TIN LIÊN QUAN | |
Các thỏa thuận thương mại thúc đẩy tăng trưởng ở châu Á - Thái Bình Dương | |
Hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương hội nhập |
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, khu vực nơi các quốc gia độc lập “tuân thủ luật lệ”, “vươn lên trong tự do và hòa bình”. Một tháng sau, cụm từ này tiếp tục xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia (NSS) của Mỹ, với vị trí đứng đầu trong số những khu vực quan trọng đối với lợi ích của Washington. Chính quyền của ông Trump cũng đề cao vai trò “dẫn đầu”, “đối tác quốc phòng, chiến lược mạnh mẽ” trong khu vực của New Delhi, đồng thời Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ hợp tác mạnh mẽ hơn. Vậy chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” này thực chất là gì?
Trên thực tế, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã được sử dụng từ trước đó, bắt đầu từ phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007. Về phía Mỹ, từ những năm 2010, 2013, nhìn nhận về tầm quan trọng của khu vực trên với thương mại toàn cầu, các cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và John Kerry đã đề cập việc xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, chỉ đến khi được Tổng thống Trump nhắc lại, cụm từ này mới bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Ảnh: CNN) |
Bàn về khái niệm này, giới phân tích và học giả phần lớn cho rằng chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” có bốn mục tiêu chính: i) Tránh tạo cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc; ii) Làm sống lại liên minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia; iii) Nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực; iv) Phát đi thông điệp tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực. Hầu hết trong số họ đều nhận định chính sách mới của Chính quyền Trump nhằm tăng cường hợp tác cùng Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Bắc Kinh
Lo lắng của Washington về Bắc Kinh không phải là không có cơ sở. Sau nhiều năm “thao quang dưỡng hối”, Trung Quốc giờ đây đang có nhiều bước đi vững chắc nhằm tăng cường ảnh hưởng khu vực. Ở châu Á - Thái Bình Dương, tham vọng trên biển của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông được thể hiện rõ nét qua các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo và các hoạt động quân sự hóa, bất chấp sự phản đối của các nước có yêu sách khác, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài về Đường lưỡi bò. Đồng thời, Trung Quốc luôn tìm cách đưa các nước khu vực vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình thông qua các khoản viện trợ kinh tế.
Tại Ấn Độ Dương, Bắc Kinh đang tích cực triển khai các dự án đường bộ, đường sắt và ống dẫn dầu. Tuy nhiên, “Giấc mộng Trung Hoa” sẽ không “dừng chân” tại châu Á - Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương mà tiếp tục vươn tầm sang các châu lục và đại dương khác, kết nối với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Đặc biệt, trong lúc Mỹ đang cân nhắc vấn đề Triều Tiên hay Iran, Trung Quốc đã tranh thủ thời cơ tiếp tục thúc đẩy “tấn công quyến rũ” tại Trung Đông - châu Phi. Năm 2016, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Saudi Arabia với gần 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Tháng 7/2017, Bắc Kinh chính thức đưa vào sử dụng căn cứ quân sự chiến lược nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, gần lối vào biển Đỏ. Để hưởng lợi từ nguồn dầu lửa của Trung Đông, một mặt Trung Quốc thực thi chính sách “củ cà rốt”; mặt khác duy trì chính sách trung lập về chính trị. Đơn cử, Iran được Trung Quốc đánh giá là mắt xích quan trọng của Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Do đó, nhiều học giả nhận định rằng, sự ra đời của một chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ giúp Mỹ và đồng minh hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại “túi dầu lửa” Trung Đông và châu Phi.
Khi lợi ích quốc gia - khu vực song hành
Thật vậy, trước những diễn biến nhanh, phức tạp tại khu vực và trên thế giới, một chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là rất cần song chưa đủ, cả về phạm vi và tiềm lực. Do đó, chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là sự bổ sung, tăng cường đan xen các cặp quan hệ song phương, các cơ chế ba bên, bốn bên và khu vực, hiệp lực và bổ trợ lẫn nhau.
