📞

AMISOM - điểm tựa sống còn của Somalia

06:00 | 31/05/2016
Việc tổ chức bầu cử Quốc hội vào cuối năm nay là cơ hội để Somalia chứng minh cho những tiến bộ mà quốc gia này đã đạt được trước cộng đồng thế giới.

Tuy nhiên, Somalia vẫn còn tồn tại những khó khăn rất lớn và các đối tác của nước này (bao gồm Mỹ) đã bày tỏ quan ngại. Nếu cuộc bầu cử này không được xử lý một cách đúng đắn, rất có thể sẽ là một thảm họa đối với Somalia. Để đối phó với những thách thức đó, Somalia buộc phải dựa vào Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AMISOM) đóng tại nước này.

Các binh sĩ thuộc AMISOM tại Somalia. (Nguồn: AMISOM)

Theo đó, Liên minh châu Phi (AU) cần phải tái khẳng định cam kết của mình với Somalia, đồng thời yêu cầu các quốc gia thành viên và các nước tài trợ chưa nên từ bỏ sự ủng hộ đối với AMISOM cũng như đối với quốc gia nghèo khó của lục địa này. Khi Somalia đang tiến gần đến cuộc bầu cử (dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới), các nhân tố gây bất ổn rõ ràng nhất đến từ nhóm khủng bố al-Shabab và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng .

Cả hai nhóm này có thể sẽ là những kẻ phá hoại cuộc bầu cử vì chúng đều luôn lợi dụng các sự kiện quan trọng về chính trị hoặc tôn giáo để phóng đại tính chất các vụ tấn công khủng bố. Ngoài các mối quan ngại an ninh thông thường, những lo lắng về vấn đề nhân đạo cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Trong khi đó, nguồn viện trợ quốc tế hiện nay đang bị dàn trải bởi tình hình ở Yemen và Syria cũng như cuộc khủng hoảng người di cư đang tiếp diễn ở châu Âu.

Bất chấp một loạt các vấn đề với AMISOM, bao gồm sự thiếu gắn kết và thiếu thốn lực lượng, phái bộ gìn giữ hòa bình này hiện vẫn là giải pháp phù hợp nhất để đối phó với các vấn đề nan giải của Somalia. Đến nay, phái bộ này vẫn là lực lượng duy nhất có thể đối chọi hiệu quả với nhóm al-Shabab ở Somalia cũng như là động lực lớn nhất cho sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Tuy nhiên, nếu muốn nhiệm vụ của phái bộ này thành công, AU phải ủng hộ và thúc đẩy AMISOM, trong đó có việc tăng cường binh sĩ và hỗ trợ thêm nhiều lĩnh vực. Thật không may, trong khi AU cần tăng cường sự hỗ trợ cho AMISOM nhiều hơn thì dường như liên minh này có thể sẽ mất dần sự đóng góp. Đầu tháng Năm này, có thông tin cho rằng, Uganda bắt đầu xem xét rút về nước một số đơn vị ở Somalia, trong khi đây lại là thành phần có quân số lớn nhất trong phái bộ AMISOM. Việc Uganda rút binh sĩ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo vệ Chính phủ Somalia của AMISOM.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh có những đánh giá rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ cắt tài trợ cho AMISOM nhằm buộc Burundi phải tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình. Mặc dù cuộc xung đột nội bộ đang gây rắc rối cho Burundi nhưng binh sĩ của nước này đang đóng góp tới 1/4 quân số cho AMISOM. Vì thế, quyết định này sẽ làm tê liệt lực lượng AMISOM, vốn đã khó khăn vào đúng thời điểm cực kỳ quan trọng.

Các nhà lãnh đạo châu Phi và châu Âu cần suy nghĩ thật cẩn thận những ảnh hưởng của các quyết định này bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến thành công của cuộc bầu cử Quốc hội của Somalia mà còn tạo ra khoảng trống để nhóm al-Shabab tái nổi lên hoặc IS có thể giành được chỗ trú chân tại đất nước này. Dẫu cho AMISOM không thể ở lại mãi mãi thì bây giờ cũng chưa phải là lúc để cắt giảm tài lực và nhân lực của phái bộ gìn giữ hòa bình ở Somalia.

(theo Newsweek)