cầu giữ nguyên thời hạn tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 8/1 như dự kiến, thậm chí dọa sẽ tổ chức biểu tình nếu Chính phủ hoãn bầu cử.

Người chịu trách nhiệm cuối cùng, thật đáng tiếc, lại chính là bà Bhutto.

Cuộc trở về của bà lần này diễn ra hoàn toàn không yên ả, bắt đầu bằng những vụ đánh bom đẫm máu khiến hơn 150 người thiệt mạng hồi cuối tháng 10/2007. Bản thân nữ cựu Thủ tướng cũng xác định sẽ phải đương đầu với cái chết. Với những tuyên bố mạnh mẽ chống khủng bố, thậm chí sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Mỹ truy quét khủng bố trên lãnh thổ Pakistan, bà Bhutto trở thành mục tiêu sát hại của Al-Qaeda và các nhóm Taliban hoạt động ở Pakistan. Các tin tức tình báo của Mỹ xác nhận nguy cơ đe dọa thường trực đối với bà Bhutto và nhiều biện pháp tăng cường an ninh đã được tính đến.

Nhưng dường như bà Bhutto và các phụ tá đều tin rằng không có bất cứ mối đe dọa cụ thể và đáng tin cậy nào. Các kế hoạch vận động tranh cử hầu như không có gì thay đổi. Vào thời điểm bà Bhutto kết thúc bài diễn thuyết tại thành phố Rawalpindi ngày 27/12/2007, thảm kịch đã diễn ra.

Chí Thành