Việc Mỹ tiếp tục can dự song phương và đa phương tại các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt là tín hiệu tích cực, song vẫn cần đòn bẩy mới để đương đầu với thách thức. Quan hệ tay ba Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vẫn tồn tại hạn chế nhất định đến từ yếu tố lịch sử, giới hạn từng nước hay ngoại cảnh. Trong khi đó, New Delhi đã nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”, đồng thời có sự chia sẻ lợi ích và tỏ ra sẵn sàng hợp tác hơn với Washington trong việc kiềm chế và ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Do đó, chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho “Tứ giác an ninh” Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ.
Hơn nữa, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho khu vực nói chung và Mỹ nói riêng. Ấn Độ Dương chiếm tới 1/9 hải cảng, 1/5 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thế giới; container vận chuyển qua Ấn Độ Dương hàng năm chiếm một nửa lượng vận chuyển của toàn cầu. Sự kết nối hai bờ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tạo nên một khu vực có tới 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 7 trong số 8 nền kinh tế phát triển nhanh nhất và 7 trong số 10 nền quân đội lớn nhất thế giới. Ước tính, Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đóng góp hơn nửa sản lượng kinh tế thế giới trong những năm tới.
Cuối cùng, chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương” là “cánh tay nối dài” của chính sách “Nước Mỹ là trên hết”. Trong hơn một năm cầm quyền, Chính quyền Trump luôn trung thành với khẩu hiệu “lọt tai” này, khi kêu gọi đồng minh tăng ngân sách quốc phòng để giảm sức ép “ô an ninh” cho bản thân. Bởi vậy, tất cả những điều chỉnh nêu trên không nằm ngoài mục đích đẩy mạnh vai trò, duy trì sự ảnh hưởng của Mỹ trong Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục can dự vào các cơ chế khu vực do ASEAN dẫn dắt, sát cánh cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đồng thời, Washington cũng khuyến khích New Delhi mở rộng tầm ảnh hưởng, tranh thủ thế mạnh kinh tế và vị thế chính trị của Ấn Độ trong bàn cờ khu vực. Về phần mình, thay vì dàn trải sức mạnh, Mỹ sẽ duy trì sự ảnh hưởng của mình một cách hợp lý nhưng hiệu quả hơn.
Từ lý thuyết đến thực tiễn
Vạch ra chiến lược là vậy, nhưng đưa ý tưởng về “Ấn Độ - Thái Bình Dương” và “Tứ giác an ninh” thành hiện thực không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy quy mô kinh tế của New Delhi và mối quan hệ đối tác đối thoại sẵn có giữa Ấn Độ và ASEAN sẽ tạo động lực lớn cho chính sách “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, sự hiện diện của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi gặp những trở ngại nhất định do tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Pakistan. Ngoài ra, Ấn Độ chưa là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đứng “ngang hàng” về vị thế chính trị với Trung Quốc.
Hơn nữa, đánh giá của mỗi nước về thách thức từ Bắc Kinh trên khía cạnh kinh tế - thương mại, an ninh biên giới - lãnh thổ… là không đồng nhất. Đa phần các nước đang phát triển trong khu vực cần các khoản viện trợ ít hoặc không điều kiện của Trung Quốc. Trong khi đó, việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã ít nhiều tạo động lực để Bắc Kinh đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hút các nước vào quỹ đạo của mình. Về an ninh, mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran cũng như vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục cản trở quá trình triển khai chính sách của Mỹ.
Vượt qua những thách thức này sẽ là bài toán không nhỏ với Washington và các đồng minh. Thành công của “Ấn Độ - Thái Bình Dương” sẽ phụ thuộc nhiều vào sự dẫn dắt của Mỹ, cũng như ý nguyện của ba nước còn lại. Mong rằng với những bước đi đúng đắn, “Tứ giác an ninh” sẽ “xốc lại” tư duy chiến lược, tạo động lực phát triển cho khu vực đầy tiềm năng này nói riêng và thế giới nói chung.
Mỹ xem xét nối lại các chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông Giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này có thể lại thực hiện Các chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPS) ... |
ASEAN - Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của Việt Nam Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ và thăm ... |
Ấn Độ gia nhập Nhóm Australia Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy việc không phổ biến hạt nhân, ngày 19/1 Ấn Độ đã gia nhập Nhóm Australia, một nhóm không ... |